Em bận quá...
Ở đây chúng ta đang bàn về quan niệm, nhận thức khái niệm. Một là để hiểu rõ chân tướng hơn, hai là từ cái hiểu rõ hơn đó thì có quan điểm đúng hơn, có cách nhìn nhận thực hơn...tránh bị bịp ngoài đời, tránh huyền bí hoá mà giảm giá trị của một lĩnh vực quý giá.
Thực tế như em thấy thì phong thuỷ là một môn rất đặc biệt để nghiên cứu tìm hiểu thiên nhiên, đánh giá ưu khuyết điểm của thiên nhiên trong 1 phạm vi cụ thể, để từ đó vận dụng sao cho con người sống trong môi trường đó được hưởng nhiều nhất những ưu đãi, giảm thiểu những hạn chế khiếm khuyết đang tồn tại một cách khách quan trên phạm vi địa cục đó.
Lại nói về 2 chữ Phong Thuỷ, xuất phát điểm là cái câu em đã dẫn ở trên, và các cụ xưa lọc ra lấy 2 chữ kiểu "đại diện biểu kiến" cho bộ môn này.
Thế nhưng sao có nhiều chữ mà lại chọn 2 chữ đó làm đại diện cho một bộ môn vừa thâm sâu vừa rộng rãi đó?
Chỉ riêng bàn về 2 chữ đó có lẽ cũng ra rất nhiều vấn đề.
Chẳng hạn như việc nói phong là gió mà thuỷ là nước cũng có phần đúng đấy, tuy nhiên không phải là đúng ở phần biểu trưng đơn giản, mà là đúng (một phần nhỏ thôi) ở phần ý nghĩa. Có thể nói rõ hơn chút về ý này thế này:
Phong là gió, gió thuộc trời. Còn thuỷ là nước, nước thuộc đất. (Chỉ riêng trong phạm vi đang bàn này thôi, mở rộng ra sẽ có đảo ngược đấy ạ). Vậy trong cách dùng từ Phong Thuỷ thì có bao hàm trời đất. Trời là Dương còn đất là Âm, vậy chữ Phong Thuỷ có bao hàm âm dương, mà âm dương tương tác thế nào thì là bản chất của mọi hoạt động trong vũ trụ này.
Trong phong thuỷ người ta ít dùng từ "âm dương", mà trong từng trường hợp sẽ có những cách gọi khác nhau, chẳng hạn như đánh giá về tự nhiên khoáng dã (vùng đất, cuộc đất chứ không phải nhà cửa công trình) thì các cụ lại dùng từ "Thư Hùng". Thư là cái là âm, Hùng là đực là dương. Ý rằng dùng 2 chữ đó để mô tả tương tác âm dương của khu vực xem nó giao hoà hay bất cập thái quá, hay giao chiến, hay bất xứng hữu tình hay vô tình...
Nói đến chỗ này các cụ mợ có thấy khen về cảnh đẹp có câu "Sơn thuỷ hữu tình" phải không ạ? chính là biểu hiện Âm Dương (thư hùng) giao hoà đấy. Chính đáng, hài hoà tương xứng, quấn quýt lấy nhau...là "hữu tình". Âm dương có hữu tình giao hoà thì mọi vật mới sinh sôi nảy nở, khoẻ mạnh đẹp đẽ tốt tươi. Các nhà phong thuỷ uyên bác hay dùng từ "khán thư hùng", các cụ sướng thật.
Nhưng quang cảnh bề mặt cũng chỉ là biểu hiện thống nhất với nguồn lực tạo ra nó. Cái Thư Hùng ta thấy, cũng chỉ là biểu hiện ngoại biên của của một thế lực thống trị vùng đất đó, chính là Khí của vùng đó. Vậy là các cụ xưa đã có trí tưởng tượng rất cao, khán thư hùng để có thể kết luận về thứ vô hình không thể dùng ngũ quan mà nắm bắt được, tức là dùng khả năng nhận thức ngoại biên để nắm bắt được yếu tố nội hàm của tự nhiên.
Tất nhiên là xuất phát điểm chỉ từ Âm -Dương, nhưng có nhiều luật dẫn ra hàng vạn kết quả khác nhau, do có hàng vạn cách phối ngẫu của con người với chính mỗi cái đơn sơ đó, chưa kể đến sự vận động đa dạng vô lường của mỗi 2 thứ Âm và Dương ngay trên mảnh đất đó. Cũng như hệ nhị phân, chỉ có 0 và 1, theo những quy luật nhất định thì có thể biểu diễn đủ thứ trên đời. Vậy nên ta nói về khái niệm thôi, chứ mà tại sao cũng thế mà ra kết quả thế kia??? thì không thớt nào đủ dung lượng.
Bàn về 2 chữ Phong Thuỷ, nó là gì và tại sao lại lấy nó làm tên cho bộ môn này...thì chắc cũng nhiều vấn đề lắm. Có điều là em cho rằng nếu không dùng tư duy diễn giải hàm chứa, chỉ dùng các biện pháp quy nạp thực chứng thì nhẽ chỉ 1 khái niệm cũng mất hàng tháng mới ra vấn đề. Các môn phương Đông này rất đề cao Ngộ Tính.