Thêm 1 ít thông tin về Quan Lan nào (nhớ ọp chiều nay và đóng tiền đầy đủ
)
Nghề đào sá sùng
Nằm cheo leo phía xa của cụm đảo Bái Tử Long, đảo Quan Lạn đẹp đến nao lòng. Cát trắng và mịn, biển sạch và xanh, người dân thân nhau như ruột thịt. Hãy cùng người dân đi đào con sá sùng, một nghề hái ra tiền ở đây…
Anh Lưu Thành Viên, chàng trai đảo từng theo tàu giao thương khắp chốn Bắc - Nam và Trung Quốc, giờ về ngồi ghế phó chủ tịch HĐND xã Quan Lạn (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh) kể: "Cách đây 4 năm, xã kêu gọi người dân ra để giao đất trồng rừng trong 50 năm - có làm sổ đỏ. Trong một tháng trời, không ai đến nhận. Bởi ở đây người ta cứ vác mai, vác cuốc ra bờ biển là kiếm được cả trăm ngàn một buổi nên đâm ra ngại trồng rừng…".
Chuyện trên bãi biển
Nắng tắt dần, phía bên trái cầu tàu Quan Lạn, cái giỏ nhỏ trong tay chị Lan đầy dần lên theo từng bước chân cả quyết như một vũ điệu trên biển: bước vụt tới, xoải chân, nhấn mạnh lưỡi mai vào lớp cát bùn đen, hất nhẹ lên rồi thọt ngay tay xuống mò tìm. Thế nào cũng có một con sá sùng nằm gọn vào trong giỏ. Đó là loài đỉa biển thân mềm, sống ẩn mình dưới lớp cát của vùng biển còn nguyên vết tích hoang sơ. Chị ở thôn Thái Hoà, bắt đầu đào sá sùng từ năm lên mười tuổi.
Mà đâu chỉ có chị, từ bao đời nay, mỗi một đứa trẻ sinh ra trên đảo tự dưng thấy mình trở thành chủ nhân các bãi cát với những ưu đãi kỳ lạ của thiên nhiên. Dưới lớp cát mịn trơn vài phân, chỉ cần nhấn một nhát, thò tay xuống là có thể bốc lên một "con mồi". Một vài giờ khi nước ròng (thuỷ triều xuống) phơi ra bãi biển, một người có thể kiếm được vài cân sá sùng tươi.
Điều khá đặc biệt là gần như không có người đàn ông nào cùng vợ mình vác mai ra bãi biển đào sá sùng dù kiếm được khá nhiều tiền. Chị Lan có hai người con gái đã có chồng và hiện còn một cậu con trai. Bao nhiêu năm rồi, nguồn thu từ con sá sùng ngoài bãi biển đã trở thành "cơm gạo" cho nhà chị. Chồng chị đi làm thợ vữa kiếm mỗi ngày 35 nghìn đồng, còn cái giỏ trong tay người phụ nữ sau hai giờ trên bãi biển ít nhất cũng đã trị giá đến trăm ngàn.
Và chuyện trong xã đảo
Từ lâu đời rồi, món sá sùng trên đảo Quan Lạn với vị ngọt mát kỳ lạ của nó đã trở thành một thứ thực phẩm độc đáo. Khi mở cửa giao thương với Trung Quốc, món sá sùng đột nhiên trở thành đặc sản với giá cả làm choáng ngợp: mỗi cân sá sùng trắng phơi khô có giá từ 700 đến 800 ngàn đồng; vào ngày tết, lên đến một triệu đồng. Sá sùng đen, chí ít cũng vài trăm ngàn đồng.
Ngồi nói chuyện một tí trong trụ sở UBND xã, anh Viên thỉnh thoảng chỉ tay, hỏi với ra đường: "Đào có được nhiều không?". Đó là những cô thiếu nữ trẻ đi cuốc sá sùng đen trên đất. Họ nhoẻn cười bảo: "Cũng thường thôi". “Cái "thường" của họ chí ít cũng bốn năm chục đó". Ở đây, trong các thống kê về nguồn lực, người ta có cả thống kê số lượng sá sùng thu được của mỗi kỳ, mỗi tháng. Nó trở thành một nguồn thu khá lớn của xã đảo. Ấy vậy mà chưa hề có ai giàu có từ nghề làm sá sùng.
Buổi sáng, vào quán anh K. trên chợ đảo kêu một tô cháo gan giá 5.000 đồng, một ly cà phê "nâu nóng" 5.000 đồng để tiếp tục nghe câu chuyện 7.500 đồng một ký điện tư nhân chạy máy phát… thì người ta giật mình: đắt đỏ hơn cả Sài Gòn.
Quan Lạn, ấy là hòn đảo nổi tiếng, nơi xác nhận sự tồn tại của thương cảng xưa nhất tại Việt Nam: thương cảng Vân Đồn thời Lý (cách đây hơn 900 năm). Người dân Quan Lạn tự hào với những vết tích thời gian còn đọng lại của một cửa ngõ giao lưu sầm uất "trên bến dưới thuyền" mở cửa sang Xiêm La, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Giờ những vết tích của một Vân Đồn xưa chỉ còn là những hố khai quật chưa đóng lại, những mảnh sành chén phủ trong lớp bụi thời gian xa ngút.
Còn nghề đi biển, những thanh niên trên chuyến tàu sáng từ Quan Lạn vào Vân Đồn bảo rằng mình thất nghiệp. Nghề đi biển ra Nam vào Bắc giờ đã không còn là nghề thịnh hành. Một con đường 18km nối mút hai đầu đảo cho xe máy chạy ra chạy vào. Rồi người ta sang Trung Quốc "nhập khẩu" một loại xe ba bánh - dân đảo gọi là xe lam. 18km đường, gần 30 chiếc xe lam, hai ô tô 24 chỗ ngồi. Đó là tài sản của giao thông đường bộ. Còn đường thủy, có 10 tàu của 8 hộ kinh doanh nghề biển, có ba bãi biển đẹp tuyệt trần và công ty ATI đang đầu tư khai thác du lịch sinh thái, công ty cát Vân Hải khai thác mỏ cát và bãi biển du lịch… Những bãi biển đẹp bắt đầu trở thành sức hút lớn đối với du khách phương Tây. Các nhà nghỉ mọc lên, những đổi thay dần xuất hiện.
Nói thế để thấy rằng, quanh đi quẩn lại, đa phần người dân trong các thôn nghèo như Tân Phong, xóm Đoài, xóm Lam, xóm Đình… vẫn còn ngóng trông ra bãi biển, nơi mà loài đỉa biển mang tên sá sùng vẫn còn nguyên lành sinh sôi nảy nở và mang về một cách thức kiếm tiền dễ như trở bàn tay. Đất rừng mấy năm nay đã không còn nữa để giao. Và thông tin mới nhất về đỉa biển: nó chỉ tồn tại trong môi trường biển hoang sơ, chưa bị tác động bởi con người.
Nghĩa là niềm tin lớn nhất của người dân xã đảo: chỉ duy nhất Quan Lạn có con sá sùng - đã không còn đứng vững nữa. Rằng xưa kia, rất nhiều đảo trên đất nước mình, con sá sùng từng xuất hiện và đã ra đi.
Không biết rồi một ngày nào, chị Lan có còn vác mai ra cạnh cầu tàu bến cảng để mang về một giỏ đầy trị giá một hai trăm ngàn nữa không? Câu hỏi này chính quyền xã đảo chắc phải thấy để mà giật mình…