Phút bi tráng ở Pò Hèn, 17.2.1979 (Ngọc Uyên - Thế Giới Mới)
Đồn biên phòng Pò Hèn hay còn gọi là đồn 209 thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã chứng kiến một trận chiến đấu bất khuất. Ở đó, đồn phó Đỗ Sỹ Họa và cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng hầu hết những người lính đã hy sinh trong tư thế hiên ngang, không lùi bước.
Bị thương ngất đi, tỉnh lại tiếp tục chiến đấu
Nếu có một câu nói nào đó thể hiện được toàn bộ tinh thần chiến đấu của quân và dân các tỉnh biên giới những ngày chống quân Trung Quốc có lẽ câu nói của liệt sĩ, anh hùng Đỗ Sỹ Hoạ là câu nói tiêu biểu nhất: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”.
Đứng ở đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, xây trên nền của chính đồn công an vũ trang Pò Hèn năm 1979. Một buổi sáng mùa xuân, đứng bên đài tưởng niệm, câu nói ấy của liệt sĩ Hoạ chợt văng vẳng khiến chúng tôi không khỏi sởn da gà và cay mắt. Nghe đồng đội của anh kể lại thời khắc anh chiến đấu ngoan cường ngay cả khi đã bị thương rất nặng, tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt.
Ngay đằng sau đài tượng niệm hiện nay là một quả đồi nho nhỏ, trông rất bình thường, không còn dấu tích gì của nơi từng diễn ra trận chiến tranh giành nhau từng tấc đất, nhưng 35 năm năm trước đó là nơi anh Họa đã chỉ huy và trực tiếp chiến đấu một trận bằng máu của mình.
“Tại đồi Quế, anh Họa bố trí đội hình đánh lại quân Trung Quốc khi đó đã chiếm được đồn. Phát hiện ra vị trí hỏa lực của ta, quân Trung Quốc nã pháo dồn dập vào đồi Quế, đồng đội chúng tôi hy sinh rất nhiều. Anh Họa cũng bị thương, mặt và người bê bết máu. Hỏa lực của địch mạnh hơn và cứ sau mỗi loạt pháo chúng lại bắc loa yêu cầu ta ra hàng nhưng anh Họa vẫn chỉ huy bắn trả”- ông Lý nhớ lại.
Chúng buộc phải dùng bộ binh với số lượng áp đảo xông lên để đánh giáp lá cà với quân ta và chiếm được đồi Quế. Đồn phó Đỗ Sỹ Họa cùng nhóm chiến sĩ của mình phải rút lui nhưng họ vẫn không đầu hàng mà lên ụ súng tổ chức lại lực lượng chiến đấu tiêu diệt 227 tên lính Trung Quốc, đến khi chiếm lại được đồi Quế.
Bị thương và mất máu quá nhiều anh Họa đã hy sinh nhưng khi trút hơi thở cuối cùng anh vẫn dặn đồng đội phải giữ vững trận địa. Ông Lý ngẹn lời: “Hình ảnh anh Họa bị thương ngất đi hai, ba lần liền nhưng cứ tỉnh lại là anh lại tiếp tục chiến đấu và chỉ huy rất dũng cảm”. Trong chiến tranh chống Mỹ ở Quảng Trị, anh Họa từng bị thương nhưng khi non sông thu về một mối dù quê ở Ân Thi (Hải Hưng) anh vẫn xung phong lên làm một người lính bảo vệ biên giới.