Ai thẩm định, phê duyệt cho Mã Pì Lèng Panorama “sửa sai” kiểu thách thức?
Cập nhật lúc: 06:35 28/12/2020
Kiến Thức) - Công trình nhà nghỉ, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama từng gây bức xúc dư luận khi xây dựng không phép và phá hoại cảnh quan thiên nhiên đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế, nay tiếp tục khiến dư luận phản ứng sau cải tạo lại hoành tráng, đồ sộ hơn trước.
"Sửa sai" kiểu thách thức?
Hình ảnh
Mã Pì Lèng Panorama mới đây được đăng tải cho thấy, công trình đang trong quá trình cải tạo nhưng vẫn mở cửa đón khách dừng chân ngắm cảnh. Công trình cải tạo theo hướng sơn sửa lại các tầng giật cấp thành màu xám đá, cải tạo phần nổi trên mặt đất theo kiến trúc truyền thống và được lợp bằng mái Thái.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ, quy mô xây dựng của Mã Pì Lèng Panorama sau cải tạo lại bành trướng, đồ sộ hơn trước. Thay vì đập bỏ một tầng nổi trên mặt đất như UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu, công trình hiện tại vẫn giữ hai tầng nổi trên mặt đất và thêm một tầng áp mái. Kết cấu công trình vẫn giữ nguyên 7 tầng nhà gồm 2 tầng nằm trên mặt đường và 5 tầng xây dọc xuống sườn núi.
|
Hình ảnh so sánh công trình Mã Pì Lèng Panorama trước và sau cải tạo. |
Nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ sự thất vọng và bức xúc bởi
Mã Pì Lèng Panorama "sửa sai" nhưng theo kiểu thách thức.
Bởi trước đó, công trình tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) mọc ngay điểm ngắm vực Tu Sản - vực nước sâu kỳ vĩ nhất Đông Nam Á được xác định là công trình “bốn không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTTDL.
Công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Từ một công trình sai phạm, lẽ ra phải được phá bỏ để trả lại cảnh quan nguyên trạng chứ không thể "phạt cho tồn tại”, Mã Pì Lèng Panorama đã được Hà Giang đã hợp thức hóa thành điểm dừng chân ngắm cảnh do vị trí xây dựng công trình trùng với quy hoạch xây điểm dừng chân ngắm cảnh được UNESCO phê duyệt.
Tháng 10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phương án xử lý đối với công trình sai phạm này là phá dỡ 6 tầng, cải tạo phần còn lại làm điểm dừng chân ngắm cảnh. Phương án này được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đồng ý. Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết cải tạo công trình thành điểm dừng chân nhưng hầu như giữ nguyên kết cấu của công trình nhiều tầng này, chỉ đập bỏ một tầng nổi trên mặt đất.
Tháng 8/2020, tỉnh Hà Giang chỉ đạo cải tạo công trình. Theo đó, Panorama Mã Pì Lèng chỉ bị phá dỡ một phần mái nhô ra phía sông Nho Quế, các góc che khuất tầm nhìn người đi đường. Về cơ bản quy mô công trình không thay đổi. Từ một công trình sai phạm, chủ đầu tư nay được phép quyền quản lý công trình này để khai thác phục vụ thành điểm dừng chân ngắm cảnh.
Tuy nhiên, sau khi cải tạo công trình, thay bằng cải tạo công trình hài hòa cảnh quan Mã Pì Lèng, đúng kiến trúc của một điểm dừng chân, mang yếu tố văn hóa bản địa, phần kiến trúc nổi trên mặt đất của công trình Mã Pì Lèng Panorama vẫn lớn hơn so với một điểm dừng chân ngắm cảnh và vẫn lấn át cảnh quan xung quanh. Dù đã cố gắng sơn màu xám đá nhưng phần kiến trúc nổi của công trình vẫn gây phản ứng trong dư luận khi không phải là mái âm dương kiến trúc bản địa mà thay bằng mái Thái với xà gồ thép có độ dốc không hợp lý.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo huyện Mèo Vạc khẳng định công trình Mã Pì Lèng Panorama xây dựng đúng quy định vì đã xin tư vấn của các ngành và Trung ương. Tuy nhiên, những hình ảnh thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập tại công trình này về mặt kiến trúc, cảnh quan.
Trước đây, tỉnh Hà Giang từng nêu quan điểm, không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, để công trình trái phép mọc lên, chưa cán bộ nào bị xử lý, hơn nữa, theo quy định, bất cứ công trình nào nếu xây dựng trái phép thì cũng sẽ phải bị xử lý nghiêm, buộc phải tháo dỡ chứ không chỉ đơn giản là cho sửa chữa để tồn tại.
Hà Giang đã “xé rào” cho công trình trên tồn tại, nay lại tiếp tục cho phép công trình khắc phục không đúng yêu cầu đặt ra. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu. Dư luận đặt ra câu hỏi: Ai thẩm định, phê duyệt cho Mã Pì Lèng Panorama "sửa sai" kiểu thách thức?
Bởi công trình Panorama không chỉ vấn đề cảnh quan, di sản mà còn đặt ra vấn đề về kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý xây dựng. Ở đây không chỉ là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”, “công trình vượt qua sự quản lý của chính quyền địa phương” mà còn là chuyện xử lý hậu sai phạm. Không thể cứ sai phạm là cho tồn tại theo hướng sửa sai và càng không thể để tình trạng sửa rồi mà vẫn không phù hợp. Một việc không quá khó và không quá lớn nhưng càng làm càng thấy “rối như canh hẹ” và việc dư luận bức xúc cũng là điều không khó để lý giải.
Hà Giang khẳng định Mã Pì Lèng Panorama cải tạo đúng
Liên quan đến những hình ảnh công trình Mã Pì Lèng Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), sau khi chỉnh trang, cải tạo có phần bề thế hơn trước đây lan truyền trên mạng xã hội, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã lên tiếng trên VOV giải thích về vấn đề này.
"Nhà hàng Panorama sau cải tạo 'đã thực hiện đúng phương án được UBND tỉnh phê duyệt, trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư trong buổi làm việc hồi tháng 3/2020.
Nhà hàng chỉ cải tạo chứ không phá dỡ. Hầu như tất cả những du khách đến đây đều chấp nhận phương án này, là để chỗ người ta ngắm cảnh. Còn các quy định không lưu trú, chủ nhà hàng cũng đã đã chấp hành” - ông Quý phân trần trên VOV.
|
Theo quan sát thì công trình vẫn chưa được chỉnh sửa hoàn thiện như trong phương án cải tạo được đề xuất theo bản thiết kế Chủ đầu tư công trình, bà Vũ Thị Ánh đưa ra hồi tháng 4/2020. |
Phương án này đã được UBND tỉnh Hà Giang thông qua sẽ bỏ đi một tầng phía bên trên, một số sàn thì cắt bớt đi không để phòng nghỉ ở đó nữa, chỉ có cafe và chụp ảnh. Quan trọng là không cho lưu trú.
Công trình sẽ phải cắt giảm theo tính toán các hệ mái đua ra để không chắn tầm nhìn từ cung đường QL4C từ cả hai hướng tiếp cận.
Khối công trình giật cấp men theo sườn đồi phải đục bỏ theo thiết kế các mảng tường bao che, để lại hệ khung bê tông cốt thép và một số diện tường. Dỡ bỏ phần mái đua ra ở các cốt cao độ: 0.000, -2.500, -5.000. Riêng cao độ 0.000 chỉ tháo dỡ một nửa hệ mái để không gây đột biến cao độ giữa Khối đón tiếp và phần công trình còn lại. Các diện tường còn lại được ốp đá phiến, các sân ngắm cảnh được bao quanh bởi lan can xây tường ốp đá và lan can sắt theo thiết kế, sàn lát đá hoặc trải cỏ nhân tạo.
Hiện ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã chỉ đạo Cục di sản văn hóa xem xét việc cải tạo nhà hàng Panorama theo đúng quy định.