Kỳ thú Tú Lệ: Thăm ruộng lúa và tắm tiên.
Tú Lệ là một thung lũng nằm giữa ba ngọn núi cao là: Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, đây cũng là nơi cư trú của hơn một ngàn hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, câu ca ấy đã vượt ra khỏi ranh giới vùng đất đất Yên Bái để đến với người dân các vùng miền trong cả nước và gợi lên sự háo hức trong tâm hồn những kẻ lữ hành.
Từ thị xã Văn Chấn, trung tâm của cánh đồng Mường Lò, theo Quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải, trước lúc vượt sừng trời (đèo Khau Phạ), Tú Lệ đột ngột hiện ra với mùi lúa nếp chín thơm ngào ngạt. Xã Tú Lệ nằm trọn trong lòng thung lũng khá rộng, với 172 ha ruộng nước.
Gần 20 năm trở về trước, xã Tú Lệ được mệnh danh là vương quốc của cây thuốc phiện. Thuốc phiện được trồng khắp cánh đồng Tú Lệ, nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Vào những mùa Anh túc nở, thung lũng Tú Lệ mang một vẻ đẹp huyền bí.
(Bài có nhiều ảnh khổ lớn, bạn nhấn hình để xem)
Tú Lệ như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp:
Nhưng vẻ đẹp của loài hoa Anh túc càng rực rỡ bao nhiêu thì cuộc sống người dân Tú Lệ càng khốn khó bấy nhiêu. Thuốc phiện không những chẳng đem lại cơm ăn áo mặc, chẳng làm cho bà con người Thái ở Tú Lệ đổi đời mà nó còn kéo theo đói nghèo và cùng cực, bởi số người nghiện thuốc phiện cứ theo đó mà tăng lên.
Đường đi Tú Lệ:
Sau này từ chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cán bộ từ huyện đến xã mà đứng đầu là các già làng, trưởng bản đã tích cực vận động nhân dân nhổ bỏ cây thuốc phiện.
Thế rồi, những cánh đồng thuốc phiện dần dần được chuyển sang trồng lúa, trồng ngô, trồng đậu tương. Từ khi quốc lộ 32 được nâng cấp, xã vùng cao này đã có nhiều đổi thay, trung tâm xã trở thành một thị tứ sôi động, là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Đó cũng là điều kiện để các mặt hàng nông sản được khách thập phương biết đến, dọc quốc lộ nhiều khách sạn mọc lên, gà đồi, nếp thơm là món ăn ưa thích của nhiều du khách. Bây giờ thì cây Anh túc chỉ còn lại trong ký ức xưa của người già trong xã.
Dân đi bụi, dân phượt ở miền Bắc một thú vui khá kỳ lạ “Đi thăm lúa”. Khắp ở trên mọi nẻo đường của Tây Bắc, Đông Bắc, bất cứ nơi nào có núi, có ruộng bậc thang, có mùa gieo hạt, có tháng lúa xanh, tuần lúa chín, hay ngày cơm mới, là có những bước chân háo hức lên đường…
Ruông bậc thang ở Tú Lệ:
Cái thú vị đầu tiên đó là vùng đất này không quá xa xôi cách trở, ôtô và xe máy đều có thể đến và đi một cách dễ dàng. Những thung lũng, cánh đồng, biển lúa hầu hết đều nằm hai bên đường của quốc lộ 32 từ Nghĩa Lộ đi Mù Căng Chải. Tú Lệ thích hợp cho một chuyến đi từ 2 - 2,5 ngày cuối tuần, rất dễ thu xếp vào bất kỳ một quãng thời gian nào quanh năm.
Khoảnh ruộng còn làm đồng, khoảnh khác xanh mơn mởn:
Cái thú vị tiếp theo đó là cảnh sắc mỗi mùa một nét gợi cảm riêng biệt, thú vị và không bao giờ gây nhàm chán. Mùa làm đất thì long lanh sắc nước, bờ be đất nâu một màu trù phú. Mùa gieo mạ, lúa xanh như tấm thảm, xanh từng mảnh rời rạc tạo thành những điểm nhấn ấn tượng.
Phía khác lại là lúa nếp chín vàng:
< Cạnh ruộng lúa chín: dòng suối khoáng quanh co chảy ngang thng lũng thật nên thơ.
Mùa lúa xanh, xanh ngát đến tận trời. Mùa lúa chín lại vàng ươm rạt rào như sóng biển. Mùa gặt náo nức rộn ràng, mùi cơm mới theo gió bảng lảng trên chái nhà. Nhìn ngày mùa mới tươi tắn cũng thấy cuộc sống căng tràn nhựa sống và mang màu sắc của bình yên.
Đẹp nhất là những cánh đồng lúa mê mải được ôm trọn bởi ba dãy núi ven một dòng suối mênh mang tinh khiết uốn lượn chảy ngang.
Đỉnh dốc Hai Bà Cháu là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Tú Lệ. Những chái nhà lợp gỗ pơmu nằm san sát, biển lúa dập dờn như cánh sóng, suối Tú Lệ như một dải lụa mềm của một vị thần tiên lỡ tay đánh rơi khi bay ngang qua vùng trời này.
< Tắm tiên ở bể suối khoáng.
Cái thú vị khác nữa là những món đặc sản không thể bỏ qua cùng phong tục tắm suối khoáng độc đáo của người dân vùng cao mà phần sau bài viết sẽ đề cập tới.
< Em bé ở vùng cao.
Quãng đường tuyệt đẹp trên quốc lộ 32, xuyên qua những thị tứ xinh xắn của đất Yên Bái. Từ Nghĩa Lộ đến Văn Chấn bắt đầu những con đường đèo dốc quanh co.
Dòng suối khoáng chảy réo rắc quanh năm:
Văn Chấn rồi Tú Lệ, những thửa ruộng tuyệt đẹp trải dài suốt hai bên con đường. Kia là đỉnh đèo Khau Phạ với mênh mang những lúa và lúa, bản làng êm ả dưới rặng cây, những con đường đất đỏ vạch ngoằn ngoèo trên núi, bát ngát và khoáng đạt vô cùng.
Tú Lệ thật thanh bình...
Rồi từ chợ trung tâm, có một lối rẽ chạy thẳng xuống ngầm bắc trên dòng Tú Lệ. Đột nhiên, bạn thấy mình đang đứng sững giữa cánh đồng bao la thẳng cánh chim bay.
Các thửa ruộng ở Tú Lệ phần lớn gieo trồng một vụ. Một bộ phận nhân dân trong thời gian gần đây lại chuyển sang gieo trồng hai vụ, tuy nhiên không quá nhiều. Chính điều đó làm bức tranh Tú Lệ trở nên đa sắc đủ vần điệu.
Cùng trên một mảnh đất lành, nhưng có thửa ruộng đã gặt, thửa đang xanh và thửa mới chỉ được gieo trồng cấy mạ. Điều này sẽ làm bạn cảm thấy ngạc nhiên và cực kỳ thú vị, giống như một ngày có cả bốn mùa, một vụ lúa có đủ công đoạn từ làm đất, gieo trồng, lớn lên, chín hạt đến gặt hái và thơm mùi gạo mới. Tất cả chỉ gói gọn trong một ngày!
Tại Tú Lệ, những thửa ruộng của bản làng người Thái đã thơm hương ngào ngạt. Nếu vào đúng mùa gặt, bạn sẽ thấy những cô gái Thái, Mông, Dao đeo gùi hối hả từ chợ về nhà hay vội vã cày ải, nhặt cỏ, gặt lúa trên thửa ruộng nhà mình và bạn cũng sẽ được ăn những bát cơm gạo mới.
Những cô gái Tú Lệ:
Còn nếu đến sớm hơn một chút, hãy thưởng thức thử món cốm thơm được làm từ gạo nếp Tú Lệ trứ danh. Mùa táo mèo cũng thường trùng với mùa lúa chín. Những trái táo chua chua chát chát ngâm rượu ngon tuyệt.
Giũ bỏ mệt nhọc bằng việc tắm suối nước nóng sau một ngày trên trên rẫy:
Cuối chiều, khi những cô gái chàng trai người dân tộc Thái trở về nhà sau một ngày làm đồng rộn rã là lúc dòng suối nước nóng giữa những cánh đồng đông người nhất. Người Thái tắm dưới suối, thật tự nhiên trong thiên nhiên tươi đẹp.
Tắm ở đầu nguồn là một trong những phong tục độc đáo của phụ nữ Thái và nếu có lần nào đó lên vùng Tây Bắc, nơi có nhiều người Thái sinh sống, ta sẽ dễ dàng gặp những phụ nữ tắm suối - tại Nghĩa Lộ, Tú Lệ cũng vậy.
Người dân ở Tú Lệ đến nay vẫn giữ một nét sinh hoạt truyền thống hồn nhiên và độc đáo là tắm suối và tắm nước khoáng.
Bé cũng tắm khoáng:
Nơi đây đã được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều nguồn nước khoáng nóng, nên khi ở dưới xuôi mới chỉ làm quen với dịch vụ tắm nước khoáng nóng với giá không rẻ thì người Thái ở Nghĩa Lộ đã tắm nước khoáng nóng miễn phí từ hàng trăm năm nay.
Người ta kỳ cọ cho nhau:
< Bể tắm được xây cạnh suối.
Ở nhiều nơi trong xã: nước khoáng nóng từ lòng đất chảy ra các con suối và được chị em tranh thủ khi trời mùa thu đã lạnh.
Có những điểm chính quyền địa phương xây một số bể đón nguồn nước nóng để người dân tắm cho ấm.
Bạn cũng có thể hòa mình vào dòng nước ấm đấy:
Ở Tú Lệ có hai bể tắm nước khoáng nóng ngay cạnh dòng suối mát và bên bờ là ruộng nương chín vàng. Một bể tắm rất nóng và một bể tắm âm ấm: tắm nóng nhiều hay ít là tùy ý mỗi người.
< Không thích tắm trong bể thì cũng có thể tắm ngay ngoài suối.
Mỗi khi chiều xuống, sau một ngày lao động vất vả thì những cô gái Thái lại kéo nhau xuống dòng suối Tú Lệ, tự nhiên trút bỏ xiêm y và trở thành những nàng tiên giữa trời đất.
Người thì ngâm mình dưới dòng nước, cô khác ngồi kỳ cọ hay giặt giũ trên hững viên đá cuội khổng lồ nằm tràn trên hai bờ. Nước trong văn vắt, reo vui như tiếng cười của con trẻ.
< Du khách đến đây cũng chả từ chối "món khoáng nóng" tuyệt vời này.
Có người tắm nước khoáng một cách thời thượng, cũng có người mặc váy thay đồ theo phương pháp truyền thống. Thậm chí có cô cô giũ bỏ xiêm y bên trên triền đá để ngâm trọn vẹn thân ngà ngọc trong dòng nước ấm cũng không vấn đề gì vì đó cũng là chuyện đã có hàng trăm năm qua.
< Nước khoáng nóng là phương thuốc giữ gìn sức khỏe kỳ diệu của người dân Tú Lệ.
Nước khoáng hơi rít tóc, nhưng vẫn có thể gội đầu và rất tốt cho sức khỏe, người ta nói thế và có lẽ đúng vì người dân Tú Lệ hiếm có bệnh vặt như dân thành thị.
< Kỳ cọ bằng những viên đá cuội tròn, có sẳn trong ồ nước khoáng nóng.
Trong các bể nước khoáng hay ngay trên các dòng suối khoáng nóng có những viên đá cuội tròn, các chị các cô đang kỳ lưng cho nhau. Áo váy họ để ngay trên thành bể hay các hòn đá; có cô ngồi “lộ thiên” giặt giũ bên bể.
Vào mùa lạnh cuối năm: các suối và giếng khoáng bốc hơi nghi ngút, thoảng mùi H2S và lưu huỳnh với nhiệt độ trung bình khoảng 45°C, rất tốt cho sức khỏe.
< Có thể tắm cả vào ban đêm vì nước nóng đến 45° mà.
Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn trong làn nước nóng thoang thoảng mùi hăng hăng của lưu huỳnh giữa thiên nhiên cùng tiết trời hanh hanh lạnh.
< Khách và chủ hòa đồng: cùng tắm khoáng trong dòng nước quí trời cho.
Bạn cũng có thể vọc nước, trò chuyện với các chị, các cô gái xinh xắn má đỏ hây hây nhưng tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có những hành vi xấu, nếu không sẽ bị trai bản và chính quyền địa phương trừng phạt.
Xứ người có chuyện tắm hồ giữa băng giá thì xứ ta cũng có chốn tắm khoáng giữa tiết lập đông giữa bao cô gái xinh đẹp, tỉnh táo cả người - cái rét, cái mệt lặng lờ trôi theo dòng nước cả!
Tú Lệ còn nổi tiếng một đặc sản mà không nơi nào sánh được: Nếp thơm Tú Lê là của trời cho mà không ở vùng cao nào có được, vì vậy hàng năm xe ô tô từ khắp mọi miền đất nước lên Yên Bái rồi vào Văn Chấn ngược lên Tú Lệ mua gạo nếp về gói bánh chưng, thổi xôi thờ cúng tổ tiên và đãi khách trong ba ngày Tết.
Còn với những du khách đã từng đến Tú Lệ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ gạo nếp Tú như: Cốm, cháo cốm vịt, xôi nếp ngũ sắc, cơm lam... nhấp thêm chén rượu nếp trong tiếng “Khắp mời lẩu” (hát mời rượu) của các thiếu nữ trong vùng hay điệu xoè nồng hậu mới thấm hơn cái hồn của xứ Thái và ý nghĩa sâu xa của câu ca:
“Mường Lò gạo trắng nước trong /Ai đi đến đó lòng không muốn về".
Có lẽ chưa một nhiếp ảnh gia nào dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư khi qua nơi này đều không khỏi hồi hộp và rung động khi đứng trước một cô gái khỏe khoắn và duyên dáng như Tú Lệ. Cánh đồng bản Pha, bản Thái, Cao Phạ không biết đã bao lần được ghi hình vào trong máy ảnh, dù là mùa xanh, mùa trắng, mùa nắng hay mùa vàng…
Những cô gái ở Tú Lệ:
Tú Lệ có thể ví như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp. Đẹp ngay từ dốc ba tầng nơi bắt đầu địa giới của vùng, cao ngất trời mây bên vách đá chênh vênh, núi rừng hoang dại và đầy vẻ kiêu kỳ bí ẩn. Đẹp từ những mảnh ruộng nằm lẻ loi trên sườn núi đá, những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ cheo leo thoáng ẩn thoáng hiện giữa đỉnh trời.
< Ru con.
Khi những cành hoa ban trên sườn núi Khau Phạ xốn xang trang điểm cho mùa xuân màu trắng tinh khôi, cũng là lúc con suối Mường Lùng bắt đầu chắt chiu những dòng nước ngọt lành thấm vào cánh đồng Mường Lò.
< Đồng lúa chín vàng.
Sự ngọt ngào của dòng suối không chỉ làm nên vị thơm của chè, nấm hương, lúa nếp mà còn làm nên sự ngọt ngào của tình đất, tình người.
Mùa xuân, núi rừng Tây Bắc như đoán được ánh mắt đầy háo hức của những viễn khách đang ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiếu nữ Thái da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen suôn mềm mại đang ngồi giã cốm, đồ xôi ngũ sắc, thổi cơm lam trong nếp nhà sàn. Con người, sản vật, phông tục của mảnh đất Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đó sẽ là một nơi đến khóa phai nhòa.
Tú Lệ đã đi vào câu ca, đi vào huyền thoại với gạo trắng nước trong, với giống lúa Nếp thơm ngon và những người con gái Tú Lệ cũng đẹp nức tiếng như hạt nếp trắng trẻo, tròn trịa ở đây vậy.