Nhận định TTCK tuần từ 25/02 – 01/03: Chạy nước rút
Tuần vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một tuần giao dịch hưng phấn xét trên khía cạnh điểm số. Động lực chính trong nhịp tăng của tuần này vẫn là dòng ngoại, dòng tiền từ các tổ chức lớn đổ vào blue-chip. Còn về nhận định cho tuần tới thì chúng tôi xin gửi cho anh chị qua bài viết hôm nay.
Chốt tuần giao dịch 18/02 – 22/02, VNINDEX tiếp tục tăng thêm gần 40 điểm, đóng cửa ở mốc 988.91 điểm. Như vậy trái với kỳ vọng về một nhịp điều chỉnh nhẹ nhằm rũ bỏ các áp lực chốt lời trong ngắn hạn, thị trường tiếp tục có một tuần giao dịch hưng phấn xét trên khía cạnh điểm số. Động lực chính trong nhịp tăng của tuần này vẫn là dòng ngoại, cụ thể là dòng tiền P – note đến từ các tổ chức, quỹ đầu tư Hàn Quốc thông qua các quỹ ETF liên tục được đổ vào thị trường, tạo lực cầu mạnh đối với nhóm vốn hóa lớn. Qua đó đẩy giá của các mã trụ tăng mạnh và tạo lực kéo không thể ngăn cản cho chỉ số. Đáng chú ý mặc dù chỉ số tăng mạnh nhờ dòng tiền lớn tuy nhiên số mã hưởng lợi từ điều này không quá nhiều, chủ yếu là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn top đầu, thể hiện rõ nhất ở họ Vingroup (VIC, VHM, VRE), VNM, VCB, MSN. Do đó nhìn chung phần đông NĐT không hưởng lợi nhiều từ nhịp tăng này. “Chốt lời” cũng là quan điểm của không ít NĐT trong tuần qua sau khi chứng kiến thị trường tăng điểm quá nóng, và có hiện tượng rung lắc trong một số phiên cuối tuần trước, đầu tuần này (tiêu biểu là các phiên 15 và 19/02). Thực tế việc nhiều mã midcap cũng như bluechip đã có nhiều bước tiến lớn về mặt thị giá và việc thị trường đang nằm trong vùng quá mua, tâm lý này là điều dễ hiểu và nó lý giải về kỳ vọng thị trường sẽ có những nhịp điều chỉnh rõ nét hơn. Nhưng điều này hầu như chỉ đúng với nhóm midcap vốn không phải là tâm điểm dòng tiền trong tuần, đồng thời việc nhóm trụ top đầu liên tục nhận được dòng tiền giải ngân từ các tổ chức khiến nhóm này nói riêng và thị trường nói chung chỉ hiệu chỉnh nhẹ rồi tiếp tục đà tăng mạnh đang có, qua đó che mờ đi diễn biến ở nhóm midcap và khiến Index chỉ có những nhịp chỉnh “ngầm” trong bối cảnh chỉ số không ngừng tăng tốc.
Như vậy có thể thấy đã không có một tuần giao dịch với xu thế điều chỉnh chiếm vai trò chủ đạo như kỳ vọng đề cập tại
Nhận định tuần trước, ngược lại Index tiếp tục tăng tốc và tiến thẳng tới mốc tiếp theo sau khi vượt qua khu vực 960 tại ngưỡng 990 điểm. Một lần nữa chúng ta có dịp kiểm chứng sức mạnh của dòng tiền lớn với việc Index liên tục phủ nhận các dấu hiệu điều chỉnh và bứt phá dưới sự hỗ trợ của các trụ lớn họ VIC một cách tương đối đơn giản. Với nhóm midcap thì áp lực bán đã xuất hiện rõ nét trong giai đoạn tăng tốc của Index, khi nhiều mã đã tăng mạnh và dòng tiền tập trung chủ yếu dồn vào nhóm kéo chỉ số. Việc không kéo được tiền vào mạnh trong bối cảnh thị trường ở độ cao hiện tại sẽ là dấu hiệu nguy hiểm cho các mã này nếu như thị trường xảy ra rung lắc ở mức độ mạnh hơn tuần qua. Bởi lẽ mặc dù thị trường vẫn đang diễn biến khá ổn và trước mắt là không ít những yếu tố hỗ trợ cả về tâm lý lẫn dòng tiền, tuy nhiên khả năng xuất hiện một số phiên hạ độ cao cũng là không hề thấp, nhất là ở giai đoạn đầu tháng 3 sau khi kết thúc đàm phán Mỹ – Triều và thời hạn đình chiến thương mại Mỹ – Trung. Do đó việc cơ cấu những cổ phiếu yếu trong thời điểm thị trường vẫn đang tạo hưng phấn lớn là động thái không thừa để NĐT có thể bảo toàn thành quả trong suốt thời gian qua.
Về giao dịch khối ngoại, đây tiếp tục là một tuần mà nhóm vốn hóa lớn được mua ròng với quy mô lớn. Trong đó đáng chú ý nhất là việc CCQ E1VFVN30 được NĐTNN đẩy mạnh quy mô bơm vốn, đồng nghĩa với việc cầu tiềm năng với nhóm trụ vẫn đang còn rất dư dả khi khối ngoại cần lượng cổ phiếu lớn để tiến hành hoán đổi lấy CCQ, điều này cũng tương tự giai đoạn đầu tháng 12 năm ngoái.
Về giao dịch khối ngoại, đây tiếp tục là một tuần mà nhóm vốn hóa lớn được mua ròng với quy mô lớn. Trong đó đáng chú ý nhất là việc CCQ E1VFVN30 được NĐTNN đẩy mạnh quy mô bơm vốn, đồng nghĩa với việc cầu tiềm năng với nhóm trụ vẫn đang còn rất dư dả khi khối ngoại cần lượng cổ phiếu lớn để tiến hành hoán đổi lấy CCQ, điều này cũng tương tự giai đoạn đầu tháng 12 năm ngoái.
Về mặt kỹ thuật, nến tuần này tiếp tục là một nến xanh dạng Marubozu với thanh khoản cải thiện mạnh cho thấy sự thắng thế hoàn toàn của phe Mua lên trong cả tuần, đưa thị trường tiếp tục tiến đến vùng cản tiếp theo tại khu vực 990 – 1000 điểm. Năm nến ngày trong tuần đều là các nến xanh, trong đó phiên 19/02 có dạng Shooting Star cảnh báo điều chỉnh, tuy nhiên ngay lập tức bị phủ nhận ở các phiên sau đó. Cộng thêm việc đồ thị giá Index vẫn tiếp tục bám sát dải Bollinger trên cho thấy sức mạnh tăng giá của chỉ số chưa có dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Xu hướng trung hạn của thị trường cũng đang cho dấu hiệu tích cực hơn khi Index tiếp tục lấy lại đường MA200 và đường này có xu hướng đi ngang trở lại sau thời gian dài cắm xuống.
Rủi ro lớn nhất của thị trường lúc này không gì khác ngoài nỗi lo về khả năng “rơi như một viên sỏi” sau giai đoạn tăng quá nóng vừa qua. Lúc này chỉ báo RSI cũng đang cho thấy thị trường đã ở sâu trong vùng quá mua, với mức độ tương đương giai đoạn 1 năm trước. Thị trường cũng đã tiến đến vùng cản tiếp theo tại khu vực 990 – 1000 điểm ứng với vùng gap giữa 2 phiên 10 và 11/10 và ngưỡng kháng cự tâm lý, do đó trong 2 phiên đầu tuần khả năng sẽ có sự rung lắc, tích lũy quanh khu vực 990 điểm. Sau đó thị trường có thể trở lại đà tăng điểm trong 3 phiên còn lại của tuần, khi đây là thời điểm diễn ra đàm phán Mỹ – Triều và thị trường thường có thói quen giao dịch khá tích cực trong thời điểm diễn ra các sự kiện tầm quốc tế ở VN. Ngoài ra bối cảnh vĩ mô vẫn đang thuận lợi với triển vọng từ đàm phán Mỹ – Trung, phản ánh thông qua diễn biến của các chỉ số CK chính trên thế giới, đồng thời dòng tiền tổ chức chảy vào thị trường vẫn đang duy trì tốt, do đó khả năng Index vẫn sẽ có thêm một tuần tăng điểm nhẹ và bước vào giai đoạn tạo đỉnh quanh khu vực 990 – 1000 điểm khi thị trường bước sang tháng 3 – giai đoạn thị trường sẽ chịu tác động mạnh hơn từ câu chuyện đàm phán Mỹ – Trung.
Chiến lược đầu tư khuyến nghị cho tuần tới: Đến thời điểm hiện tại thị trường đã bật tăng khoảng 130 điểm từ vùng đáy 860 điểm kể từ đầu tháng 1. Đây là kết quả vượt ngoài mong đợi của phần lớn NĐT. Mặc dù vậy áp lực bán là điều có thể cảm nhận trong giao dịch của tuần qua, khi phần lớn thị trường đã chuyển sang giai đoạn tích lũy, còn tiền lớn chủ yếu tập trung vào nhóm trụ mạnh đẩy chỉ số tăng tốc. Tính chất phân hóa, cục bộ càng được đẩy lên cao khiến cho số NĐT thực sự hưởng lợi từ thị trường là không nhiều. Nhóm trụ lớn sau khi trải qua giai đoạn tăng mạnh thì đến phiên 22/02 cũng bắt đầu có tín hiệu tạm dừng kéo và do đó khả năng trong tuần tới dòng tiền sẽ có sự chuyển hướng tới một số cổ phiếu trụ ít ảnh hưởng lên Index, diễn biến yếu hoặc chưa tăng nhiều trong thời gian qua, tương ứng với những đặc điểm của thị trường trong giai đoạn nước rút. Ngoài ra dòng Ngân hàng cũng có thể sẽ tham gia tích cực hơn trong việc đỡ thị trường sau khi được đề xuất nới room tại Hội nghị ngành Chứng khoán, kéo theo việc nhận được dòng tiền trở lại sau một giai đoạn tích lũy dài ở nhiều mã.
Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, việc dòng tiền đầu cơ đang tìm đến nhóm vốn hóa lớn khiến cho những sự thể hiện của nhóm này trong tuần không còn nổi bật như giai đoạn trước. Áp lực chốt lời xuất hiện ở nhiều mã, tuần qua chúng ta có thể chứng kiến điều này ở nhóm Nhiệt điện hay mã DPM. Tuy nhiên nhìn chung đối với nhóm midcap với nền tảng cơ bản tốt thu hút dòng tiền thì việc xuất hiện các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để NĐT chắt lọc ra những cổ phiếu mạnh, như PHR, NTL, VSC… Trong trường hợp Index chuyển sang giai đoạn tích lũy, hoạt động kéo chỉ số không còn diễn ra sôi động thì khả năng những cổ phiếu còn hút được dòng tiền, tích lũy tốt sẽ sớm trở lại cuộc chơi. Tuy nhiên NĐT cũng cần chú ý đặc biệt đối với những cổ phiếu không còn giữ được tín hiệu mua (dạng đi ngược thị trường theo hướng tiêu cực) để có biện pháp cơ cấu kịp thời, tránh những ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp Index có nhịp rung lắc mạnh.
Các mã và vùng giá tương ứng anh chị có thể theo dõi, canh mua trong phiên ngày mai nếu có vùng giá điều chỉnh phù hợp:
Theo dõi thêm đối với: POW, DPM, CTG, ACB, VGC, HDG, TCM, KBC, VSC
Ngoài ra tùy tình hình thị trường trong tuần chúng tôi sẽ có khuyến nghị bổ sung cụ thể cho mọi người. NĐT quan tâm tới các mã cổ phiếu khác có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ. Chúc anh chị sẽ có tuần làm việc và giao dịch hiệu quả!