Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế:
Uống rượu bia sau bao lâu sẽ không bị phạt?
Khi đo nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ tính tại thời điểm người đó vi phạm luật giao thông hoặc gây tai nạn chứ không quan tâm họ sử dụng rượu bia vào thời điểm nào.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gr cồn. Một đơn vị uống chuẩn này tương đương 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml), 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml), 1 vại bia hơi (330 ml), 2/3 chai hoặc lon bia (330 ml). Giới chuyên môn cho biết cơ thể người trung bình có thể thải ra ngoài khoảng 7 gr cồn trong vòng 1 giờ. Để nồng độ cồn nằm dưới ngưỡng được phép điều khiển xe máy, đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá 1 đơn vị chuẩn nữa trong mỗi giờ sau đó.
Theo tính toán, một người uống rượu bia từ 19-23 giờ có lượng cồn trong máu là 150 mg/100 ml máu, đến 24 giờ lượng cồn sẽ là 160/100. Đến tận 16 giờ hôm sau, lượng cồn trong máu mới hoàn toàn đào thải khỏi cơ thể. Vì khác nhau về sinh lý nên khi uống cùng một lượng rượu bia, thông thường phụ nữ sẽ có nồng độ cồn trong máu cao hơn đàn ông. Tuy nhiên, do đặc điểm sinh học của mỗi người khác nhau và thời gian chuyển hóa, phân giải trong cơ thể khác nhau nên có người uống 1 ly rượu đã say nhưng cũng có người uống 1 lít mới say. Khi nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu tức là người đó đã có dấu hiệu “thăng hoa”. Vì thế, họ cần theo khuyến cáo “đã uống rượu bia thì không lái xe”.