Con Cuông (Nghệ An): Điểm du lịch hấp dẫn
Là một huyện vùng cao biên giới phía Tây Nam Nghệ An, lưng dựa vào dãy Trường Sơn, có đường biên giới giáp nước bạn Lào, có lịch sử từ thời kỳ văn hoá Hoà Bình xa xưa, nằm dọc theo tuyến quốc lộ 7A (nối với cửa khẩu Nậm Kắn), cách thành phố Vinh 130km.
Con Cuông đất không rộng mà chủ yếu là rừng. Đặc biệt huyện có vườn Quốc gia Pù Mát với diện tích 61.000ha. Đây là khu bảo tồn nguyên sinh hiếm có tại Việt Nam, với tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, có nhiều loại động thực vật quý hiếm có trong sách đỏ như Sao La, có nhiều hang động kỳ thú, nhiều thác nước đẹp, hấp dẫn là tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn. Chính phủ đã đầu tư 300 tỷ đồng, trong đó có cả đầu tư du lịch sinh thái trên nhiều tuyến: Từ eo Vực Bồng xã Bồng Khê đi Môn Sơn dài 19km, là tuyến du lịch xanh hấp dẫn. Đến Môn Sơn, khách du lịch sẽ được ngắm sông Giăng từ đạp Phà Lài có cảnh quan tuyệt đẹp, cùng thưởng thức món cá mát ngon nổi tiếng của vùng “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”.
Từ đập Phà Lài ngược dòng sông Giăng, du khách sẽ được ngắm những cánh rừng đại ngàn ngút mắt dài 20km, vượt qua thác ghềnh để đến với bản Cò Phạt, bản Búng, bản Cồn của tộc người Đan Lai sống nơi “sơn cùng thủy tận” giáp biên giới Việt – Lào.
Du khách cũng sẽ được thăm quan làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Yên Thành, xã Lục Dạ. Ra Yên Khê thăm thú, tắm mắt cùng suối Nước Mọc; chiêm ngưỡng và khám phá hang Ốc (Thẩm Hoi) và hang Nàng Màn; danh lam eo Vực Bồng đậm màu sắc huyền thoại.
Nói đến Con Cuông không thể không nhắc tới danh thắng thác Khe Kèm (thác Bộc Bố) cách thị trấn Con Cuông 19 km. Thác nằm ở ngay vùng lõi của rừng quốc gia Pù Mát, chảy từ độ cao 150m, tạo nên một cảnh quan hùng vĩ. Từ khu vực thác, men theo dốc đá tai mèo, qua đèo, qua suối, đến tận ngọn Khe Bu, Khe Thơi, Khe Choăng ngắm nhìn những cánh rừng pơ mu bạt ngàn, thăm rừng Lùn kì bí rộng khoảng 1600km2, trên độ cao 1700m.
Tiềm năng du lịch Con Cuông.
Ngoài những thắng cảnh thiên nhiên, Con Cuông còn có các di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Như thành cổ Trà Lân trên địa bàn xã Chi Khê, hữu ngạn sông Lam. Đây là chứng tích đã được nhắc đến trong “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi với “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay…”, gắn liền với cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy; hang Thẳm Hoi là nơi cư trú của cư dân thời văn hóa Hòa Bình; Văn bia Ma Nhai khắc vào vòm núi đá thế kỷ 13 gắn liền với tên tuổi Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn dẹp loạn ngoại xâm; di tích cách mạng nhà cụ Vi Văn Khang đã được nhà nước cấp bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử cách mạng…
Bên cạnh những lợi thế và tiềm năng thì huyện Con Cuông cũng gặp nhiều khó khăn về giao thông, có thể thấy rõ là mọi giao thương với bên ngoài chủ yếu là thông qua quốc lộ 7A. Vị trí huyện lại nằm ở vùng có địa hình phức tạp, độ dốc cao nên việc thi công, nâng cấp hay xây dựng hạng mục hạ tầng cơ sở còn gặp trở ngại. Huyện lại nằm cách xa thành phố trung tâm, giao thông nhiều hạn chế nên chưa thể thu hút nhiều khách du lịch. Đây cũng là nguyên nhân cho việc các nhà đầu tư ngại rót vốn vào nơi vốn có tiềm năng về du lịch này.
Xác định được những vấn đề trên, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã xác định với những tiềm năng sẵn có về du lịch thì đây sẽ là ngành phát triển trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện trong những năm tới. Xác định cụ thể hướng đi trong thời gian tới với tiêu chí của việc trở thành thị xã của Con Cuông không phải là ở xây dựng, phát triển công nghiệp mà là du lịch. Bởi vậy, thị xã Con Cuông sẽ là thị xã du lịch. Huyện sẽ đầu tư phát triển mạnh về dịch vụ thương mại như: Buôn bán, kinh doanh hàng hóa, vận tải…để phục tốt cho nhu cầu phát triển du lịch. Trong các nghị quyết lãnh đạo luôn đề cập đến vấn đề phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh huyện đến nhiều nơi trong cả nước. Đồng thời công bố quy hoạch khu du lịch Thác Khe Kèm Phà Lài để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng. Kết hợp với bên Vườn Quốc gia Pù Mát phát triển hơn các điểm du lịch, ngày càng hấp dẫn thu hút du khách nội địa cũng như nước ngoài.
Hi vọng rằng, trong những năm tới, với cơ chế hội nhập và phát triển, với những tiềm năng sẵn có, Con Cuông sẽ trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch cả trong và ngoài nước; Con Cuông sẽ song hành cùng với Cửa Lò, Nam Đàn… đóng góp vào việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà.
Nguồn:
http://tintucviet.com.vn/?url=detail&id=1096
Đọc bài của bác rồi đọc thêm bài báo này muốn đi Con Cuông thế, lúc nào em đi được thì em alo cho bác nhé.