Đón gió biển ở Quan Lạn
TTO - 7g sáng, sau 45 phút đi tàu cao tốc từ thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Quan Lạn đón những du khách mới đến bằng chiếc xe lam, có người còn gọi là xe tuk tuk. Ngay cầu cảng, chiếc cần cẩu đang xúc những gầu cát trắng tinh.
Bà Nguyễn Thị Thơm, chủ một khu du lịch sinh thái ở Quan Lạn, vốn sinh ra và lớn lên ở hòn đảo xinh đẹp này, khẳng định có lẽ khắp Việt Nam này không cát ở đâu trắng đẹp như ở Quan Lạn. Ba bãi biển Minh Châu, Quan Lạn, Sơn Hào cũng vậy.
Đón gió biển đầu hè
Bãi biển Quan Lạn hoang sơ và xinh đẹp - Ảnh: N.V.Hải
Con đường bêtông quanh đảo vắng bóng người, nhưng hai bên đường những căn nhà mới xây khá lộng lẫy chứng tỏ cuộc sống khá ổn định ở đây. Và mặc dù không thiếu đất đai, nhưng Quan Lạn không có những cánh đồng lúa đang thì hay những vườn rau mơn mởn, thay vào đó là những vườn lạc, đỗ và khoai lang bắt đầu lên xanh, chen với những dải cát trắng mênh mông ra đến biển.
Bãi biển Quan Lạn đón chúng tôi trong cái nắng mới đầu mùa mát dịu. Đường xuống bãi biển nhỏ xíu trải gạch, nằm giữa rừng phi lao. Bãi biển thoai thoải, cát trắng tinh, rộng ngút tầm mắt, nước biển trong vắt và những cơn sóng liên tiếp trào bờ nhưng ngoài chúng tôi, chỉ có hai bé gái đang cào don! Nhóm con trai nhảy chân sáo ra đá bóng, mặt cát sạch và chắc, đá bóng tuyệt vời. Bọn trẻ và mấy cô gái trẻ thì mải mê với trò nhảy sóng.
Cào don trên bãi biển Quan Lạn - Ảnh: N.V.Hải
Tôi đi theo hai cô bé cào don trên cát, chỉ một chốc lon don cỡ 1,5kg đã đầy. Chiếc cào có cán gỗ, cô bé quàng dây trên cào vào người và kéo. Kỳ lạ là con don nằm sâu trong cát, nhưng cô bé biết ngay mỗi khi cào chạm trúng chú don nâu sẫm hoặc trắng nhạt chắc nịch. Tôi cũng mắc một chiếc cào vào người và hì hục kéo nhưng chẳng tìm thấy chú don nào! Cô bé lớn đang học lớp 8 bảo don ăn giống ngao nhưng thịt ngọt và chắc hơn.
Cũng ở Quan Lạn, trên bãi Minh Châu, là những thanh niên mang xô đi bắt “căm căm”, một loài động vật giống con cua đồng, cũng được xay giã nhỏ để nấu canh, ngay trên mép nước. Cứ mỗi con sóng vào bờ mặt cát thay đổi, lộ ra chú căm căm đang cuống cuồng chui vào cát, nếu không tinh mắt nhanh tay thì khó phát hiện. Thế nhưng tôi cũng bắt được... một con, “ủng hộ” vào xô căm căm khoảng 3kg của mấy chàng trai vùng biển.
Trên những bãi cát này người dân Quan Lạn còn có thể đào “mồi”, còn gọi là sá sùng, mỗi ngày có thể kiếm cả trăm ngàn đồng. Mấy người bạn đi cùng tôi có vẻ phấn khích vì sự giàu có của vùng biển này. Bây giờ Quan Lạn còn hoang sơ và vắng vẻ. Khách du lịch đến nhiều, dịch vụ trên đảo sẽ phát triển hơn nhưng có thể sẽ không còn những chàng trai đi bắt căm căm, những cô bé đào don, sá sùng bên mép nước.
Du lịch khám phá
Trước biển xanh cát trắng, không khí trong lành, không thể dừng được thú vui nhảy sóng - Ảnh: N.V.Hải
Đi nghỉ ở Quan Lạn, ăn sẽ là một trong những điều phấn khích nhất của du khách. Hải sản ở đây rất tươi và nhiều, có thể kể ra những món lạ như sá sùng xào lá lốt, canh chua sá sùng ăn nhân nhẫn đắng nhưng vị lạ khiến du khách khó quên. Chính vì thế, xong bữa tối với một bàn đồ ăn đầy ắp: mực tươi dày, trắng muốt xào với cần tây xanh mát mắt, tu hài nướng, ghẹ chiên, tôm hấp bia, cá hố xốt cà chua, ngọn su su xào tỏi, người nào người nấy lắc lư đi không nổi vì no, nhưng 11g tối vẫn "đánh bay" nồi cháo ngao ngọt lịm với hai con mực khô nướng chấm tương ớt.
Theo chị chủ nhà hàng, mực khô ở đây do ngư dân ngoài đảo Cô Tô đánh bắt, rất dày và ngọt. Lúc về chúng tôi người nào cũng tranh nhau mua mực khô, rượu thanh mai (loại rượu ngâm quả thanh mai chua chua, ngọt ngọt như xirô, rất dễ uống) và chả mực... thứ nào cũng ngon tuyệt.
Điều lạ nữa ở Quan Lạn là cứ 8g tối cả đảo đã chìm trong bóng tối. Ở đảo chưa có điện lưới quốc gia mà dùng một máy phát công suất lớn nên giá điện ở đây rất đắt, mỗi khi màn đêm xuống là nhà nhà đều tắt điện cho... tiết kiệm, trừ các nhà nghỉ có máy phát riêng phục vụ 24/24 giờ. Đi trong bóng tối của đảo nghe gió biển và sóng biển rì rào, cứ như thấy mình lạc vào đâu đó trong những câu chuyện cổ, khác xa những ngày vội vã tất bật với công việc, con cái, bức xúc trong cuộc sống thường nhật.
Cũng bởi Quan Lạn ngủ sớm, chúng tôi có dịp băng qua đồi cát trong ánh trăng non ra bãi biển Sơn Hào. Cách bờ không xa, cả một “thành phố thuyền” đèn đuốc sáng trưng đang vớt sứa. Hình như tất cả đảo đang không ngủ để chộn rộn với đêm, với sứa, với công việc trên biển.
Khu du lịch sinh Thái Vân Hải Xanh với những nếp nhà sàn đơn giản, tiện nghi không nhiều nhưng rất thoải mái và phục vụ tận tình, niềm nở - Ảnh: N.V.Hải
Bà Nguyễn Thị Thơm, chủ nhân khu du lịch sinh thái Vân Hải Xanh mà tôi có dịp nói đến ở trên, vốn sinh ra và lớn lên ở đảo, kể rằng những năm 1980 của thế kỷ trước chặng đường 45 phút trên tàu cao tốc mà chúng tôi đi từ thị trấn Cái Rồng ra Quan Lạn, gió xuôi phải mất một ngày, còn không phải mất... hai ngày. Chính vì thế ở đảo vẫn còn nặng lối sống tự cung tự cấp. Tôi bắt được con cá to chia cho anh một nửa, anh mổ thịt con gà lại chia cho tôi.
Đến nay, chợ duy nhất trên đảo cũng chỉ 6g sáng là tan, vài hàng quán còn sót lại bán lèo tèo vài thứ hàng hóa. Chúng tôi cứ đùa rằng ra đảo không cần tiền, quả thật cũng rất ít thứ để tiêu, trừ mấy thứ “đặc sản” mang về như tôi đã kể.
Bãi Sơn Hào, một trong ba bãi tắm đẹp nhất trên đảo Quan Lạn - Ảnh: Khương Xuân
Cũng theo bà Thơm, những ngày nắng đẹp từ Quan Lạn sẽ nhìn thấy đảo Cô Tô trên biển, còn quanh đấy là các đảo Ngọc Vừng, Bản Sen. Ngọc Vừng, Bản Sen, cùng Minh Châu, Thắng Lợi và Quan Lạn hợp lại thành quần đảo Vân Hải. Khoảng năm năm trở lại đây du khách bắt đầu biết đến Quan Lạn nhiều hơn. Từ khoảng 15-4 đến tháng 9 hằng năm du khách khá đông nhưng trên đảo chưa có nhà nghỉ, khách sạn quy mô lớn.
Bà Thơm cho biết đang có nhiều dự định xây dựng thêm phòng ốc, nâng số phòng hiện tại của Vân Hải Xanh thay vì 23 phòng như hiện nay. Nhưng nếu muốn như vậy cần phải có thêm những dịch vụ mới để hấp dẫn du khách như khám phá hang Dơi, hay kết nối tour Quan Lạn với các đảo Ngọc Vừng, Cô Tô...
Chúng tôi lên tàu rời Quan Lạn nhưng vừa đi đã lại nhớ nơi này...
LAN ANH