Chả có chuyện gì để các cụ chém thì em hầu các cụ một câu chuyện về ảnh vậy. Hàng năm vào cuối tháng 7 em thường về làng Cự Đà, Hà Đông thăm mộ một người bạn học cùng đại học đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Nghĩa trang nằm ngay sau chợ, có thời là bãi thả trâu luôn. Những năm mưa thì lội bì bõm, cũng ghê ghê. Tháng 7/2006, trời nắng như đổ lửa, lúc về đó em ngạc nhiên, thích thú trước cảnh màu sắc rực rỡ và chụp hai tấm hình. Về post lên Flickr, chẳng nghĩ ngợi gì.
Đến lúc mấy lão khoai tây ào vào comment mới giật mình. Họ có vẻ thích thú trước những mảng màu ngẫu nhiên và hỏi chuyện gì vậy? Bão à? ... Không thể lờ đi không trả lời, nhưng biết giải thích với họ thế nào đây? Nói là người ta phơi bánh đa (để nấu ăn) trên nghĩa địa thì tấm ảnh này sẽ bị quy ngay về thể loại ảnh đấu tranh bảo vệ vệ sinh môi trường!
Nghĩ mãi rồi em cũng đành phải giải thích sự thật, vì cái nghĩa địa ấy là nghĩa địa cổ, cũng chẳng có gì là bẩn thỉu cả. Đồng thời chua thêm một câu "Khi chụp tấm ảnh này tôi nhớ đến câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam - Chế Lan Viên (mà em và một người bạn chỉ còn nhớ ý mang máng): Khi sự sống đi lên cái chết vỗ tay mỉm miệng cười!". Ý nghĩa của tấm ảnh vì thế được hiểu theo nghĩa vui vẻ nhẹ nhàng.