Đạn cối 81mm dẫn đường bằng GPS
Cập nhật lúc :9:53 AM, 09/02/2012
Các chuyên gia quân sự Anh và Mỹ vừa thử nghiệm thành công loại đạn cối mới, được điều khiển bằng tín hiệu định vị.
(ĐVO) Hai tập đoàn công nghiệm quốc phòng hàng đầu thế giới là BAE Systems của Anh và General Dynamics của Mỹ cùng nhau hợp tác phát triển, thử nghiệm thành công loại đạn cối 81mm có điều khiển mới (Roll Controlled Guided Mortar - RCGM) có độ chính xác cao và giá cả phải chăng.
Theo
Defense – update, hai công ty này đã và đang hoàn thiện công nghệ đạn cối dẫn đường trong 12 tháng qua và sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm chiến thuật vào đầu năm nay.
Trong tháng 10/2011, General Dynamics và công ty Alliant Techsystems (ATK) cũng loan báo, nhóm chuyên gia hợp tác giữa hai công ty này đã phát triển thành công loại đạn cối dẫn hướng 120 mm tương tự và được gọi là Hệ thống hỗ trợ tấn công cho cho Lực lượng viễn chinh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (Expeditionary Fire Support System - EFSS).
Nguồn tin cho biết, việc hợp tác phát triển đạn cối có điều khiển giữa công ty của Mỹ với hãng BAE Systems của Anh nhằm triển khai loại vũ khí này phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Anh và một số nước đồng minh khác.
Sự kết hợp giữa công nghệ dẫn đường GPS và công nghệ điều khiển ổn định cánh lái canard (Roll Controlled Fixed Canard - RCFC) đã được cấp bằng sáng chế của General Dynamics đã tạo ra khả năng tấn công chính xác cho loại đạn cối mới dù chúng vẫn dùng hai loại ngòi nổ L41 của Anh và M734A1 của Mỹ,
"Bằng cách sử dụng đầu đạn và ngòi nổ chi phí thấp có sẵn và hệ thống dẫn hướng bằng GPS, chúng tôi có thể cung cấp một loại vũ khí hiện đại với giá cả hợp lý cho Quân đội Mỹ, Anh và các đồng minh", ông Michael Wilson, Chủ tịch Tập đoàn General Dynamics cho biết.
Các binh sỹ Mỹ thử nghiệm loại đạn cối dẫn đường bằng GPS mới.
Với công nghệ mới, hiệu quả chiến đấu của binh lính sẽ được tăng lên đáng kể, ông Lan Anderton, Giám đốc quản lý của BAE Systems nói: "Độ chính xác của hệ thống đã được tăng lên, giúp việc tấn công mục tiêu nhanh hơn, chính xác hơn và hiệu quả hơn cũng như giảm được khoảng 30% các nhu cầu về hậu cần trong một nhiệm vụ chiến đấu chiến thuật".
Theo các nhà thiết kế, hệ thống hỏa lực RCGM sẽ điều khiển đầu đạn bắn trúng mục tiêu ngay phát bắn đầu tiên, với bán kính phá hủy rộng do sử dụng đầu đạn phá mảnh. Do đó, khả năng tiêu diệt và sát thương binh lính đối phương sẽ tăng lên đáng kể nhưng lại tiết kiệm được cơ số đạn dược. Các binh sĩ sẽ có thể nhanh chóng triển khai và tấn công các mục tiêu trong điều kiện chiến tranh cường độ cao.
Quân đội Mỹ dự định sẽ ưu tiên loại đạn cối mới cho các đơn vị nhỏ, cỡ phân đội.
Ngay cả trường hợp sử dụng vũ khí tấn công có giá đắt đỏ như tên lửa Javelin (khoảng 40.000 USD/tên lửa), thì một số đặc điểm của vũ khí này không đáp ứng được yêu cầu tác chiến. Việc phóng tên lửa chống tăng chỉ có thể thực hiện khi mục tiêu trong tầm nhìn, hoặc xa hơn vài kilomet khi sử dụng kính ngắm quang học. Hơn nữa, đầu đạn của tên lửa Javelin là loại chống tăng, ít hiệu quả khi chống lại bộ binh. Thêm vào đó, cùng một trọng lượng của vật liệu nổ, tên lửa Javelin nặng hơn gần 6kg so với đạn cối 81mm.
Trang
Topwar của Nga nhận định: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một loại đạn cối của pháo binh cho hiệu quả chiến đấu cao mà không quá tốn kém.
So với các khẩu pháo cỡ nòng tương tự, RCGM 81mm có trọng lượng nhẹ hơn nhiều lần, cho phép sử dụng trong các đơn vị bộ binh vũ trang nhẹ. Tuy nhiên, nó vẫn gặp phải một số nhược điểm như yêu cầu hiệu chỉnh mất khá nhiều thời gian. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại với tốc độ cao hiện nay thì điều này là chưa phù hợp. Chắc chắn trong thời gian tới, các chuyên gia Anh, Mỹ sẽ tiếp tục hoàn thiện và khắc phục những nhược điểm của đạn cối mới, nó sẽ là một thứ vũ khí đáng sợ đối với bộ binh của đối phương trong tương lai.