Em đi Sapa cũng năm 92. Để em tìm có khi còn mấy cái ảnh. Lúc đó sau chiến tranh biên giới giới, Sapa tiêu điều lắm. Đi từ HN phải xuống ga phố Lu rồi đi xe khách lên Sapa vì đường sắt bị phá, chưa khôi phục được đoạn lên Lào Cai. Còn xe khách thì là loại W50 ních đầy khách trong xe, trên mui còn nghễu nghện hàng hóa của dân buôn lúc lên thì là thực phẩm, giày dép, cuốc xẻng, vv và khi về là mơ, mận, đào.
Sapa lúc đó không có khách sạn, bọn em phải đi ở nhờ nhà dân kiểu homestay. Cũng chẳng có dịch vụ gì nữa cả, phải đi mượn nồi niêu để nấu ăn. Nhà thờ Sapa thì lúc đó còn đổ nát. Đêm xuống thì có chợ tình, trai gái bản đi tìm tình thật chứ không diễn ảo như bây giờ. Đi loanh quanh trong Sapa còn thấy rất nhiều hàm ếch khoét vào núi mà dân trên đó nói là người Mèo đào để nằm hút thuốc phiện. Thời gian đó thì hình như chưa cấm trồng cây thuốc phiện nên người dân tộc họ trồng và huits bình thường.
Sapa thời đó không khí rất trong lành. Đêm lạnh, uống vài chén rượu là ngủ say như chết. Sáng dậy ra sân thấy mây bay là là các mái nhà, thậm chí là các ruộng rau, ruộng ngô. Quãng sau 9h nắng lên mây tan bớt thì đi dạo, thăm các bản làng người dân tộc. Họ chủ yếu làm dệt vải. Ngang qua các bản thì hơi khó chịu vì mùi từ các bể nhuộm chàm. Đến trưa thì đi tắm suối. Các con suối trong veo, mát lạnh khi mới xuống thấy lạnh nhưng chỉ lát sau thấy vô cùng thích thú. Buổi trưa thì bọn em nấu một nồi mì tướng, thả vào một hộp thịt cả lũ xì xụp. Người dân trên đó nghèo nhưng rất tốt bụng, bon em mượn nồi, nấu nhờ bếp lúc nào họ cũng sẵn lòng.
Mấy năm trước em lên thăm lại Sapa, không còn có cảm giác thích thú như hồi 92 nhưng cũng không tệ đối với một điểm du lịch ở miền bắc.