Trên thực tế, nhiệm vụ bin Laden đã đánh dấu một điểm sáng sau những xì-căng-đan, thất bại của SEAL. Lực lượng SEAL được khai sinh sau sự cố giải thoát con tin ở Iran. Trong trận đó, đội giải cứu ưu tú nhất của Mỹ đã bị mất tám người, bảy trực thăng và một phi cơ, khi đối mặt với những phiến quân chiếm cứ tòa đại sứ Mỹ ở Tehran.
Sau khi thành lập, những kết quả ban đầu cũng không ấn tượng. Bốn lính SEAL bị chết đuối khi xâm nhập Grenada năm 1983, năm 1984 thất bại trong vụ giải cứu một trưởng phòng CIA ở Beirut. Tuy nhiên, trước khi xảy ra vụ 11-9, “lực lượng ST6 vẫn giống như chiếc xe Ferrari mới toanh người ta còn để dành trong nhà xe”, theo lời tướng Pater Schoomaker, chỉ huy Các hoạt động đặc biệt (SOC) trong giai đoạn cuối thập niên 1990 tiết lộ.
Sự thay đổi đã đến sau ngày 11-9, khi chính quyền Tổng thống Bush bắt đầu nghiêng hẳn sang việc sử dụng những lực lượng săn người để tiêu diệt khủng bố đến từ nước ngoài. Đến TT Obama cũng theo đuổi chính sách này, một số người cho rằng thậm chí còn hơn người tiền nhiệm của ông nữa. Những năm gần đây, tiền thưởng cho mỗi tân binh thuộc lực lượng này là 40.000USD. Số bổng lộc hấp dẫn đi đôi với những chỉ tiêu khá gắt gao: ít nhất họ phải đạt chiều cao trên 1,7 m và nặng khoảng 73kg, mỗi người lính SEAL phải trải qua 30 tuần huấn luyện cam go nhất: chạy 806 dặm, bơi 77 dặm, bắn 3.000 loạt đạn; đồng thời trong thời gian huấn luyện hai năm. Với những yêu cầu cực độ về thể lực lẫn tinh thần, cuối cùng có đến 80% số tân binh đã bị “rớt”. Đó là lý do tại sao quân số của SEAL không nhiều.
Độ tuổi trung bình khi tuyển mộ tân binh vào lực lượng SEAL từ 22 - 25. Nhưng những sát thủ tiêu diệt bin Laden có lẽ còn lớn tuổi hơn nhiều. Don Mann, một cựu SEAL về hưu năm 1998, ở tuổi 40, cho biết: “Phần lớn những người lính ST6 thường ở độ tuổi 30, thậm chí còn quá 40”.
(Newsweek, 16-5-2011)