Em xin phép pót bài nói về Tuyên quang yêu dấu của chúng ta. Xin phép mod để bài cho mọi người biết về lịch sử và sự hào hùng, phát triển mạnh mẽ của quê hương mình.
Tuyên Quang - miền đất giàu truyền thống lịch sử và sự đổi mới mạnh mẽ từng ngày
Một góc thành phố Tuyên Quang hôm nay.
Tuyên Quang là vùng đất lịch sử nằm ở phía bắc của Tổ quốc Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về địa chính trị và địa quân sự.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi đơn vị hành chính của Tuyên Quang đã thay đổi nhiều lần, từ lộ, trấn đến thừa tuyên... mà thời điểm sớm nhất là thời Trần cách đây hơn bảy trăm năm gắn liền với tên tuổi của võ tướng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai của quân dân ta.
Tại cuộc Hội thảo khoa học do Viện Sử học Việt Nam và tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngày 26-9-2011, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã thống nhất lấy ngày 4-11-1831 là ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang.
Trong 180 năm hình thành và phát triển, mảnh đất Tuyên Quang đã chứng kiến và trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Cuối thế kỷ 19, khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, nhân dân Tuyên Quang vẫn kiên cường cùng nhân dân cả nước chiến đấu chống ngoại xâm. Trong những năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Tuyên Quang đã hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào yêu nước, bền bỉ đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến tay sai.
Từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn một lòng theo Ðảng, cùng với nhân dân cả nước lập nhiều thành tích vẻ vang. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng, nơi T.Ư Ðảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, T.Ư Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 13 trong số 14 bộ, cơ quan ngang bộ và hầu hết các ban, ngành, cơ quan T.Ư đặt trụ sở ở và làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ Thủ đô kháng chiến, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của T.Ư và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các sự kiện trọng đại của Ðảng, của cách mạng Việt Nam.
Phát huy truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt hơn 13,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,6 triệu đồng/năm. Tỉnh đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án, với tổng số vốn đầu tư hơn 12.800 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.262 tỷ đồng, tăng bình quân 21,2%/năm. Ðã hình thành Khu công nghiệp Long Bình An và các cụm điểm công nghiệp tại các huyện, thành phố, đã có một số nhà máy lớn mang tầm quốc gia và khu vực, như: Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa công suất 130 nghìn tấn bột giấy và 140 nghìn tấn giấy tráng phấn cao cấp/năm, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang công suất 342 MW.
Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng một số vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ như vùng cam ở huyện Hàm Yên, vùng chè ở các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, vùng mía ở huyện Sơn Dương, vùng lạc ở huyện Chiêm Hóa... An ninh lương thực trên địa bàn được bảo đảm, bình quân lương thực đầu người đạt 440kg/năm. Toàn tỉnh có hơn bảy nghìn ha mía nguyên liệu, hơn 6.500 ha chè; tổng diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2006-2010 đạt 55.900 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 64,1%, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước.
Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển phù hợp với tăng trưởng kinh tế; công tác phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, giá trị văn hóa các dân tộc được chú trọng. Chất lượng giáo dục, đào tạo, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Tiếp tục giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các nhóm, lớp mầm non, điểm trường tiểu học được mở đến thôn, bản; 100% số xã, phường, thị trấn có trường tiểu học, trung học cơ sở, các cụm xã có trường trung học phổ thông. Ðời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội đạt kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững. Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Với phương châm "ổn định hài hòa tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, hội nhập phát triển", Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 15, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra mục tiêu sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía bắc. Ðại hội đã đề ra một số mục tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng GDP bình quân hơn 14%/năm; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng: 38%; các ngành dịch vụ: 37%; nông, lâm nghiệp và thủy sản: 25%; GDP bình quân đầu người đạt 1.300 USD; giá trị sản xuất công nghiệp hơn 6.500 tỷ đồng là tỉnh có giá trị công nghiệp cao nhất miền núi phía bắc; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.000 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 25 triệu USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân từ 3 đến 4%/năm. Ðồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, tập trung vào bốn lĩnh vực đột phá, đó là: huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế du lịch, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm 2011, kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập tỉnh, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang nêu cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho sự phát triển của Tuyên Quang trong thời gian tới: Thành lập huyện mới Lâm Bình; tích cực chuẩn bị xây dựng tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" gắn với Quảng trường Nguyễn Tất Thành tại thành phố Tuyên Quang; triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Tuyên Quang; dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chương trình xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện Ðề án bê-tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phấn đấu đến hết năm 2015, 70% số đường giao thông nông thôn (2.183 km) được bê-tông hoặc rải nhựa...
Kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang, tự hào về những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những phần thưởng cao quý mà Ðảng, Nhà nước đã trao tặng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống vẻ vang, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến ngày càng giàu đẹp, văn minh.
NGUYỄN SÁNG VANG Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang
Báo nhân dân (cơ quan ngôn luận của **** cộng sản Việt Nam)