PHẦN IV: VƯỢT KHÓ
BỞI DO THANH LUAN ĐĂNG VÀO THÁNG BẢY 20, 2023
1. Hoàn Cảnh Và Sự Dễ Dàng
Hồi tôi còn nhỏ có một câu nói của các cụ hồi đó nói về nuôi dạy con “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng những năm gần đây tôi không còn nghe về câu nói đó nhiều nữa thay vào đó là cụm từ “làm những điều thấy thích, thấy thoải mái”.
Chúng ta du nhập ở Phương Tây về việc những đứa trẻ cần tự do, tự tin, thoải mái làm những điều chúng thích. Phương tây họ dạy như thế không sai, trước đây họ là con nhà giàu, lớn lên đã không phải lo lắng về ốm đau thế nào, đi học thế nào, mua nhà thì cần đi làm vài năm là được. Cuộc sống tuần làm việc 4 ngày, chiều 3h30 đã uống trà, đạp xe tận hưởng cuộc sống thì cần quái gì phải cố gắng. Thế nhưng mà đó chỉ là trước đây thôi, nhà giàu mà con ăn nhiều hơn làm thì giàu mấy cũng hết. Và bây giờ chúng ta nhìn thấy một Châu Âu cực kỳ khó khăn thế nào. Ông Ả Rập mà học theo thì sau này cũng thế.
Trong khi nhìn lại thì Việt Nam mình là nước đang phát triển, hay nói trắng ra là nước nghèo. Con cái không trách cha mẹ nghèo, nhân dân không trách đất nước nghèo. Nhưng mà phải biết mình đang ở đâu để mà cố gắng. Nếu Châu Âu bạn cần 5 – 7 năm để mua được nhà thì ở Việt Nam bạn cần 25 năm trong một môi trường mà chính sách xã hội, y tế ít hơn rất nhiều. Vậy nên có học thì hãy học các học sinh nghèo vượt khó như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước có hệ thống văn hoá khá tương đồng với Việt Nam và điều kiện kinh tế cũng khá giống Việt Nam. Mấy năm trước đang nghèo mà ông người lớn cũng muốn cân bằng, giờ vẫn đang nghèo đến ông trẻ con cũng muốn cân bằng??? Trẻ con cần có tuổi thơ? Học nhiều cho đầu to mắt cận?
Bản chất con người đều là lười. Tây, Ta, Tàu cũng thế cả thôi. Thử hỏi một đứa trẻ xem nó có thích đi chơi hay đi học? Nó thích tập thể thao hay nằm ở nhà xem tivi? Đa phần là thích chơi, kể cả những đứa trẻ thích học thì nó cũng phải qua một quá trình rèn luyện công phu của cả gia đình chứ bản năng nó cũng không phải như thế.
Nếu cứ tự do, cứ tự tin, cứ làm điều mình thích thì rồi mọi thứ sẽ ra sao? Đôi khi những thứ đó là cái bẫy để biện minh cho sự thiếu cố gắng. Tự do làm điều mình thích nhưng làm vài hôm lại chán, rồi lại đổi. Đó không phải tự do – đó là lười cố gắng, không chịu chấp nhận những khó khăn mà mình gặp phải trên con đường để rồi lại đổi sang con đường khác.
Quả ngọt thường nằm bên kia con dốc, vì đơn giản quả ngọt bên này con dốc người ta hái hết rồi. Thành công nó gọi là thành công vì đó là điều ít người làm được chứ nếu ai cũng làm được điều đó thì đó lại là điều bình thường.
Những thứ dễ dàng, chóng vánh đang như một liều thuốc độc, ngấm ngầm tàn phá cả xã hội từng giây từng phút.
Làm giàu cũng muốn dễ dàng, học tập cũng muốn dễ dàng đến cả giải trí cũng muốn dễ dàng nhưng mà rõ ràng là cái xã hội này không có gì là dễ dàng cả.
Bản năng não bộ là tiết ra dopamine như một phần thưởng cho quá trình cố gắng. Vài chục năm gần đây chúng ta xem phim, chơi game như một cách giải trí (dopamine ảo). Gọi là dopamine ảo vì dopamine thật nó vốn sinh ra trong một quá trình dài nỗ lực. Bạn phải phấn đấu lên tù trưởng thì dopamine mới max, nhưng giờ chơi một game thôi lên bang chủ dopamine cũng được ½ nhưng cố gắng chỉ còn 1/10.000. Nhưng chính cái dopamine ảo đó lại cũng ngày càng dễ dàng. Chơi game cũng phải chơi ngắn thôi nhanh thôi, từ một game Dota 40 – 50 phút thì Liên minh huyền thoại (LOL) còn 30 phút rồi Liên Quân (chơi trên điện thoại) còn 15 phút. Rồi vài năm gần đây các loại “tóm tắt sách”, “tóm tắt truyện”, “tóm tắt phim” ra đời. Mọi thứ cứ chóng vánh hơn như con nghiện cần liều mạnh hơn, nhanh hơn mỗi ngày.
2. Sự Thay Đổi Của IQ, EQ, AQ
Xã hội luôn vận hành theo cách tôn vinh những nhiều nó thiếu hoặc không đạt được.
Chúng ta sinh ra các hệ thước đo để cổ vũ và xác định tiềm năng thành công tương lai của một con người.
Thời nguyên thuỷ chúng ta nói về sức mạnh thể chất: Dĩ nhiên chúng ta cần sức mạnh thể chất để săn con voi ma mút tốt hơn (hoặc chạy nhanh hơn không bị nó thịt).
Giai đoạn công nghiệp tầm 100 năm trước: Người ta nói nhiều về trí tuệ, tất nhiên chúng ta cần trí tuệ và thông minh để phát minh, khai sáng thêm các thành tựu vậy nên IQ trở thành một tiêu chí quan trọng của thời kỳ này.
Khoảng hai mươi năm hoà bình gần đây người ta nói nhiều hơn về EQ – Trí tuệ cảm xúc: một tiêu chí đánh giá về sự thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác như một tiêu chí thành công quan trọng hơn IQ.
Còn gần đây mọi người đang đưa AQ (chỉ số vượt qua nghịch cảnh) lên như một yếu tố hàng đầu để xác định tiềm năng của mỗi con người.
Giờ nếu chúng ta nhìn ngược lại, tại sao mỗi thời kỳ lại một chỉ số được ưu tiên lên? Đáp án là vì chúng ta thiếu điều đó.
Cái ông đi săn voi ma mút có thông minh không? Có chứ vì ông ấy biết dung công cụ luôn cơ mà.
Rồi ông đi săn voi ma mút tâm ông có tĩnh không, giao tiếp có vui vẻ với nhau không? Có chứ không khác gì quân đội đâu, phân công mọi thứ chia sẻ kết nối đủ kiểu.
Rồi ông săn voi ma mút có vượt khó được không? Cái thời đại này hay nói mình biến động rồi VUCA này nọ nhưng không phải đâu, thế giới vẫn luôn biến động và bất định thậm chí thời đại chúng ta là nhẹ nhàng và ổn định nhất rồi. Ông săn voi ma mút còn không có dự báo thời tiết để mà biết mai mưa hay nắng, không biết đang đi rừng có đàn sư tử chạy qua hay không? Họ vươn lên trong nghịch cảnh rồi nên AQ là yếu tố đương nhiên và bản năng rồi.
Giai đoạn IQ cũng thế? Đoạn này chiến tranh liên tục, ai chả khổ, chả khó. Giai đoạn này vượt khó là điều đương nhiên. Mà khổ, khó thì tâm cũng phải tĩnh rồi kết nối nếu không là chết. Vậy nên cái EQ, AQ họ là bắt buộc rồi nên họ nói họ cần IQ.
Giai đoạn EQ thì hoà bình rồi IQ vẫn là cần thiết, nhưng khổ nỗi hoà bình nhẹ nhàng rồi thì con người lại có xu hướng buông lỏng, thả trôi cảm xúc nhiều hơn nên EQ nó tụt, mà không có EQ – không có việc kiểm soát cảm xúc và thấu cảm thì IQ cũng không có hoạt động được. Vậy nên EQ giai đoạn này được nói là quan trọng.
Giờ đây, chúng ta nói về AQ – chỉ số vượt khó như một chỉ số sống còn, vì sao thế? Vì cả xã hội đang bị thiếu AQ.
Thiếu AQ là cái gì hơi khó là bỏ, thiếu AQ là buông xuôi hết bản thân thì từ đó EQ, IQ lấy đâu ra. Mua một quyển sách về nhưng đọc thấy lười quá, lại bỏ xuống thì ở đâu ra IQ. Ngồi cafe với bạn thì tâm nó không ở đó mỗi người cầm một cái máy điện thoại thì ở đâu ra EQ. Đêm cố gắng đi ngủ sớm nhưng cầm máy điện thoại không bỏ, sáng dậy vật vờ thì thể lực yếu, dễ cáu gắt, trí tuệ giảm sút thì lấy đâu ra thể chất, EQ, IQ.
AQ là nguồn gốc của mọi thứ trí tuệ tiếp theo, chỉ khi chúng ta kỷ luật được bản thân thì các trí tuệ khác mới xuất hiện.
3. Giới, Định, Tuệ
Những điều trên là theo logic của Phương Tây, còn triết học Phương Đông Phật Pháp có dạy rằng: Giới -> Định -> Tuệ.
Tức là giữ kỷ luật với các giới (được hiểu là các điều luật đã được giao) thì tâm mới định, khi tâm định thì trí tuệ mới nảy nở. Nó cô đọng và xúc tích hơn nhiều so với phần trên tôi giải thích.
Nhìn chung giai đoạn này là một giai đoạn xã hội đang thoái trào khi ý chí bị bào mòn bởi các chất gây nghiện thời đại mới và sự buông lỏng của bản thân.
Chúng ta đang bị đầu độc mỗi ngày!
4. Vượt Khó
Chìa Khoá Của Vượt Khó Là Ý Chí
Nói rèn luyện khả năng vượt khó chi bằng nói là rèn luyện ý chí. Hãy cố gắng rèn luyện ý chí từ những chuyện nhỏ nhất, bằng cách “LÀM NHỮNG ĐIỀU MÌNH KHÔNG THOẢI MÁI”.
Hãy cố gắng từ những việc nhỏ nhất, hãy đặt ra cho mình một quy tắc (giới) và cố gắng theo đuổi nó.
Rèn luyện ý chí, chiến thắng bản thân là một cuộc kéo co cả đời, đừng bỏ qua bất kỳ một cơ hội nhỏ nào để dành lợi thế. Ý chí không chỉ đến từ những điều lớn lao như chạy 42 km, thi Iron Man hay giữ những giới luật nghiêm khắc nào đó. Mà đôi khi nó đến từ những điều nhỏ nhoi rồi sau đó tăng dần, tăng dần.
Đợt rồi tôi có đọc một bài của một bạn khi làm thử thách 365 ngày tắm nước lạnh, khi đọc tiêu đề tôi theo bản năng kéo xuống để tìm hiểu lập luận của bạn ấy về việc tắm nước lạnh có thể là tốt cho sức khỏe, tăng lưu thông máu v.v…
Nhưng không, bạn ấy làm điều đó chẳng với một căn cứ khoa học nào backup cả. Bạn ấy làm điều đó chỉ vì nó khó. Bạn ấy tự đặt ra các luật của bản thân và bắt mình phải thực hành theo. Suy cho cùng việc tắm nước lạnh mỗi ngày là việc không ảnh hưởng đến sức khoẻ và bạn có thể làm được mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai hay hoàn cảnh nào, phải không?
Cũng như vậy, khi bạn bắt đầu làm một việc khó hãy nhớ rằng bạn không chỉ có lợi ích từ việc đó mà bạn còn có lợi ích của việc rèn luyện ý chí nữa.
Xách mông lên đến phòng tập không chỉ rèn luyện thể chất, mà mỗi lần như vậy bạn còn rèn luyện ý chí của bản thân.
Đọc trọn vẹn một quyển sách thì ngoài kiến thức ở đó bạn còn đang rèn luyện ý chí.
Hãy chọn những việc khó để làm miễn là nó không nguy hiểm đến bản thân. Bạn phải hiểu rằng cơ chế chúng ta sinh ra là chọn việc dễ để làm, nó là bản năng được di truyền từ một lịch sử khó khăn của phát triển loài người. Nhưng bản năng là bản năng, khắc chế được bản năng đó là bản lĩnh.
Hãy bắt đầu từ những việc bé nhất có thể như:
Tắt điện thoại khi đi cafe với nhau.
Đọc một quyển sách trọn vẹn.
Chuyển việc tiêu thụ các thông tin nhanh như tiktok, review, tóm tắt sang các nội dung dài hơn.
Tập một môn thể thao nào đó và theo đuổi nó.
Hay đơn giản chỉ là xem hết một tập phim mà không tua (tin tôi đi cũng khoai đấy).
Bất kỳ điều gì, hãy bắt đầu.
Mỗi một lần chúng ta không thoả hiệp với chính mình, ý chí chúng ta sẽ mạnh lên. Nó cứ mạnh dần, mạnh dần theo thời gian và từ đó các loại trí tuệ nảy sinh. Một thời gian sau chúng ta sẽ giật mình về kiên cường và thích nghi của chính mình.
Hứng Thú Là Kẻ Thù Của Vượt Khó
Hào hứng với một điều gì đó là tốt, nó sẽ giúp chúng ta bắt đầu nhưng hãy nhớ nếu động lực là sự hào hứng thì bạn sẽ dễ từ bỏ khi mà sự hào hứng đó không còn hoặc khó khăn xuất hiện.
Tối nay tôi xem một clip truyền động lực rất hay trên Youtube, tôi quyết định ngày mai sẽ bắt đầu chạy bộ mỗi ngày. Tôi chạy được 1 tuần thì sự hào hứng đó dần biến mất, cơn đau trỗi dậy và con ma lười nó cứ rỉ tai tôi mỗi ngày về việc tại sao tôi phải làm điều này, và rồi ngày thứ 8 trời mưa….và tôi từ bỏ.
Vậy đấy, sự hào hứng chỉ giúp chúng ta bắt đầu và thực sự nó chả quan trọng gì ở đây cả thậm chí còn gây hại. Động lực bền vững nên đến từ ý chí bên trong.
Tao sẽ chạy bộ vì tao biết nó khó vl, tao làm điều này vì tao không thoải mái vì tao muốn thử thách bản thân, chỉ vậy thôi.
Hãy tưởng tượng vượt khó như một hành trình bạn bơi ra biển còn sự hứng thú như con thuyền đưa bạn đi. Vấn đề con thuyền này có thể biến mất bất cứ lúc nào.
Nếu không có con thuyền hứng thú bạn sẽ bắt đầu từ trên bờ và bơi dần ra từ mực nước thấp đến mực nước cao dần, từ gần đến xa dần. Bạn có thể dừng lại, nghỉ ngơi và thích nghi bất kỳ thời gian nào phù hợp với bản thân. Còn nếu sử dụng con thuyền của sự hứng thú, nó sẽ chở bạn vèo một cái ra 100m ngoài khơi và rồi…con thuyền biến mất. Ta bơ vơ, chơi vơi khi động lực mất đi mà bản thân chưa kịp thích nghi với hoàn cảnh và rồi chúng ta bỏ cuộc, dừng lại lần này đợi hứng thú cho một lần hải trình tiếp theo để bắt đầu và vòng lặp cứ thế xuất hiện.
Biểu hiện của nó là đăng ký buổi tập rồi tập 7 ngày/tuần và sẽ dừng ở tuần thứ 2. Là mua một chồng sách về trong sự hứng khởi và dừng lại ở ⅓ quyển một.
Vậy nên hãy cẩn trọng với sự hứng thú, đó không phải là một động lực đúng đắn.
5. Kết Bài
Hoàn cảnh khó khăn sẽ hun đúc ý chí mạnh mẽ. Ý chí mạnh mẽ sẽ tạo ra hoàn cảnh dễ dàng. Hoàn cảnh dễ dàng sẽ làm ý chí yếu đuối. Ý chí yếu đuối sẽ tạo ra hoàn cảnh khó khăn. Cái vòng lặp đó bao nhiêu đời vẫn vậy, chả thế mà ông bà mới nói “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Nhưng hãy nhìn đâu đó vẫn có những thế hệ giàu nhiều đời vì họ biết cách hun đúc ý chí ngay cả trong hoàn cảnh dễ dàng
Không phải tự nhiên mà lý thuyết về Giới -> Định -> Tuệ được xuất hiện rất nhiều lần ở nhiều hình thái khác nhau trong các hệ thống tôn giáo, triết học như Phật Giáo, Đạo Giáo, Khắc Kỷ v.v… có khác nhau chỉ là mỗi hệ thống lại có những Giới khác nhau mà thôi. Toàn các trí tuệ của Thánh Nhân được lưu truyền hàng nghìn năm rồi nên mình cứ thế thực hành theo là được.
Rèn luyện ý chí là việc khó, hãy bắt đầu từ việc nhỏ, thử thách dần. Một thời gian sau chúng ta sẽ thấy bản thân ở một phiên bản rất khác.
Một ý chí tốt sẽ giúp chúng ta đương đầu với mọi thử thách, đạt được mọi thành công mà chúng ta muốn. Ý chí đến đâu – con đường đến đấy.
Anh chuyên viên
Thanh Hóa – 20/07/2023