http://www.otosaigon.com/Forum/tm.aspx?m=4744944
Tin tưởng thái quá vào công năng của phim cách nhiệt, kết hợp với sự thiếu hiểu biết khi sử dụng khiến không ít chủ xe cảm thấy thất vọng. Kính lái và kính sau thường đặt nghiêng và có diện tích lớn trở thành nơi bức xạ mặt trời xuyên qua nhiều nhất ở trên xe. Thế nhưng nhiều lái xe lại cho rằng không nên dán phim cho kính lái vì ảnh hưởng tới khả năng quan sát.
Vấn đề nằm ở lớp keo dính. Phim chất lượng kém có lớp keo không ổn định, thường bị biến dạng hoặc phân bố không đều sau khi dán. Sự không đồng nhất của keo trên mặt kính gây ra hiện tượng méo hình.
Phim chống nóng dùng cho kính lái cần có độ xuyên sáng cao, độ phản gương thấp.
Với kinh nghiệm nhiều năm, ông Vũ Văn Hòa, Giám đốc kỹ thuật Công ty Năm Sao - nhà phân phối chính hãng dòng phim cách nhiệt LLumar tại Việt Nam khuyên cáo: "Công nghệ làm keo cho phim cách nhiệt rất khó, tính đến nay trên thế giới chỉ một vài hãng có được công nghệ này".
Theo ông Hòa, bản chất của phim chống nóng là làm chậm quá trình hấp thụ nhiệt. Phim chống nóng của các hãng uy tín có thể loại trừ tới 60% năng lượng mặt trời xuyên qua kính. Điều đó có nghĩa rằng một phần bức xạ vẫn lọt vào trong. Khoảng 40% lượng nhiệt xuyên qua kính cùng với lượng nhiệt truyền xuống từ ca-bin sẽ làm không gian trong xe nóng lên, tuy nhiên quá trình tăng nhiệt sẽ chậm hơn so với trường hợp xe chưa dán.
Trong một thí nghiệm, tấm kính trong suốt có một nửa được dán phim LLumar AIR80. Đặt kính chắn nguồn sáng chiếu tới 2 hộp nhỏ, một hộp được phần kính dán phim che, hộp còn lại được che bằng kính thường. Nhiệt độ trong 2 hộp được đo bằng cảm biến nhiệt. Ban đầu nhiệt độ 2 bên như nhau, ở mức 29,5 độ C. Sau khi chiếu sáng 2 phút, nhiệt độ cả 2 hộp đều tăng lên, nhưng có sự chênh lệch. Bên được che bằng tấm kính dán phim, nhiệt độ là 32,8 độ C. Bên không dán phim ở mức 37,5 độ C.
Phim cách nhiệt ít có tác dụng khi đỗ xe lâu dưới trời nắng Với chức năng chính là làm chậm quá trình trao đổi nhiệt theo hai con đường bức xạ và truyền nhiệt (hiệu ứng nhà kính), phim cách nhiệt sẽ phát huy công dụng nhất khi chạy xe dưới trời nắng và bật điều hòa vì lúc này có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa môi trường bên trong và bên ngoài ca-bin. Nhiệt nóng khó vào, nhiệt lạnh khó ra làm giảm sự vất vả của hệ thống làm mát trong những ngày hè, đồng thời cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Phim cách nhiệt ít tác dụng khi để xe quá lâu dưới trời nắng. Dù cản bức xạ nhưng một phần nhiệt nóng vẫn xâm nhập vào trong xe. Phơi nắng đủ dài, thời gian phơi nắng khoảng trên 3 giờ đồng hồ, ca-bin vẫn rất nóng dù kính dán phim hay không.
Một khi nhiệt nóng lọt vào, xe có dán phim thường thoát nhiệt lâu hơn xe không dán. Lúc mở cửa, hơi nóng từ bên ngoài ập vào người, điều này khiến không ít chủ xe mất niềm tin vào phim.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Hòa, đỗ dưới nắng lâu, trong điều kiện an ninh cho phép, lái xe nên hạ thấp kính cửa để không khí có thể lưu thông. Khi nhiệt độ môi trường bên ngoài thấp hơn trong xe, hơi nóng sẽ thoát ra ngoài qua khe thoáng giúp giảm nhiệt cho ca-bin.
Ôtô thường kết cấu vát, vuốt nhỏ dần từ thân lên nóc. Ca-bin sẽ ướt nếu xe hạ thấp kính mà gặp mưa. Vì thế, cần lắp thêm vè che mưa. Khi bắt buộc phải ngồi trong xe lúc đang nóng, tài xế nên hạ kết kính, lái xe vài chục mét để lùa khí nóng ra ngoài, rồi sau đó mới bật điều hòa. Phương pháp này giúp xe mát nhanh, bảo vệ điều hòa, đồng thời cũng tiết kiệm nhiên liệu.
Thế Hoàng
Nguồn: VnExpress