Cháu hỏi ngu phát trong mối tương quan giữa Kon người ( cụ thể là mấy cụ ở trong cái nhà) với Mạch Khí có tương hỗ 2 chiều hay chỉ áp đặt bởi Mạch Khí?
Kon Người có chút tác động nào đáng kể vào Mạch Khí hem ạ
Các ông phong thuỷ ở Quảng Ninh đang kêu như vạc, còn viết tâm thư gửi các cấp để kêu cứu cho long mạch Quảng Ninh trước nạn khai thác các kiểu
Em cóp pết vào đây để các cụ ngự lãm ( nguồn : fb my friend )
SỰ LINH THIÊNG CỦA LONG MẠCH "MẮT RỒNG" (TP UÔNG BÍ TỈNH QUẢNG NINH)
CÔNG TY TNHH TẬP ĐOÀN XUÂN LÃM VÀ NHỮNG HỆ LỤY TỪ VIỆC KHAI THÁC TÀI NGUYÊN ĐẤT
“Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái định cát hung” Đó là tư tưởng triết học về khởi nguyên của vũ trụ một cách sơ khai nhất, mà cũng đầy đủ nhất của Kinh Dịch, một trước tác trong tứ đại kỳ thư cổ đại của Trung Hoa.
Càn, Khôn là hai quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch, Trời là cha, Đất là mẹ, từ hai quẻ này nó giao hòa biến đổi qua lại thành 64 quẻ, trong đó bao hàm đầy đủ mọi triết lý Thiên, Địa, Nhân của thế giới sự sống. Thổ (Đất) một trong năm yếu tố của ngũ hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) tạo ra thế giới vật chất, 土為萬物之母 “Thổ vi vạn vật chi mẫu”, nghĩa là: Đất là mẹ của vạn vật. Long mạch (Địa mạch) là khí của Thổ, nó vận hành trong Đất hệt như các đường kinh mạch trong cơ thể con người. Khí vượng Thổ vượng, khí suy Thổ suy, khí tuyệt Thổ diệt. Thổ đã diệt sao có thể sinh được Kim, Kim tử sao sinh được Thủy, Thủy kiệt tất không sinh được Mộc, Mộc chiết không sinh được Hỏa, Hỏa lại không sinh đựơc Thổ. Cứ như thế vòng quy luật tương sinh của ngũ hành bị phá vỡ, thế giới sự sống sẽ bị hủy diệt từ đó. Mọi hành động vô thức của con người tác động vào sự lưu thông của dòng địa mạch đều có ảnh hưởng đến Thổ. Nguy hiểm nhất là chặt đứt long mạch, khi đó khí của địa mạch thoát ra tạo thành một vùng đất chết. Các sinh vật sống trên vùng đất đó không có đầy đủ các yếu tố ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để tạo lên sự sống.
Thành phố Uông Bí ngày nay được các tiền nhân xưa đặt vào một vị trí đắc địa của phong thuỷ (Tôi đã có bài viết về địa hình TP Uông Bí qua góc nhìn của bộ môn phong thủy). Những nơi xung yếu của địa mạch đã được người xưa trấn yểm, đánh dấu bằng các đền miếu, am, tháp. (Chúng ta cần phải phân biệt đền miếu thờ một nhân vật nào đó, với đền miếu dùng trấn yểm những điểm huyết yếu của long mạch). Những loại đền miếu này không thể di chuyển ra khỏi vị trí vì những công năng đặc biệt của nó. Trên thực tế sự linh thiêng của nó quá rõ ràng khi bị con người tác động đến. (Điều này có nhiều người không chịu thừa nhận, nhưng cuối cùng cũng phải thừa nhận). Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều nơi đình, chùa, miếu, mạo bị tàn phá đã gây cho xã hội bao hệ lụy. Từ khi tư duy của con người được quay lại những tư duy gốc, chúng ta đã ra sức trùng tu tôn tạo những nơi được coi là linh thiêng của tiền nhân để lại, vì vậy xã hội ngày càng phồn vinh, dân chúng dần dần an lạc.
Khu vực Mắt Rồng Phương Đông Tp Uông Bí cũng không nằm ngoài cổ lệ đó vì sự linh thiêng của nó. Chúng ta thử xem xét phong thủy địa hình của khu vực này một chút.
Dãy núi Mắt Rồng được cho là một tiểu chi cán của cán long Hạ Long – Đông Triều (Tham khảo bài “TP Uông bí và sự phát triển bền vững dưới góc nhìn của bộ môn phong thủy.”)và là một chi long chính của TP Uông Bí. Nó được khởi thủ từ hồ Yên Trung, theo địa hình trải dài theo hướng Tây – Đông, đến giáp khu 10 phường Thanh Sơn long mạch men theo con suối nhỏ chảy từ ao sen khu 10 qua khu 8, 9 Bãi Dài, qua trường tiểu học Trần Hưng Đạo nó nhập thủ cùng với long mạch Khe Giang – Sông Sinh và tụ về khu vực hồ Vọng Nguyệt. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, Long bao giờ cũng hành tiến cùng với Thủy theo đúng quy tắc “Thủy tùy sơn nhi hành, sơn giới thủy nhi chi” (水隨山而行山界水而止). Dọc theo các lạch nước là các dãy đồi thấp nhỏ (Đồng sơn). Nơi giới hạn của sơn ở đây chính là khu vực cầu Trung Đoàn, nơi tụ của thủy chính là khu vực hồ Vọng Nguyệt bây giờ.
Còn về khu vực Mắt rồng, qua quá trình khảo sát, chúng tôi đã được các cụ cao niên và người thủ từ đền cho biết. Cái tên Mắt Rồng đã có từ lâu đời, nó gắn liền với đền Mắt Rồng. Ngôi đền này được xây dựng từ bao giờ cũng không ai biết rõ, chỉ biết đền ngày nay được xây lại trên nền của ngôi đền cổ đã bị thời gian phá hủy. Vị trí của đền nằm dưới hàm ngay chỗ huyết quản của Long. Đã có rất nhiều ý kiến của các thầy địa lý về vị trí này. Nhưng theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, ở vào vị trí này thì ngôi đền có tác dụng trấn giữ nơi xung yếu nhất của long mạch, đó là huyết quản của Rồng. Ngoài ra nó còn có chức phận canh giữ những quả trứng của Rồng, đó là những quả đồi tròn nhỏ nằm cạnh nhau ở khu vực hồ Việt Xô. Khu vực này trong thời gian doanh nghiệp Tân Thành Công khai thác đất san nền đã phải làm lễ tạ tại đền Mắt Rông bằng cả một ô tô đồ lễ. Vào đầu thế kỷ trước, ở vị trí ngay hàm của Rồng , nhà tư bản Bạch Thái Bưởi đã cho mở một mỏ than hầm lò, trong khi các lĩnh vực kinh doang khác của ông như: hàng hải, in ấn rất thành công. Mỏ được mở vào năm 1928 hoạt động rất hiệu quả vì ông đã bỏ hầu như toàn bộ vốn liếng của mình vào lĩnh vực này để cạnh tranh với người Pháp. Nhưng sự nghiệp khai thác mỏ của ông chỉ tồn tại vẻn vẹn có bốn năm là chấm dứt, nguyên do là vào năm 1932 ông bị đột tử bởi bệnh tim thọ có 58 tuổi. Suốt một thời gian dài người ta bỏ nơi đây không khai thác than nữa, dân các nơi dần đến cư ngụ sinh sống tạo nên làng mạc trù phú. Đầu những năm 1990, 1991 những hầm lò khai thác than tự phát của người dân lại được mở, chỉ đến khi xảy ra vụ sập lò vùi chết mấy nhân mạng mà các cơ quan chức năng phải mất 3 ngày đào bới tìm kiếm mới lấy được xác. Từ đó đến nay không một ai dám khai thác than tại khu vực này nữa.
Lại nói, dãy núi mà DN Xuân Lãm xẻ dọc để lấy đất, nơi đó chính là sống lưng của Long. Trên lưng của long các thày địa lý xưa đã điểm huyệt bằng một ngôi đền nhỏ chính ở nơi Long phân chi (Vết tích ngôi đền cũ ngày xưa nay chỉ còn lại các tảng đá dùng làm bậc thềm được đẽo gọt rất cẩn thận. Nơi này người dân đã xây lại thay thế ngôi đền cũ bằng một cái am nhỏ để thờ, sau đó DN Xuân Lãm cho phá bỏ và chuyển đến vị trí như ngày nay). Nơi đây chính là huyệt đạo dẫn khí của Long dưỡng cho các quả trứng của mình nằm rải rác ở khu vực Việt Xô như đã nói ở trên.
Việc phá bỏ và di dời đền, chùa, am, miếu ra khỏi vị trí cũ là một việc làm đại kỵ trong địa lý phong thủy (Chỉ có các thầy địa lý rởm mới khuyên các tín chủ làm điều này). Từ cổ chí kim người ta chỉ tu bổ tôn tạo lại các công trình tâm linh trên vị trí vốn có sẵn từ trước, chứ chưa có ai dám thay đổi, di dời vị trí của nó.
Như vậy ngôi đền mà DN Xuân Lãm mới xây lại đã nằm ngoài các quy tắc của địa lý phong thủy, nó mất hẳn công năng là ngôi đền trấn giữ long mạch. Việc làm này, cùng với việc long mạch bị xâm hại đã gây cho toàn bộ khu vực chịu ảnh hưởng của dòng địa mạch ( Đó là một phần của khu 10, toàn bộ khu 8-9 phường Thanh Sơn) thành một vùng đất không có sinh khí. Cụ thể là những nơi này kinh tế người dân nghèo nàn, đại đa số không có công ăn việc làm, đất đai khô cằn , hoang hóa ( Nơi đây xưa kia từng là vựa vải thiều của Uông Bí). Dự án nâng cấp, cải tạo con đường nối đường Hoàng Quốc Việt với nhà máy gạch Thanh Sơn gần 3 năm nay vẫn chưa thi công xong vì nhà thầu bỏ dở. Tuy chỉ cách trung tâm hành chính của thành phố chưa đầy 1000m, nhưng con đường này không khác gì một con đường vào công trường. Cộng với việc tận thu tài nguyên của dự án hồ sinh thái, người dân thật cực khổ mỗi khi trời mưa nắng. Ngày xưa đường chính lên chùa Ba Vàng đi qua khu 9, nhưng ngày nay không còn ai dùng lối này nữa vì đường chính đã được đầu tư mở rộng trên địa bàn phường Quang Trung, vì vậy gần như nó bị lãng quên do sự phá hủy của thời tiết. Trường tiểu học Trần Hưng Đạo chỉ cách UBND phường Thanh Sơn chưa đầy 500m, nhưng học sinh ở đây chỉ lèo tèo có vài trăm em. Trường này được người dân trong khu vực coi là trường dân tộc của phường,vì học sinh ở đây không có thành tích học tập nào đáng kể tuy các thầy cô rất nỗ lực dạy dỗ.
Liên quan đến việc khai thác đất để san lấp mặt bằng, DN Xuân Lãm còn khai thác một khu vực mà cũng hết sức nhạy cảm về phong thủy. Đó là khu vực chùa Am, ngôi chùa này nằm trên địa thế mà phong thủy gọi là nơi Long nhập thủ. Đứng từ chùa nhìn ra hướng nam, ta thấy ở hai phía Thanh Long, Bạch Hổ đều có các hộ sa bao bọc tạo thành hình cánh ve, vạt áo che chắn cho huyệt mạch một cách kín đáo. Chùa Am và chùa Trình chính là nơi trấn giữ long mạch ở phía Đông - Tây của Tp Uông Bí. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước và những năm gần đây, người ta đã cho xây một tổ hợp nhà máy nhiệt điện tại vị trí cung Ly của chùa Am. Nhà máy là nơi sinh ra nguồn bức xạ nhiệt rất lớn, cộng với cung Ly thuộc hỏa, mà theo nguyên tắc “Thái quá bất cập”, “Lưỡng hỏa thành viêm” hỏa viêm thì thổ diệt, vì vậy thổ ở khu vực này cần phải dưỡng. Thế nhưng cần phải dưỡng thổ thì DN Xuân Lãm lại lấy đất ở nơi đầu của bên thanh long làm thay đổi cấu trúc phong thủy của toàn bộ khu vực, khí của Long thoát ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến vận khí của vùng đất này. Từ khi đó chùa Am rất ít khách viếng thăm mỗi khi có mùa lễ hội. Để tu bổ và xây dựng tam quan cho ngôi chùa, nhà sư trụ trì đã phải cùng các đệ tử của mình đi phát tờ rơi kêu gọi lòng hảo tâm của các tín đồ Phật tử. Hầu như dân cư nơi đây đều không tha thiết lắm với nơi ở của mình, mọi người chung một quan điểm là, nếu có điều kiện họ đều muốn chuyển đi nơi khác sinh sống.
Doanh nghiệp Xuân Lãm là một DN có các ngành nghề liên quan đên Thổ (Đất đá), nên việc nghiên cứu, tìm hiểu về các dòng địa mạch (Long mạch) là một việc làm hết sức quan trọng trước khi muốn tác động vào nó. Việc khai thác tài nguyên để phục vụ cuộc sống là không thể không làm, nhưng trước khi thực hiện, chúng ta nên tính những hậu quả mà việc làm đó đem lại. Cần phải mời các nhà địa lý có kiến thức thực sự nghiên cứu về địa hình phong thủy, dựa vào đó mới lập dự án khai thác hoặc xây dựng trên một khu vực nào đó. Không nên tác động thái quá đến các long mạch chầu vào một khu dân cư. Khi khai thác xong phải ngay lập tức thực hiện công tác điền hoàn địa mạch (Hoàn Long), thực ra công việc này là công việc ngày nay các DN khai thác tài nguyên gọi là “Hoàn nguyên môi trường”. Phải làm một cách cụ thể, có bài bản, có tâm, không được hời hợt cho xong.
Điều cuối cùng cho những người làm công tác khai thác tài nguyên có tác động đến Thổ là: Nghiêm cấm đào bới tại những nơi có đền, chùa, am, tháp, không được phép di dời chúng ra khỏi vị trí sẵn có. Nếu cố tình tác động đến chúng sẽ để lại những hậu quả kéo dài qua nhiều thế hệ. Trên thực tế đã chứng minh rất nhiều, nhưng vì lợi nhuận trước mắt người ta đã bỏ qua tất cả. Cộng với việc các thầy phong thủy với những kiến thức cóp nhặt đã tư vấn cho các chủ DN làn bừa làm ẩu gây nên nhiều hậu quả rất nghiêm trọng.
Trong những dự án khai thác đất san nền của DN Xuân Lãm, thì hai dự án tại khu vực Mắt Rồng và Chùa Am là hai nơi linh thiêng và xung yếu nhất trong hệ thống long mạch của Tp Uông Bí. Những việc làm của DN vì sự phát triển chung của Tp là không thể phủ nhận, nhưng nó cũng để lại bao hệ lụy cho một bộ phận cư dân, cho DN và cho chính những người chủ sự của dự án.
Trong xã hội hiện đại, mọi người đều rất cố gắng xây dựng một môi trường xanh, trả lại cho tự nhiên những gì vốn có của nó. Đó chính là làm các công việc hợp với điạ lý phong thủy. Là những người nghiên cứu về phong thủy học, chúng tôi khuyên mọi người và các nhà quản lý trước khi muốn tác động vào môi trường thì chung ta nên quan tâm đến ba yếu tố “Thiên, Địa, Nhân”, khi nào đạt được : Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Khi đó có thể thực hiện được các kế hoạch của mình mà không để lại bất cứ hệ lụy gì đến bản thân và mọi người'
Viết tại Tp Uông Bí
Mạnh hạ, Quý tỵ niên 2013