Toát mồ hôi khi đi tìm nhà
“Phải trực tiếp đi giao hàng cho khách mới hiểu hết được sự lằng nhằng, lộn xộn của cách đánh số nhà trên đường phố Hà Nội. Ở phố Phùng Hưng (Q.Hoàn Kiếm), “mê hồn trận” số nhà là số chẵn, số lẻ đánh lung tung, không theo thứ tự nào. Bên này thì ghi số 48 - 50 - 62 - 99- 115… phía bên kia đường lại ghi 37 - 40 - 65 … Có hôm, đi mất nửa ngày mà chỉ giao được 2 gói hàng cho hai gia đình trong khi theo lịch là phải giao 7 gói hàng. Ở thành phố mà tìm nhà cũng hỏi đến mỏi cả miệng như ở nông thôn”– Anh Quỳnh Lâm, nhân viên giao hàng cho một công ty thương mại điện tử than thở.
Trường hợp như của anh Lâm có lẽ là tình trạng chung của nhiều người khi có việc phải tìm đường, tìm nhà ở thành phố Hà Nội. Không nhiều phố xá rộng rãi, lượng xe cộ đi trên đường lại luôn đông đúc, mỗi khi tìm nhà là nhiều người phải “toát mồ hôi”, hoặc có khi không thể tìm được địa chỉ mà mình cần tìm.
Chị Hồng Loan, là nhân viên của công ty truyền thông ở Thanh Xuân cũng từng “dính” cảnh “vật vã” tìm số nhà trong một lần phải đến Cung Trí thức Hà Nội để liên hệ công việc. Dù đã biết là Cung Trí thức ở đường Trần Thái Tông (Nguyễn Phong Sắc kéo dài) nhưng không thể nào tìm được. Khi hỏi một số người dân xung quanh đều nhận được câu trả lời: “Không biết”.Thậm chí, chị Loan có gọi điện đến tổng đài 1080 nhưng tổng đài cũng không biết cụ thể số nhà, chỉ nói chung chung là cách tòa nhà FPT 500 m, ở cuối đường Trần Thái Tông. Cuối cùng, chị mới biết là do Cung Trí thức không được đánh số nhà, mà chỉ ghi là lô đất 25.
"Bị lạc ở đây có nghĩa là tìm số nhà không ra hoặc không có số nhà nên cứ gọi điện đi gọi điện lại, gọi điện mãi thì người ta cứ bảo “đấy đến chỗ này, chỗ này”- một nhân viên của một văn phòng đặt chi nhánh ở Cung Trí Thức nói.
Không chỉ Cung Trí Thức mà rất nhiều nhà trên đường Trần Thái Tông cũng rơi vào tình trạng “loạn” số nhà. “Sẽ phải biết tìm nhà như thế nào khi có tận 5 địa điểm đều đánh số là 18 Trần Thái Tông. Tôi tìm đến Trung tâm của Viettel như theo lời hướng dẫn của tổng đài là 18 Trần Thái Tông nhưng khi đến thì thấy 18 Trần Thái Tông là số nhà của một phòng giao dịchvề du lịch, cách đó 200 mét lại là một quán café cũng được đánh số là 18 Trần Thái Tông, đi một đoạn cách 500 mét nữa thì thấy 18 Trần Thái Tông lại là địa chỉ của một nhà hàng ăn uống. Tôi hỏi đường mấy lần thì mới biết Trung tâmViettel đúng là 18 Trần Thái Tông nhưng ở đầu đường, đến đầu đường thì mới thấy Trung tâm Viettel ở số 18, và ngạc nhiên hơn, bên cạnh Trung tâm Viettel là văn phòng đại diện của một công ty cũng được đánh số 18. Chưa hết, bên phải số 18 lại là số 25 (?!)” – Anh Hoàng Lân, một công chức ở Cổ Nhuế bức xúc kể lại.
Số 12 cách một nhà lại nhảy lên số 18 trên đường Trần Thái Tông
Đối diện bên kia đường lại là số 18 Trần Thái Tông
Ở giữa đường Trần Thái Tông lại xuất hiện một số nhà 18 tiếp
Cũng ở trên đường Trần Thái Tông, có 3 số nhà liên tiếp đánh số 10, đó là số nhà của một quán trà, một cửa hàng bán máy lọc nước và một cửa hàng in ấn quảng cáo tư dân. Tiếp theo số 10, là lại có 3 ngôi nhà được đánh số 9, đó là số nhà của một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Thảm họa hơn, ở con đường này không hề có trật tự chẵn lẻ, mà dường như đánh số rất ngẫu hứng, đang ở số nhà 19 thì nhà kế tiếp lại là 44, tương tự ở bên kia đường thì lại 18-69-107…
Cạnh số chẵn 36 lại là số lẻ 41
Còn chị Thân Thị Dư – Giám đốc của một trung tâm ngoại ngữ trên đường Hoàng Quốc Việt thì ngao ngán tâm sự: “Đường Hoàng QuốcViệt được biết đến là một con đường đẹp thuộc top của Hà Nội, lại rộng rãi thế nhưng cách đánh số nhà lại rất lung tung. Trong giấy mời, card hay là hồ sơ củatrung tâm phải đề địa chỉ là “Đối diện trường ĐH Điện Lực” chứ không thì người học rất khó khăn để tìm được địa chỉ của trung tâm dù tên của trung tâm được in khá lớn ở biển hiệu. Số chẵn, lẽ đánh sai một loạt từ đầu đường, khiến những nhà ở phía cuối đường dễ bị mọi người bỏ qua mà.”
Đường Lê Văn Lương số nhà được gắn trên con phố này còn "nhảy" một cách "khủng" hơn. Căn hộ đầu tiên ghi số 1 Lê Văn Lương, căn hộ tiếp đóghi địa chỉ 117 Nguyễn Ngọc Vũ. Cũng ở trên tuyến đường này, người dân vẫn sử dụngsố nhà theo ngách 72 phố Quan Nhân và trục đường Nguyễn Ngọc Vũ. Tên số nhà, tên đường đặt kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, "đánh" nhau chan chát. Ở phố Xã Đàn Kim Liên mới cũng ghi nhận nhiều trường hợp “loạn” số nhà. "Chở khách đến địa chỉ một ngôi nhà mà phía trên là số nhà 93B, tổ 26B, phường Phương Liên, ở dưới biển số lại được mặc định là số 59…Cả tôi và người khách đều không biết địa chỉ chính xác như thế nào, người khách phải liên tục xuống hỏi người này qua người khác mới tìm được địa chỉ cần tìm" - Anh Tạ Quang, hành nghề xe ôm trên đường Xã Đàn Kim Liên mới cho biết. Điều này cũng lặp lại ở hàng loạt các ngôi nhà nằm ở dọc trục đường này như: 384 và 48, 17 và 420, 141 và 440 rồi 472 và 123…
Số nhà 45 là của nhà ai?
Đang ở số 65 thì nhà bên cạnh lại là số... 490
Tương tự với 127 và 458
Hai số nhà 248
177 rồi lại 414
Ở phố Hàng Cháo nằm ở trung tâm Hà Nội, đáng lẽ phải là những nơi số nhà được đánh chuẩn xác nhất thì lại được xem như là “hỏa mù” nhất. Đi đến đầu phố thì vẫn còn bình thường nhưng đến nhà số 7 thì nhà tiếp theo nhảy sang số 39. Số 9 rồi lại sang số 8A - 4 - 6B, phía đối diện lại xuất hiện số nhà 8A tiếp.
3 nhà liên tiếp đều đánh số 19 ở phố Hàng Cháo
8A rồi 4 rồi lại 6B
Theo chị Hoàng Đặng Trà My (ở ngõ 2, phố Hào Nam), đây là tuyến phố nằm trong vành đai 1 của Hà Nội mà số nhà cũng “nhảy nhót tùy thích”. Chỗ thì đánh theo thứ tự từ trái sang phải, chỗ lại chạy từ phải sang trái. Đặc biệt có hiện tượng người dân thích số nào lấy số đó, nếu trùng thì thêm a, b, c... vào là xong. Đoạn đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Láng Hạ cũng xuất hiện những số nhà trùng nhau, không ai biết nhà nào mới là chủ nhân của những số nhà được đánh tràn lan đấy.
Đã đến lúc các nhà quản lý cần vào cuộc
Ngoài thói quen và sự tùy tiện của người dân thì thực trạng “loạn số nhà” còn có nguyên nhân do quản lý. Nhiều người dân ở Hàng Cháo nói rằng dù số nhà lộn xộn nhưng ở mãi cũng thành quen, người nào tìm đến thì hỏi tên gia chủ là sẽ tìm được nhà. Hơn nữa, số nhà lại gắn với cả địa chỉ nhà bao gồm có số chứng thư, hộ khẩu cũng như sổ đỏ. Nếu bây giờ theo quy định đánh số nhà mới thì toàn bộ địa chỉ nhà của họ phải thay đổi hết. Việc đổi chứng minh thư, hộ khẩu là rất khó khăn rồi lại phải đổi cả sổ đỏ. Vì thế nên nhiều người đã “tặc lưỡi” cho qua chuyện số nhà “khỏi thay đổi giẩy tờ rườm rà, tốn công”.
Thế nhưng, chính vì tâm lý ngại, sợ “rườm rà”, “tốn công” ấy cộng sự thiếu kiên quyết, dứt khoát trong việc quản lý của các cơ quan chức trách đã khiến cho những con đường lớn ở ngay giữa trung tâm thủ đô thành “ma trận” cho người đi đường. Thành phố sẽ mất điểm trong mắt du khách nếu như số nhà “nhảy nhót” lộn xộn, mĩ quan của thành phố cũng vì thế mà đi xuống.