Mấy năm gần đây năm nào tôi cũng đi núi Tản, có năm đi 4-5 lần. Chỉ là vãn cảnh. Đi nhiều vì mỗi lần lại giới thiệu Vườn cho một nhóm khác, cứ như của mình. Thế nhưng chưa bao giờ tôi dừng lại khu 400(m) là nơi Pickup giới thiệu; mục tiêu định sẵn là cao độ 1200m nên qua luôn. Hoá ra ở đấy cũng được đấy nhỉ, nếu định nghỉ ngơi và ngắm hoa lan.
Trên đỉnh Mẫu có đền thờ thần Tản Viên, trèo lên một đoạn nữa là đền Mẫu. Hơn chục năm trước tôi nhớ chỉ có đền thần Tản là linh thiêng nhất, lên đến đỉnh hầu như chẳng có gì. Bây giờ người ta mới xây đền Mẫu trên đỉnh, suốt ngày có người cầu cúng. Trong 2 năm nay quy mô đền Mẫu ban đầu chỉ bằng cái ban thờ nay đã là một điện thờ. Sợ là một vài năm nữa những người cung cấp dịch vụ tâm linh (như bán phần cứng tin học) sẽ biến đỉnh Mẫu vốn có khoảng vài chục mét vuông thành đền thờ lớn thì hỏng cả.
Nhìn từ xa Ba Vì có ba đỉnh núi rõ rệt. Đến đỉnh Mẫu sẽ thấy quả là đặc biệt. Bạn ở trên đó với diện tích vài chục mét vuông, như đứng trên đỉnh của một cái đinh. Bên cạnh là đỉnh Vua, cao hơn đỉnh Mẫu 20m, nơi gần đây mới đặt đền thờ Bác Hồ. Còn đỉnh Cha thì thấp hơn, hình như không có công trình nào.
Từ trên đỉnh Mẫu có thể thấy Thị xã (Thành phố?) Hoà Bình với đập thuỷ điện Hoà Bình và dòng sông Đà uốn lượn chảy xuống. Để ý bạn sẽ nhìn thấy kênh dẫn nước mới đào mầu đỏ. Đó là cửa lấy nước từ sông Đà vào chân đập Đầm Bài. Nước sẽ được bơm ngược từ kênh lên hồ Đầm Bài để lắng rồi bơm tiếp lên nhà máy nước trên ngọn đồi cạnh đấy để thành nước máy cung cấp cho Hà Nội, Hà Tây. Công trình do Vinaconex thực hiện cùng với đường Láng Hoà Lạc mở rộng.
Cũng trên đỉnh Mẫu, nhìn xuôi sông Đà, bạn thấy một quả núi bị phá nham nhở. Đó là núi sát thị trấn Chẹ, ranh giới Hà Tây bên phải và Hoà Bình bên trái. Chẹ là một địa danh lịch sử thời chống Pháp, là con đường đi lên Hoà Bình của kháng chiến, vì đường 6 bị Pháp khống chế. Núi Chẹ sát bờ sông làm cho khúc sông đi qua hiểm trở, làm nên chiến thắng Tu Vũ đánh tàu địch trên sông. Đối diện núi Chẹ là đài kỷ niệm chiến thắng Tu Vũ. Do tượng đồng chưa có nên đài kỉ niệm chưa hoàn thành, nhưng bây giờ đi qua đó bạn có thể tham quan chiếc xe tăng mới được kéo từ dưới lòng sông lên mấy năm nay. Xe rất bé so với xe bây giờ, các chi tiết thép và cao su bánh đỡ vẫn còn. Có cả chữ Anh, cho thấy đây là xe Mĩ cung cấp cho Pháp dùng ở VN.
Bạn có thể thường ngoạn hai bờ sông Đà. Nếu đi bên này sông (hữu ngạn, bên phải?) thì đi theo đường Sơn Tây-Đá Chông-Chẹ-Kỳ Sơn, sẽ thấy tận nơi kênh dẫn nước vào nhà máy mà chẳng bao lâu nữa bạn sẽ dùng. Đến Kỳ Sơn có thể theo đường 6 lên Hoà Bình hoặc lại xuôi Hà Nội. Nếu đi bên kia sông (tả ngạn, bên trái?) thì theo đường Sơn Tây-Trung Hà-Thanh Thuỷ-Hoà Bình, để thăm đài kỷ niệm chiến thắng Tu Vũ. Đến Hoà Bình, đi qua cầu mới xây qua sông Đà để về HN theo đường 6. Nếu thích, bạn có thể đi cả hai tuyến này cho một chuyến dã ngoại một ngày vừa phải.
Chỉ có một điều, nếu tổ chức ăn uống ở núi Tản, không nên "bãi biển" như các bạn trẻ dưới đây, hơi bị phản cảm.
Lưu ý cuối cùng: đường không khó đi nhưng khá nguy hiểm vì mấy cua tay áo. Nên thận trọng đi chậm, bật sẵn đèn dù không có sương mù để xe đi ngược dễ thấy, còi trước cua. Đợt mưa gió vừa rồi cây to đổ khá nhiều, một số đá lở vẫn còn thấy dấu rơi lõm (!) mặt đường.