Nếu theo bài ca dao xưa về 36 phố phường, thì trước đây có 32 phố bắt đầu bằng chữ Hàng: "Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay/ Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày/ Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn/ Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than/ Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng/ Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông/ Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè/ Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre/ Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà/ Quanh đi đến phố Hàng Da/ Trải xem phường phố thật là cũng xinh/ Phồn hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ/ Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ/ Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền".
Cứ theo thực trạng hiện nay, Hà Nội có 53 phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng. Xếp theo a,b,c: Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Bột (ngõ), Hàng Buồm, Hàng Bún, Hàng Chai, Hàng Cháo, Hàng Chỉ (ngõ), Hàng Chiếu, Hàng Chĩnh, Hàng Chuối, Hàng Cỏ (ngõ), Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giày, Hàng Giấy, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Hương, Hàng Khay, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Hàng Phèn, Hàng Quạt, Hàng Rươi, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Thịt (ngõ), Hàng Tre, Hàng Trống, Hàng Vải, Hàng Vôi.
Trong thực tế lịch sử còn nhiều phố Hàng nữa, nhưng bị thay thế dần cùng thời gian. Ví dụ ngày trước còn có Hàng Hài (nay là đoạn đầu Hàng Bông), Hàng Mụn (nay là Hàng Bút). Còn Hàng Bút vốn là đoạn cuối của phố Thuốc Bắc. Hàng Bừa và Hàng Cuốc (nay gộp lại là phố Lò Rèn), Hàng Tàn tức Hàng Lọng (nay là đoạn đầu phố Lê Duẩn), Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hàng Chè (nay là đoạn đầu phố Đinh Tiên Hoàng), Hàng Giò (đoạn đầu phố Bà Triệu), Hàng Kèn (đoạn phố Bà Triệu từ ngã năm Trần Hưng Đạo đến ngã năm Nguyễn Du), phố Hàng Đàn (nay là phố Hàng Quạt), phố Hàng Màn (nay là đoạn đầu phố Hàng Giày), phố Hàng Lam (đoạn đầu phố Hàng Ngang), phố Hàng Lờ (cuối Hàng Bông), Hàng Nâu (nay là Trần Nhật Duật), Hàng Tiện (nay là đoạn đầu Hàng Gai), Hàng Sơn (nay là Chả Cá), Hàng Đẫy (nay là đoạn đầu phố Nguyễn Thái Học), Hàng Mã dưới và phố Hàng Mây (nay gộp lại thành Mã Mây), Hàng Trứng (đoạn cuối phố Hàng Mắm), Hàng Gạo (phố Đồng Xuân), Hàng Thêu (nay là đoạn cuối Hàng Trống), Hàng Sắt (nay là đoạn đầu Thuốc Bắc)...
Như vậy có đến trên hai chục phố có tên bắt đầu bằng chữ Hàng đã đổi ra tên khác hoặc gộp vào thành một phố dài. Có một số phố vẫn giữ được mặt hàng truyền thống như Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Than nổi tiếng với món bánh cốm ngon lạ thường chỉ có Hà Nội mới có, gợi nhớ đến mùa cưới của người Hà Nội. Hàng Đào vẫn phấp phới màu sắc của quần áo nhắc nhở đến những phiên chợ tơ năm xưa. Hàng Trống cho đến ngày nay còn một số nhà có nghề làm trống cổ truyền, dựng tang trống, thuộc da, lên mặt trống đều bằng phương pháp thủ công. Hàng Mành vẫn làm mành. Hàng Thiếc làm thùng tôn, cắt kính. Hàng Mã vẫn bán đồ chơi Trung thu cho trẻ em...
Bên cạnh đó, nhiều phố mang tên cũ nhưng không còn một ai làm nghề cũ như Hàng Gà, Hàng Cá, Hàng Gai, Hàng Bún, Hàng Cót, Hàng Bồ...
st