Tác giả Larry Berman nói mọi thứ về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn vẫn là một điều bí ẩn, vì vậy 'tất cả chúng ta có thể làm là suy đoán'.
Một số sách hay nhất về Việt Nam được viết bởi các nhà báo, đó là những sách đoạt giải Pulitzer Prize do giới nhà báo viết. Nhưng có hai hoặc ba cuốn sách của báo giới Việt Nam viết về Phạm Xuân Ẩn và chúng làm ông ấy xấu hổ. Đại khái nội dung những cuốn sách này là, Phạm Xuân Ẩn là người hoàn hảo, ông ấy là một sự kết hợp của siêu nhân và mọi người hoàn hảo khác trong lịch sử Việt Nam, và điều đó làm cho Ẩn xấu hổ.
Thực ra Phạm Xuân Ẩn đã được CIA và vài cơ quan khác tuyển dụng, nhưng đó chỉ là vì họ thấy ông ta là một nhà báo người Việt Nam làm việc cho tạp chí Time. Ẩn nói rằng anh ta đã hỏi ý cấp trên xem có nên nhận việc của CIA không. Nhưng vai trò của ông Ẩn rất quan trọng cho sự thành công chiến lược của CS, và làm việc với CIA quả là điều quá nguy hiểm. Họ đã cắm được điệp viên hoàn hảo này vào tạp chí Time, với quyền truy cập vào cơ quan tình báo Mỹ, cơ quan tình báo VNCH, bạn thân nhất của ông ta là Giám đốc cơ quan tình báo của Nam Việt Nam, người có thể liên lạc với quân đội Nam Việt Nam. Họ không cần ông phải tăng nguy cơ bị khám phá bằng cách làm gián điệp cho người Pháp, người Anh, hoặc người Mỹ.
Tình bạn của Phạm Xuân Ẩn với ông Trần Kim Tuyến như thế nào?
Ẩn và bác sĩ Tuyến đã có mối quan hệ ngay cả trước khi ông Ẩn đến Hoa Kỳ vào năm 1959, và đó là chuyện hấp dẫn nhất trong cuộc đời của ông. Chuyện ông Ẩn được Việt Minh tuyển chọn từ hồi rất nhỏ, chuyện Edward Lansdale, tiền thân của CIA tài trợ cho chuyến đi của Ẩn đến Hoa Kỳ, sắp xếp cho ông ta đi đến Orange Coast College, California để học báo chí. Sau khi học xong báo chí ở Hoa Kỳ, ông Phạm Xuân Ẩn trở về Việt Nam năm 1961, trong một giai đoạn hết sức khó khăn, lúc chính quyền Ngô Đình Diệm đang bắt giam rất nhiều VC. Phạm Xuân Ẩn nương náu tại nhà ông Tuyến khoảng 30, 35 ngày, vì sợ bị mật vụ của ông Diệm bắt nhốt. Bác sĩ Trần Kim Tuyến là người đã giúp ông Ẩn tìm được việc làm đầu tiên trong làng báo Việt Nam, rồi từ đó họ trở thành bạn. Bác sĩ Tuyến thực sự đã giúp đỡ nhiều người Bắc Việt bị giam trong tù.
Dĩ nhiên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt tháng 4 năm 1975, Phạm Xuân Ẩn là người đã cứu mạng bác sĩ Trần Kim Tuyến bằng cách giúp ông ta trốn khỏi Việt Nam. Ẩn luôn luôn nói rằng ông làm thế vì tình bạn. Tuy nhiên cũng có nghi ngờ rằng ông ấy làm điều đó vì họ là bạn cũng có, và cũng bởi vì, và đây là điều rất quan trọng, cả hai đều biết nhiều bí mật về nhau. ''Giả thuyết là, Ẩn sợ nếu bác sĩ Tuyến bị bắt, ông ta sẽ bị tra tấn và sẽ tiết lộ những điều về Ẩn mà Ẩn không muốn lộ ra, như việc ông đã cứu mạng sống của nhiều người Mỹ trong chiến tranh, bảo vệ bạn bè người Mỹ.
Và theo lời Ẩn nói, thì vợ ông đã được triệu hồi về nhà, và trong 7 hoặc 8 năm tiếp theo, ông Ẩn ở trong tình trạng chỉ có thể mô tả là bị quản thúc tại gia, không được phép tiếp khách. Đó là một khoảng thời gian rất đen tối trong cuộc đời ông Ẩn. Họ không tin tưởng ông ấy. Ông ấy có rất nhiều ảnh hưởng, biết quá nhiều bí mật. Ông Ẩn chấp nhận một thỏa thuận. Thỏa thuận ấy là họ sẽ cho phép con trai đầu lòng của ông đi học ở Hoa Kỳ để lấy bằng luật. Bạn bè của Ẩn từ tạp chí Time quyên góp được 30.000 đôla để tài trợ cho việc đó, và ngược lại, ông Ẩn hứa sẽ im miệng, sẽ không công bố này nọ... Ông ấy chấp nhận số phận mình.
Có ý kiến cho rằng, các tác giả ngoại quốc có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng có quá lời không?
Phạm Xuân Ẩn đã tham gia vào trận Tết Mậu Thân, và thực sự đã giúp xác định những điểm an toàn, tiếp cận đại loại như vậy, nhưng ông không thay đổi cục diện cuộc chiến. Nơi duy nhất mà ông ta tạo thay đổi, nói cách khác, ảnh hưởng lớn nhất của ông là vào năm 1962. Tường trình của ông về Ấp Bắc, thực sự ảnh hưởng đến, và đưa đến cho Việt Minh một cách mới suy nghĩ về lực lượng chống nổi dậy.
Và sau đó, vào cuối tháng ba năm 1974, là bản phác thảo ông Ẩn gửi cho Bộ Chính trị ở Hà Nội, nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại, họ sẽ không bao giờ trở lại. Các lực lượng phe CS lúc đó đã phải chịu những tổn thất nặng nề và gần như kiệt quệ trong cuộc chiến năm 1972. Kế hoạch của họ lúc ấy là chuẩn bị thống nhất vào năm 1978, nhưng Phạm Xuân Ẩn nói, 'không, không, không, chúng ta có thể làm ngay bây giờ. Người Mỹ không bao giờ trở lại, cho kẹo họ cũng sẽ không trở lại. Tình hình chính trị Mỹ ở Hoa Kỳ sẽ không hỗ trợ chiến tranh.' Ông Ẩn giải thích vụ Watergate, và điều đó đã khiến bộ chính trị đẩy mạnh kế hoạch thống nhất đất nước nhanh hơn được hai hoặc ba năm - đó là lý do Ẩn được trao huy chương quân sự, và cuối cùng được thăng lên cấp Tướng. Đó bản báo cáo quan trọng nhất của chiến tranh Việt Nam.
Ông Ẩn có ba biểu tượng mô tả cuộc đời của mình. Đó là ba con: cá, chó và chim, và mỗi con tượng trưng cho một giai đoạn trong đời ông ấy. Cá: bởi vì cá không bao giờ nói chuyện. Chó: vì chó trung thành, dù chủ có nhiều hay ít tiền, chúng vẫn luôn ở bên cạnh, và chim: bởi vì chim bay rất tự do, rất tự do, rất tự do...