Nhà em đã xài qua cả hai loại, đầu tiên là lồng đứng (7 năm) sau đó chuyển sang lồng ngang động cơ dẫn động trực tiếp (đc 4 năm rồi), nên có một số nhận xét về ưu nhược điểm sau:
1/ Ưu điểm:
- Ưu điểm của lồng đứng:
+ Ít lỗi vặt. Em dùng 7 năm rất ít báo lỗi (lỗi chủ yếu do vợ cho quá nhiều đồ nên lúc vắt nó báo lỗi, phải bỏ bớt đồ ra).
+ Thêm đồ bất cứ lúc nào cũng được.
+ Không kén bột giặt, nước giặt
+ Không đòi hỏi áp lực nước khắt khe như lồng ngang.
+ Bỏ vào và lấy đồ ra thuận tiện cho người già khi hệ cơ, xương đã kém.
+ Thời gian giặt nhanh hơn kha khá so với lồng ngang.
+ Giá rẻ hơn, ít hỏng hóc, chi phí sửa chữa ít hơn.
- Ưu điểm của lồng ngang:
+ Giặt sạch hơn rõ ràng so với lồng đứng. Em mồ hôi dầu, mặc áo trắng chỉ 1 ngày là cổ áo đen xì, trước giặt bằng lồng đứng vợ nó phải ngâm rồi vò bằng tay sau đó mới cho vào giặt, khi chuyển sang lồng ngang thì không còn phải làm công đoạn đó nữa.
+ Quần áo không còn tình trạng xoắn, nhăn sau khi giặt xong.
+ Không còn tình trạng đứt chỉ, rách, giãn quần áo ở nách, đũng quần.
+ Giặt được nước nóng, rất hữu dụng để xử lý các vết bẩn cứng đầu.
+ Vắt khô hơn so với lồng đứng. Mùa nồm này em để tốc độ vắt 1.600v/p thì gần như ráo hết nước, cho vào xấy tầm 15-20 phút là khô (nếu để tốc độ vắt 800v/p thì phải xấy tầm 1h mới khô).
+ Sử dụng ít nước và xà phòng hơn rất nhiều so với lồng đứng.
+ Về điện đóm thì em chưa đo xem thằng nào tốn kém hơn. Nhưng lồng ngang dẫn động trực tiếp không còn hiện tượng điện tăng giảm đột ngột như lồng đứng (lúc giặt chứ không phải lúc vắt). Em có đồng hồ đo nên có test thử thì lồng đứng khi giặt điện giật cục từ 0W-300W liên tục, lồng ngang thì cứ đều đều 45W (công suất chỉ đạt max 350W khi vắt ở tốc độ 1.600v/p, không tính giặt nước nóng).
+ Vệ sinh lồng giặt bằng dấm, chất tẩy rửa dễ hơn (với máy có chức năng vệ sinh lồng giặt) nên không bị hiện tượng có váng bẩn bám vào quần áo sau khi giặt xong.
2/ Nhược điểm:
- Lồng đứng:
+ Giặt không sạch bằng lồng ngang, quần áo bị xoắn vào nhau và nhăn. Cổ áo quá bẩn (đặc biệt là áo trắng) phải giặt tay trước khi cho vào máy giặt nếu không không thể sạch được. Hiện có con Toshiba DC1000CVW (DC1005CVW) đã phần nào khắc phục được nhược điểm này.
+ Quần áo dài hay bị rách, đứt chỉ ở nách áo, đũng quần. Nguyên nhân là do nguyên lý giặt là giằng giật qua lại (giật ngược, giật xuôi) + quần áo xoắn vào nhau.
+ Có tình trạng nhiều lần giặt vẫn lưu lại bột giặt trong quần áo => khắc phục bằng cách sử dụng nước giặt.
+ Trừ loại cao cấp (có chức năng favorits), còn lại đều phải bấm nhiều nút hơn so với lồng ngang, người già khó sử dụng hơn (mẹ em không thể sử dụng được dù hướng dẫn đi hướng dẫn lại).
+ Tốn khá nhiều nước và tốn bột giặt (nước giặt) hơn. Cùng lượng quần áo như nhau, lồng đứng xơi cả muỗn đầy trong khi lồng ngang chỉ non 1/2 muỗm.
+ Không giặt được nước nóng.
+ Việc vệ sinh lồng giặt khó sạch hơn do không có nước nóng, lực văng không mạnh nên khó đánh bay cặn bẩn. Hình như không hoàn toàn bơm kiệt nước trong lồng giặt ra ngoài nên đây có thể là nguyên nhân gây đóng váng.
- Lồng ngang:
+ Việc thêm quần áo vào không dễ dàng so với lồng đứng. Lúc đầu mới chuyển từ lồng đứng sang lồng ngang cũng hơi bực, nhưng dần rồi sẽ quen và điều chỉnh phương án là ok (không phải nghĩ đến việc thêm đồ nữa).
+ Hay bị báo lỗi như áp lực nước không đủ (phải vệ sinh màng lọc nhiều hơn, vệ sinh xong là hết); chốt cửa đóng không chặt (chỉ báo lúc bắt đầu, mở ra đóng lại là ok), lỗi không giữ được nước khi đang giặt (ấn tạm dừng rồi ấn tiếp start là ok, do chưa lắp đúng hướng dẫn, nhưng em kệ vì cả năm đen nó mới báo 1 lần
).
+ Mặc dù không còn hiện tượng đứt chỉ, rách áo quần, nhưng bị xờn cổ áo (nhưng đến lúc nó xờn thì cái áo cũng đến tuổi về hưu rồi
).
+ Thời gian giặt thông thường lâu hơn kha khá so với lồng đứng.
+ Bỏ đồ vào và lấy ra khó hơn (đặc biệt với người già).
+ Giá đắt, nhiều lỗi, chi phí sửa chữa đắt hơn.
P/S: Đối với lồng ngang thì em không có ý kiến nhiều, nhưng về lồng đứng thì hiện trên thị trường em nghĩ không có thằng nào vượt qua được cái Toshiba DC1000CVW (DC1005CVW) 9kg này.