Ý kiến cá nhân của riêng tôi thì cho rằng, BKAV cực kỳ khó khăn để thành công ở thị trường smartphone Việt Nam. Thương trường không phải như trên giường. Thương trường là chiến trường. Thị trường smartphone đã bão hòa.
"Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Thị trường smartphone cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không."
Từ cựu vương kì cựu như Nokia phải bán mình cho đến Sony hay HTC đều gặp vô vàn khó khăn thử thách. BKAV rút chân nhanh còn kịp, hoặc là cuộc đời nở hoa, hoặc là cuộc sống bế tắc.
Cá nhân tôi không thích cách tiếp cận thị trường của các hãng smartphone thương hiệu Việt. Thông thường có 2 cách tiếp cận thị trường: bằng phần cứng và bằng phần mềm.
Cách thứ nhất - bằng phần cứng, thông thường 1 hãng điện thoại thương hiệu Việt sẽ đặt hàng toàn bộ bên TQ, về VN chỉ việc làm hộp, in tên sản phẩm rồi bán ra thị trường là xong. Cũng với lý lẽ thông thường, do thu nhập bình quân đầu người ở VN còn thấp, nên giá sản phẩm smartphone thương hiệu Việt phải rẻ, nếu ko rẻ thì bán cho ma à, cũng bởi vì giá rẻ nên chất lượng sản phẩm rất chán, cấu hình yếu kém, thường xuyên giật lag trong quá trình sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm người dùng, làm mất đi niềm tin của người dùng vào sản phẩm smartphone thương hiệu Việt. Niềm tin cũng như là trinh tiết vậy, mất rồi lấy lại được đâu.
BKAV Phone thì khác, linh kiện ngon, ngoại nhập hết, chip của Qualcomm S8xx, Ram ngon, màn hình ngon,... nhưng vô hình chung lại làm giá sản phẩm lên rất cao. Theo dự đoán khoảng 13 củ, thực sự với giá này và thương hiệu mới thì rất khó bán ở VN.
Cách thứ 2- bằng phần mềm, đây là cách mà tập đoàn Xiaomi của TQ đã sử dụng, một bài học kinh điển trong việc lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ thắng lớn ở thị trường smartphone trong nước. Xiaomi chỉ mới thành lập năm 2010, thời kì mà Apple đang phát triển rực rỡ, còn Samsung thì đang trên con đường trở thành nhà sản xuất smartphone Android số 1, vậy mà chỉ 5 năm sau, doanh số bán ra của smartphone mang nhãn hiệu Xiaomi đã vượt qua cả Apple tại thị trường TQ và giá trị thị trường của tập đoàn Xiaomi lên tới 50-60 tỉ $. Trước khi ra mắt sản phẩm smartphone MI, họ đã ra mắt hệ điều hành MIUI cho rất nhiều các siêu phẩm Android của các hãng khác, với rất nhiều tính năng hay ho, giao diện mua thêm độc đáo, MIUI được coi là tái định nghĩa lại Android.
Ngoài lề một chút: Một điều lý thú về Xiaomi mà tôi đọc được, khi mới khởi nghiệp, để tìm nhà cung cấp linh kiện màn hình cho sản phẩm của mình, Xiaomi tìm đến hãng điện tử Sharp của Nhật, nhưng Sharp không đồng ý cung cấp, ba lần bảy lượt đi lại Xiaomi vẫn không thành công, chỉ đến khi Nhật Bản bị động đất, sóng thần, gây ảnh hưởng đến lò phản ứng hạt nhân, người của Xiaomi bất chấp nguy hiểm, bản thân có thể bị nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, vẫn kiên quyết sang Nhật tìm nguồn cung cấp màn hình, cuối cùng trời không phụ lòng người và Sharp đã chịu cung cấp màn hình cho smartphone của Xiaomi (bài này tôi đọc được trên diễn đàn mivn.net nhưng bây giờ không tìm lại được - không biết tại sao)
Nếu các bạn nghĩ rằng chỉ đơn thuần mua những linh kiện phần cứng tốt nhất, về lắp ghép lại và chạy HĐH Android gốc không tùy biến mà có thể chiến thắng được các hãng điện tử nước ngoài thì tôi nói luôn rằng không có chuyện đó đâu. Chiến đấu với các hãng smartphone nước ngoài bằng phần cứng thì không có cách nào có thể chiến thắng nổi họ, bởi họ là những tập đoàn tỉ đô toàn cầu, đầu tư rất nhiều tiền của vào nghiên cứu và phát triển phần cứng. Chúng ta chỉ có thể đánh bại họ ở trên mặt trận phần mềm. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng họ nếu chúng ta có những đặc trưng của riêng mình. Chỉ có trên mặt trận phần mềm, những lập trình viên người Việt mới có thể sáng tạo bay bổng những tính năng hữu ích giao diện thân thiện phù hợp với người dùng Việt.
Đầu tiên hãy viết HĐH BKOS trên nền tảng Android, dựa trên những nghiên cứu chi tiết và khoa học về tính cách, thói quen sử dụng smartphone của người Việt. Hãy tập hợp những lập trình viên người Việt giỏi nhất, tập hợp những nhóm làm rom cook giỏi nhất của người Việt, dưới 1 ngọn cờ, đầu tư vào phần mềm, hệ điều hành, giao diện, các tính năng hay ho và hữu ích được tích hợp sâu vào trong máy tạo thuận lợi cho việc sử dụng của người VN.
Ví dụ như: Một chiếc BKAV Bphone chạy HĐH BKOS sử dụng các tính năng tự động chỉ bằng giọng nói Tiếng Việt, với phần mềm soạn thảo văn bản Tiếng Việt bằng giọng nói, để nhắn tin tiếng Việt không cần gõ, chỉ cần nói vào điện thoại bằng Tiếng Việt là xong; một số tính năng điều khiển điện thoại bằng giọng nói Tiếng Việt khác, ví dụ: để điện thoại trên bàn, chỉ cần nói :"OK BKAV gọi cu hiệp", tự khắc máy tự bật sáng, tìm trong danh bạ và gọi điện cho cu hiệp, không cần động tay vào. "OK BKAV định vị", máy sẽ tự bật GPS và định vị vị trí. "OK BKAV chụp ảnh", máy sẽ tự động bật camera và chụp ảnh. Ngon chưa.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần quái gì phải sáng tạo, cứ bắt chước Xiaomi của TQ là được rồi, họ làm gì, mình cứ thế mà làm theo, họ bán online, mình bán online, họ có MIUI thì mình có BKOS, họ bán giá rẻ thì mình bán giá rẻ hơn, nếu mình trường vốn, kể cả chấp nhận lỗ để chiếm lấy thị phần trước tiên (cái này chắc khó làm sao mà chơi trường vốn kiểu này được, chết sặc máu ngay và luôn). Công thức thành công của Xiaomi rất đơn giản: Sản phẩm có chất lượng bằng 2/3, cấu hình tương đương và giá rẻ bằng 1 nửa so với các hãng lớn.
Nói thêm về phong cách bán hàng của Xiaomi, Xiaomi rất khôn ngoan, khi họ công bố giá smartphone đầu bảng của mình chỉ khoảng 300$ so với siêu phẩm của các hãng khác là 600-700$. Tuy nhiên họ chỉ bán online và bán theo từng đợt, mỗi đợt bán ra ví dụ khoảng 10000 chiếc và thường bán hết rất nhanh, trong vòng mấy phút. Những người dùng sau đó muốn mua thì phải mua lại của những thương gia đã gom hàng từ trước với mức giá cao hơn, vậy những thương gia đã gom hàng và đẩy cơn sốt lên là ai, rất có thể họ là người của Xiaomi, có thể chính người của Xiaomi đã gom hàng rồi bán lại cho người dùng với giá cao hơn. Vừa được tiếng hàng giá rẻ lại vừa được miếng tiền nhiều hơn. Xiaomi - không phải dạng vừa đâu, khôn lắm chứ, ăn làm sao được của họ.
Nói tiếp về BKAV BPhone, chỉ bán điện thoại không vẫn chưa đủ, BKAV cần phải có kho ứng dụng riêng của mình hoặc mua lại hay kết hợp với Appstorevn, để bán ứng dụng, bán giao diện, bán phần mềm, bán nhạc chuông, hình nền,... và chỉ nên bán với giá rất rẻ, khoảng 1000 VNĐ/1 giao diện (lấy số lượng hơn là lấy giá thành), đơn giản hóa thủ tục thanh toán, trừ tiền thẳng vào cước ĐT, ko cần thẻ visa phức tạp.
BKAV tự tin tuyên bố rằng, có nhà máy sản xuất lắp ráp ở VN, Made in VietNam, nhưng tôi thì cho rằng lắp ráp ở VN hay TQ không quan trọng. Nếu TQ lắp ráp chuyên nghiệp và làm tốt hơn thì cứ để cho họ làm, chẳng phải iPhone cũng được lắp ráp ở TQ hay sao. Điều quan trọng nhất đó là phải kiểm tra kiểm soát được chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm.
Cá nhân tôi trông chờ vào các tập đoàn công nghệ Việt (ví dụ như Viettel, VNPT, FPT) nhiều hơn là BKAV, bởi vì với lợi thế về nhà mạng (Viettel, VNPT) nên họ có thể bán smartphone kèm theo các gói cước nên có thể rẻ hơn, nhưng sản phẩm smartphone của họ thực sự làm tôi chán nản và thất vọng, còn đối với FPT thì có lẽ họ chỉ là những người buôn bán sản phẩm công nghệ mà thôi, chẳng trông mong được gì.
Có lẽ các hãng điện thoại thương hiệu Việt nên học tập cách làm của Samsung, tập trung toàn bộ nhân viên lại, đem toàn bộ những sản phẩm yếu kém chất lượng, chất thành 1 đống và đốt sạch sành sanh, để thể hiện rõ ý chí và quyết tâm của mình.
Tại sao smartphone thương hiệu Việt từ trước đến nay chưa thành công, bởi vì những người làm ra nó chưa thực sự tâm huyết với sản phẩm của mình. Họ làm chỉ cho có mà thôi, họ làm ra những sản phẩm như kiểu xóa mù công nghệ cho người tiêu dùng Việt, như kiểu là vẽ ra dự án, làm thì cứ làm thôi, bán được hay không, không quan trọng, cũng như biết bao công trình nghiên cứu của các GS TS Việt Nam, làm xong - cúng cụ - cất tủ - để đấy. Hãy tâm huyết cho sản phẩm của mình, chăm chút tỉ mỉ cẩn thận từ những thứ nhỏ nhất, ví dụ như từ việc chọn hình nền hay nhạc chuông, nhạc thông báo cho máy.
Hãy nhìn cách Xiaomi chọn hình nền cho máy của mình, 1 hình nền tốt là hình nền đẹp, rõ nét, độ phân giải cao, vẫn tôn nên hình nền nhưng hòa hợp với các biểu tượng, ko che lấp, ko làm rối rắm các icon.
Hãy nhìn cách Samsung chăm chút tỉ mỉ chọn nhạc chuông, nhạc thông báo trên Galaxy S3 với slogan: cảm hứng từ thiên nhiên, tiếng nhạc chuông nhạc thông báo gồm rất nhiều tiếng động từ thiên nhiên, nước nước rơi, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót,... thật hoàn hảo ăn nhập với câu slogan quảng cáo máy.
Chừng nào chúng ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt, sống chết với sản phẩm của mình, ngay cả trong đêm tân hôn cũng gọi tên smartphone thương hiệu Việt, coi sản phẩm như đứa con ruột mình đẻ ra, chăm chút tỉ mỉ cẩn thận từ những điều nhỏ nhất, chừng đó chúng ta mới có thể thành công.
Thị trường smartphone ở VN như một miếng bánh ngon, những phần ngon nhất đáng tiếc thay lại thuộc về các hãng điện tử nước ngoài, họ tranh nhau ăn những phần ngon nhất, rồi còn chỗ nào xương xẩu thì vứt cho các hãng điện thoại Việt đang ngồi thu lu 1 góc, các hãng điện thoại thương hiệu Việt lại lao vào cắn xé lẫn nhau để giành chút ít ỏi thị trường.
Hỡi những nhà sản xuất smartphone thương hiệu Việt, chẳng lẽ người Việt không thể làm được một sản phẩm nên hồn cho mình hay sao. Hay là cứ ngồi đợi để Samsung làm cho một chiếc smartphone Galaxy V với câu sologan "V là Việt Nam" nhé !
Người Việt không thể lắp ráp làm thuê làm mướn mãi kiểu này được. Chúng ta cần có 1 trận Điện Biên Phủ trong thị trường điện thoại thông minh, hỡi BKAV - chúng tôi tin vào các bạn !
Chốt