Choeung Ek vốn là những vườn cây ăn quả thuộc xã Choeung Ek, quận Dang Kor, tỉnh Kandal, Campuchia. Sau cuộc lật đổ Chính phủ Cộng hòa Khmer, trong những năm 1975-1979, chính quyền Khmer Đỏ đã biến xã Choeung Ek thành cánh đồng giết chóc tàn bạo và dã man nhất
Năm 1975, chính quyền Khmer Đỏ (UCKRR) xây dựng trung tâm an ninh lớn nhất quốc gia Campuchia, bao gồm: Nhà lao Tuol Sleng (trước đó được biết dưới cái tên: Trụ sở S-21, với các phòng giam, phòng tra tấn và phòng thẩm vấn cùng với bộ chỉ huy số 1 của chính quyền Khmer Đỏ dành cho việc tra tấn, thẩm vấn và xét xử; những cánh đồng chết ở Choeung Ek dành cho việc tàn sát tù nhân chuyển đến từ S-21 và những nơi khác trong nước. Những cánh đồng này nằm trải dài với diện tích hơn 20 hecta.
Địa điểm này từng là khu vực quan trọng thứ nhì sau nhà giam an ninh Tuol Sleng. Các nạn nhân sau khi bị tra tấn, thẩm vấn tại nhà giam Tuol Sleng sẽ bị đưa về sát hại tại cánh đồng này. Theo tài liệu thống kê, chỉ riêng trên “cánh đồng chết” này đã có trên 20.000 người bị Khmer Đỏ sát hại. Từ ngày Campuchia giải phóng (1979) đến nay, mới có 8.985 xác chết tại đây được tìm thấy. Có 129 ngôi mộ tập thể đã được phát hiện, trong đó 86 ngôi được khai quật. Có ngôi mộ tập thể khi khai quật lên với 166 xác chết không đầu. Một ngôi mộ tập thể khác có hơn 100 trẻ sơ sinh và phụ nữ bị giết. Ngôi mộ lớn nhất có 450 xác chết
Choeung Ek, ngoài tháp tưởng niệm cất giữ hơn 8.000 xương sọ, xương tay chân của những người xấu số, còn có: "cây nhiệm màu" (nơi treo loa phóng thanh để át tiếng rên khóc của tù nhân), "cây giết người" (dùng để giết trẻ nhỏ); ngôi mộ tập thể với 166 xác chết không đầu; ngôi mộ tập thể với hơn 100 trẻ sơ sinh và phụ nữ; ngôi mộ tập thể lớn nhất với 450 xác chết; những thớt gỗ dùng làm đòn kê chặt đầu...