Phú Yên và Bình Định đều là điểm dừng chân của người Việt vào thế kỷ 15 (thời Lê Thánh Tôn) trước khi tiếp tục Nam tiến, nên bản sắc văn hóa ở đây khá đậm. Lịch sử Việt chủ yếu ghi lại quá trình chống phương Bắc xâm lược, trong suốt quá trình xâm lược ấy người Việt đóng vai trò như một cái âm đạo bao lấy quân xâm lược, hút những tinh túy của chúng như văn hóa, kiến thức quản trị đất nước, tôn giáo, mưu lược chính trị, khoa học kỹ thuật v.v. Mỗi lần người Trung Nguyên kéo sang, chính sử ta lại ghi nhận một lần quan quân rút về Thanh Hóa, cả nước như cái bao ôm lấy kẻ thù để dần dần làm chúng mất sức, hấp thụ, gọi hàng và khiến chúng phải rút đi. Truyền thống này kéo tận tới thế kỷ hai mươi, nếu ta nhìn thế trận Điện Biên Phủ ta sẽ lại liên tưởng đến một cái âm đạo bao vây kẻ thù.
Và, đối với các dân tộc phía Nam còn lại, người Việt đóng vai trò dương tính hệt như người Trung Hoa. Việc người Việt thành công trong vòng hai trăm năm mở rộng gấp đôi lãnh thổ về phía Nam được thế giới đánh giá là biến động lãnh thổ ngoạn mục nhất nhì thời Cận Đại. Tất cả những mưu lược chính trị, văn hóa, kỹ thuật học được từ Trung Hoa, người Việt đều vận dụng đối với các dân tộc phía Nam. Gả công chúa cho các vua man để lấy đất là một bài chính trị điển hình của Trung Hoa, được người Việt vận dụng vô cùng thành công.
Biển Bình Định, vào những năm trước cải cách là điểm buôn lậu nóng bỏng hàng tàu thủy. Thời ấy em nhớ ai là thủy thủ viễn dương thì cả họ được nhờ. Trước khi vào SG, các tàu viễn dương neo chờ ở ngoài khơi Bình Định và dân BĐ đi thuyền con ra chở về TV, tủ lạnh, cassette, quạt máy v.v. để cứu đói cho một đất nước thiếu thốn mọi thứ. Dân Bình Định Phú Yên cũng tham gia buôn chuyến trên tuyến đường sắt Bắc-Nam và sau này là buôn lậu lâm sản. Họ vốn sẵn máu kinh doanh.
Hiện nay, Hải Phòng và Bình Định là hai nơi có đại gia nhiều nhất và giàu nhất cả nước. Thế nhưng, máu kinh doanh của người Bình Định không phải mới nổi gần đây (Hải Phòng chỉ xuất hiện từ sau khi người Pháp đặt cảng ở đây, trước đấy cảng ở Hải Dương). Khi Lê Hoàn hủy diệt kinh đô Indrapura (Trà Kiệu), người Champa dời đô vào Vijaya (thành Đồ Bàn) ở Bình Định. Kinh đô này tồn tại thêm 600 năm nữa. Việc lựa chọn không phải ngẫu nhiên: đây chính là ngã ba đường để từ đó đi lên thượng nguồn, vùng Tây Nguyên. Mọi giao thương với người Tây Nguyên đều thông qua vùng này. Và, thương lái người Champa, người Việt chỉ đóng vai trò thứ yếu trong quá trình buôn bán, chủ yếu họ đi mua lẻ, thu gom sản vật. Đầu mùa giao thương, các lái buôn Trung Hoa tổ chức ăn nhậu, vui chơi, đánh bạc và cho vay nợ, thế là các lái buôn nhỏ địa phương đã gánh một số nợ tương đối để từ đó toàn tâm tham gia vào quá trình thu gom sản vật phục vụ thương gia người Hoa. Những cuộc hôn nhân đa sắc tộc tại đây đã tạo ra một nhóm người Bình Định giỏi buôn bán và khá đặc sắc. Và, dù là dân tộc bị chinh phục, dòng máu Champa không hề biến mất - như trong bất cứ cuộc biến đổi lãnh thổ nào, kẻ đi chinh phục bị người bản xứ đồng hóa đôi phần. Đặc sắc nhất là ảnh hưởng lối mẫu hệ của người Champa lên truyền thống Bình Định. Không chỉ có đào giếng hình vuông, các nữ tướng nổi tiếng trong đội quân Tây Sơn, hay vô số nữ doanh nhân Bình Định hiện nay, theo tớ có lẽ là xuất gốc từ một truyền thống Champa.
Tại các thành phố miền Trung, phần lớn các bãi biển đều không sạch và đục, nhất là nếu gần đó có đầm phá hay sông chảy qua. Sông thường mang phù sa đổ ra cửa sông, kèm theo các chất thải sinh hoạt. Quy Nhơn có Đầm Thị Nại gần đó nên bãi biển không trong.
Như trên không ảnh này, ta thấy băng qua Đầm Thị Nại là một cây cầu dài hơn 1km làm bằng ngân sách chính phủ. Cây cầu này vắt sang khu công nghiệp Nhơn Hội ở bán đảo Phương Mai, và đây là một sai lầm.