Chuyên gia nói gì về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa
TP - Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh của Cty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) chưa rõ tính khả thi.
Có hồi sinh được sông Tô Lịch?
Mới đây, Cty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) gửi tới Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
JVE cho rằng, theo các chuyên gia Nhật Bản, việc xây cống bao thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch mặc dù có ý nghĩa lớn trong việc thu gom nước thải không cho chảy vào sông Tô Lịch, giải quyết được vấn đề không làm gia tăng trạng thái ô nhiễm, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ô nhiễm nước thải ở bên ngoài, còn phần bên trong lòng sông thì chưa xử lý được. Đơn vị này cho rằng, có 3 vấn đề chưa được xử lý.
Thứ nhất, mùi hôi thối do tầng bùn đáy vẫn chưa được xử lý triệt để. Thứ hai, tầng bùn đáy tích tụ trong lòng sông dù nạo vét cơ học cũng chưa xử lý được tận gốc vấn đề và vẫn có nguy cơ tái ô nhiễm. Thứ ba, nước trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được tận gốc.
JVE (từng thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch) cũng dẫn ý kiến chuyên gia Nhật Bản lo ngại về việc bổ cập cấp nước cho sông Tô Lịch sau khi đã thu gom hết nước thải. Theo đơn vị này, khi đó, nước trong sông Tô Lịch sẽ không được lưu thông, tù túng, từ đó phát sinh ô nhiễm và biến thành một “hồ tù” nếu như không có giải pháp như áp dụng công nghệ sục khí nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm, bùn hữu cơ ở đáy sông.
Như thế, khó xử lý được tận gốc triệt để hết được ô nhiễm trong lòng sông. Theo phương án của JVE, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay). Sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh với nước trong, cá bơi lội, hai bên bờ là những thảm thực vật, hàng cây đầy hoa lá.
Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách tham quan. Dọc hai bên sông là nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của người dân Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước. Dọc theo bờ sông dài 15km cũng sẽ tái hiện chiều dài lịch sử Việt Nam…
Không nên kè đáy sông
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Văn Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, nói rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch trước hết phải thu gom nước thải sinh hoạt hai bên bờ sông. Hiện nay, việc này đang được thành phố Hà Nội triển khai.
Nước thải sau khi được thu gom sẽ được xử lý, bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Ông Khánh cho biết, trước đây, thời gian làm việc tại Sở TN&MT, ông đã có đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc, có bể lắng để nước trong rồi bổ cập vào Tô Lịch tạo dòng chảy, đủ điều kiện xử lý ô nhiễm dòng sông.
Cũng ông Khánh cho biết, Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng này, tuy nhiên, nước sông Hồng sẽ vào Hồ Tây rồi mới chảy sang sông Tô Lịch. Về tổng thể, theo ông Khánh, muốn hồi sinh sông Tô Lịch, việc cần làm là thu gom nước thải, xử lý ô nhiễm lòng sông và làm cho sông chảy. Ông Khánh cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. “Lòng sông nên để nguyên, không nên kè đáy. Kè hai bên bờ cũng phải là kè hở. Như thế mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm”, ông Khánh nói.
Trong khi đó, một chuyên gia lĩnh vực thoát nước ở Hà Nội cho rằng, dự án hồi sinh sông Tô Lịch phải đặt trong mối liên hệ với việc sông Tô Lịch và các dòng sông khác ở Hà Nội nằm trong dự án thoát nước Hà Nội. Theo vị này, Hà Nội đã và đang triển khai dự án thu gom nước thải, nghiên cứu các phương án làm sống lại dòng chảy sông Tô Lịch.
“Đầu tiên là phải thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý nhưng vẫn phải giữ nước mưa để bổ cập cho sông Tô Lịch. Cùng với đó là xử lý ô nhiễm dòng sông và làm sông chảy”, vị chuyên gia nói. Vị này cũng cho rằng, không được kè đáy sông, bởi nếu thế sẽ làm dòng chảy nhanh hơn, sông sẽ giống như một cống, mương thoát nước; ngăn cản việc hình thành nước ngầm, gây nguy cơ lún, sụt trong tương lai… “Mục tiêu lớn nhất là phục vụ thoát nước Hà Nội, cải thiện môi trường, xử lý ô nhiễm. Sau đó mới tính tới việc phục vụ các việc khác như du lịch, giao thông…”, vị này nói.
Theo ông Phạm Văn Khánh, nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch rất lớn, nên nghiên cứu việc dùng bằng ngân sách, vì nguồn vốn dù được vay ưu đãi hay tài trợ, sau này đều phải trả nợ
nguồn: Tiền phong online