Trên OF có cụ mợ nào đọc hết trọn bộ 11 cuốn tiểu thuyết dòng Thriller/Ly kỳ của nhà văn Arthur Hailey (1920-2004) chưa ạ?
Em rất thích gu viết của nhà văn này. Mỗi cuốn tiểu thuyết của ông là một chủ đề về một ngành/nghề nào đó mà đã được ông mô tả rất sâu, chạm tới từng ngóc ngách nhỏ của nghề nghiệp đó. Để làm được điều đó, khi chuẩn bị cho một tác phẩm mới, ông phải bỏ ra khoảng vài năm để làm tư liệu, đi thực tế cho nội dung cuốn tiểu thuyết của mình.
Nhà văn Arthur Hailey (1920-2004) gốc người Anh quốc, tham gia chiến tranh TG II với tư cách Phi công Hoàng gia Anh. Sau chiến tranh, ông sang sinh sống bên Canada và trở thành nhà văn ở đó.
Trong vòng gần 2 chục năm, từ những năm 90 thế kỷ trước, em đã lần lượt đọc gần trọn bộ các tiểu thuyết của ông. Có 2 cuốn em đọc (bản tiếng Anh), nhà mình đã dịch ra tiếng Việt, em thấy ấn tượng nhất:
1. Chẩn đoán cuối cùng/Final Diagnosis
Câu chuyện chỉ xoay quanh nội bộ một cái bệnh viện với những nhân vật chính là ban lãnh đạo, bác sỹ, bệnh nhân trong đó. Tuy vậy, nó không kém phần kịch tính bởi phong cách viết với đa tuyến nhân vật, có khi trộn lẫn với nhau, có khi lại tách biệt với những mâu thuẫn, khủng hoảng như tay bác sỹ cực giỏi nhưng lại cực bảo thủ luôn cho mình là đúng để rồi mắc lỗi gây ra cái chết cho một con người; kịch tính được đẩy lên dần dần với cao trào ở phần cuối như khủng hoảng lây nhiễm trong bệnh việc ở phần cuối! Có những trường đoạn được mô tả rất thật, dường như nhà văn đã là bác sỹ, ví dụ như đoạn viết về cuộc phẫu thuật cưa chân một trong những nhân vật chính...
2. Nhà băng/The Moneychangers
Nhà mình dịch cuốn này với tiêu đề "Nhà băng" có lẽ chưa chuẩn lắm nhưng "lành tính"! Những ai làm ngân hàng chắc sẽ rất thú vị khi đọc cuốn này. Nó cũng mô tả rất sâu về hoạt động của một nhà băng với đầy đủ những lắt léo trong đó, thậm chí có cả những vụ án hình sự khá dã man trong nhịp câu chuyện. Trên tuyến chính của cuốn tiểu thuyết là cuộc đấu tranh giữa 2 ông phó giám đốc để giành chức CEO nhà băng là một loạt những tuyến nhân vật xen ngang với những vụ việc "chuyên môn" nhà băng như: biển thủ tiền khách hàng, làm thẻ tín dụng giả; rồi thì tình huống ngân hàng bị rút tiền (money run-off) do tin đồn nợ xấu. Tuy viết vào năm 1975 (hơi cũ so với bây giờ), nhưng sức hấp dẫn của những mánh lới mô tả trong đó dường như vẫn còn "fresh" lắm!