14h30 ngày 29/10/2004, sân bay Nội Bài báo động khẩn cấp. Phi công chiếc A321 số hiệu 830 của Vietnam Airlines đang bay từ Bangkok về báo: Máy bay gặp sự cố, một mảnh lốp đã bị vỡ khi cất cánh.
Những kiểm soát viên có kinh nghiệm ở Trung tâm Quản lý bay miền Bắc ngay lập tức hiểu rõ vấn đề. Cũng chỉ vì vấp phải một thanh kim loại mà thảm họa đã xảy ra ở sân bay quốc tế Charles De Gaulle (Pháp) năm 2000, đánh dấu chấm hết cho loại máy bay Concorde!
Khi ngàn cân treo sợi tóc
Lệnh báo động được truyền ngay tới đội khẩn nguy cứu nạn sân bay Nội Bài. Chỉ còn khoảng hơn một tiếng nữa chiếc Airbus 830 chở hơn 140 hành khách sẽ hạ cánh.
Trong vòng 2 phút, tất cả các phương tiện cứu hộ tại chỗ đã dàn xong đội hình sẵn sàng cho “giờ G”. Thấy tình huống nghiêm trọng, đội khẩn nguy cứu nạn sân bay quyết định áp dụng ngay phương án cứu nạn cấp 9 (cấp cao nhất).
Điện yêu cầu hỗ trợ được đánh đến các điểm đỏ trên bản đồ. 15 phút sau, đội cấp cứu, cứu hỏa huyện Đông Anh, cứu hỏa quân đội... có mặt tại Nội Bài.
Trong khi đó, hành khách đang đi trên máy bay vẫn không hề biết. Một chấn động không mạnh khi cất cánh khiến họ chỉ nghĩ đến cảm giác xóc hay gặp khi máy bay rời mặt đất.
Nhưng khi gần về đến Nội Bài, chuẩn bị hạ cánh thì phi công phát hiện: càng bánh máy bay không thể hạ được! Nghĩa là chỉ còn một cách: hạ cánh trực tiếp bằng bụng máy bay. Với tốc độ hàng trăm km/giờ từ trên không lao xuống, ma sát giữa máy bay với đường băng bêtông gần như chắc chắn xảy ra khả năng cháy nổ.
Sau khi báo xuống mặt đất trục trặc mới, phi hành đoàn buộc phải thông báo với hành khách sự thật tình huống đang gặp phải để tiếp viên hướng dẫn họ cách thoát hiểm trong trường hợp máy bay... hạ cánh được.
Ban đầu hành khách không tin. Rồi bàng hoàng. Vài giây sau, họ bắt đầu hốt hoảng. Có người cố đòi gọi điện về nhà... lần cuối. Có người run rẩy cầu nguyện, cũng có người khóc bật lên thành tiếng. Không khí cực kỳ căng thẳng. Người ta bắt đầu có cảm giác sắp nổ tung.
Bộ phận quản lý bay lập tức thông báo sự cố mới trên máy bay đến đội khẩn nguy cứu nạn. Một tình huống vô tiền khoáng hậu đã xảy ra.
Lần đầu tiên trong lịch sử gần 50 năm hoạt động, đội khẩn nguy cứu nạn sân bay Nội Bài phải sử dụng loại form cứu hỏa trải lên 300m đường băng, dày hàng chục centimet để giảm ma sát có thể gây phát hỏa, phát nổ khi máy bay hạ cánh bằng bụng.
Hành khách đang ngồi phòng chờ ở nhà ga T1 xôn xao. Tổng giám đốc Cụm Cảng hàng không miền Bắc đã có mặt để chỉ huy.
Hơn 15h, đội khẩn nguy cứu nạn đề nghị máy bay phải xả bớt xăng. Nếu phải tiếp đất bằng bụng thì lượng xăng tồn rất dễ biến máy bay thành quả bom và sẽ không thể nào dập lửa được.
Yêu cầu theo đúng quy phạm ngành hàng không, máy bay lập tức nghe lệnh, xả xăng ở địa phận tỉnh Hà Tây. Nhưng khi sắp hạ cánh theo tư thế trườn bụng, đài chỉ huy bay phát hiện càng máy bay vẫn hạ trong khi phi công khẳng định đèn báo càng không sáng.
Quyết định cuối cùng: hạ cánh bằng càng, với chiếc bánh đã bị văng mất một mảnh. Máy bay phải bay vòng lên, đảo quanh sân bay Nội Bài. Tiếp viên trên máy bay yêu cầu tất cả hành khách ngồi theo tư thế đặc biệt, người hướng ra phía trước, cúi xuống. Ai có những vật nhọn, dễ cháy, cứng phải bỏ hết ra khỏi người...
Vài người hốt hoảng, ngất lịm. Dưới đất, đội khẩn nguy cứu nạn nhanh chóng triển khai... dọn lớp form bọt chống cháy vừa rải. Tất cả xe cứu hỏa, cứu thương xếp thành đội hình hai hàng dọc theo đường băng.
Và khung cảnh ngoạn mục hiếm thấy đã xảy ra. Khi máy bay vừa chạm bánh xuống mặt đất, tám chiếc xe cứu hỏa hú còi đuổi theo hai bên, sau nữa là xe cứu thương và các bộ phận khác.
Máy bay lao vun vút, vừa dừng lại thì nước và bọt cứu hỏa phun ào ào. Theo tình huống khẩn cấp, phi công mở tất cả tám cửa, bung đệm khí. Hành khách hớt hải nhảy xuống rồi chạy tản ra tứ phía.
Rất may, cuối cùng máy bay cũng an toàn. Chỉ một vài hành khách bị xây xát nhẹ, được cứu chữa ngay tại chỗ. Thảm họa đã không xảy ra.