Chúng tôi bắt đầu chuyến đi làm từ thiện vào những ngày đầu tháng 7 giữa mùa hè chói chang, rực rỡ. Điểm đến đầu tiên là Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thuỵ An, thuộc xã Thuỵ An, Ba Vì, Hà Tây. Trong cuộc hành trình làm việc thiện này, các thành viên của OtoFun (OF) chúng tôi hy vọng, với những món quà nhỏ bé mà hữu ích, với tình cảm chân thành, gần gũi, sẽ góp phần xoa dịu phần nào nỗi bất hạnh của những mảnh đời không may mắn.
4 chiếc quạt cây, 3 thùng sữa Farley, 1 thùng bột cho trẻ ăn dặm, 10 thùng mỳ, phở ăn liền, 3 thùng sữa đặc có đường, bỉm, khăn mặt, thuốc men, quần áo và số tiền trị giá 2.000.000 đồng, đó là những gì chúng tôi mang theo để làm quà cho các cụ, các bác và các cháu bé. Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An đón chúng tôi với tất cả sự nhiệt tình đến rơi nước mắt. 124 đứa trẻ nơi đây đều là những em tàn tật, mồ côi, chủ yếu là trẻ em lang thang hoặc bị bỏ rơi trên hè phố Hà Nội được đưa về đây. Trong số 124 cháu thì chỉ có 30 cháu đi lại và nói năng được, nhưng cũng chỉ là nói những từ ngữ đơn giản như là tên các con vật… Số còn lại, toàn các em liệt người, bại não, suốt ngày nằm thiêm thiếp trên giường hoặc ngồi bất động trên ghế. Đó là trẻ con, còn với 146 người lớn tại Trung tâm thì có tới 100 cụ già, trong đó gần 50 cụ là người tàn tật. Về với trung tâm, được chăm sóc, giúp đỡ đấy nhưng cái nghèo, cái buồn làm sao vợi bớt? Vì vậy, khách đến với Trung tâm ai cũng là khách quý. Mà đã là khách quý thì chủ nhà ai cũng gắng trổ hết tài để tiếp khách. Chúng tôi, những người may mắn được tạo hóa ban tặng cho một thân hình lành lặn, một cuộc sống đầy đủ vật chất, hôm nay được đến đây, được tận mắt chứng kiến những cảnh ngộ éo le của cuộc đời, không ai cầm được nước mắt. Hãy nghe những cảm nhận của thành viên OF. Đầu tiên là bạn Libor: “Đây là một chuyến đi thật cảm động khiến chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Các cháu bị tật nguyền đã đón tiếp đoàn bằng nhiều bài hát, múa... Có cháu cụt cả 1 tay, 1 chân vẫn múa như các bạn bình thường... Còn cháu đánh đàn oc-gan thì 1 bàn tay chỉ có 3 ngón, tay kia 1 ngón... nhưng chơi đàn thì thật điêu luyện, hát thật hay...” Còn đây là những suy nghĩ của Vietvoiz : “Những em bé này đã bị mồ côi, nhưng bất hạnh hơn là còn bị tật nguyền, vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội được nhận làm con nuôi, và sẽ ở lại đây cho đến khi lìa bỏ cõi đời. Bất hạnh hơn, có những em đã bị HIV đang nằm chờ chết…”. Nỗi xúc động của con người khi chứng kiến đồng loại của mình đang phải sống trong những cái “vỏ” đầy khổ ải mà vẫn rực cháy một đời sống tinh thần lạc quan, yêu đời đã khiến trái tim chúng tôi như bị bóp nghẹt. Nhìn thái độ trân trọng khi nhận những món quà nhỏ bé của các cụ, các cháu, chúng tôi bỗng cảm thấy ân hận khi đã có đôi lần vô tình với cuộc sống…
Sau Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An, điểm tiếp theo OF tìm đến là làng Lòi, thuộc địa phận xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một ngôi làng mà tên tuổi và sự đặc biệt của nó đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực.
Cũng như lần trước, hành trang mang theo của chúng tôi lần này cũng là những đồ dùng, quần áo, sách vở được quyên góp và 1 tấn gạo làm quà tặng được hình thành do các thành viên bán đấu giá một số hiện vật và quyên góp bằng tiền mặt. 3h30 sáng từ Hà Nội chúng tôi lên đường, sau 6 tiếng đồng hồ, ngôi làng mang cái tên như trêu ngươi những người phụ nữ thiệt thòi còn sót lại từ cuộc chiến tranh chống giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam hiện ra trước mắt.
Dường như nỗi nghèo khổ và thiếu thốn đã ngự trị ở đây từ khi nó ra đời. Trong chiến tranh chống Mỹ, Viên Thành là nơi đặt kho dự trữ quốc gia để cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường miền Nam. Do vị trí chiến lược đó nên Viên Thành bị Mỹ ném bom nhiều lần, khu đồng Lòi của xã trở nên hoang hoá. Chiến tranh kết thúc, Viên Thành có nhiều phụ nữ là thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, bộ đội về quê và cả những người là vợ liệt sĩ, phụ nữ tham gia sản xuất tại xã đã không có cơ hội lấy chồng. Lúc này, tính tuổi, họ thuộc diện nhỡ nhàng. Khao khát được làm mẹ, những người phụ nữ ấy dám sống trên cả dư luận để được một lần cất tiếng ru ầu ơ. Ban đầu vài người "xé rào", kiếm một đứa con mong có chỗ nương tựa lúc xế chiều. Để tránh điều tiếng, họ ra cánh đồng Lòi dựng nhà ở và sản xuất trên đó. Chẳng ai bảo ai, tất cả có 30 cô gái lần lượt ra đây lập nghiệp và tạo nên một làng mới: Làng Lòi. Mấy chục nǎm trôi qua, nhân khẩu làng Lòi tǎng gấp mấy lần con số 30. Chỉ có 2 cô là không có con, còn lại tất cả đều có con mà không ai lấy chồng. Người nhiều thì 4, 5 đứa, ít cũng 1, 2 con… Đó là toàn bộ những gì chúng tôi, những thành viên của OF được biết từ trước khi đặt chân đến đây. Nhưng phải đến tận khi sục chân mình vào nền đất khô cằn của ngôi làng, chúng tôi mới thực sự nhận thấy thực tế họ còn khổ cực hơn thế. Nhưng tuyệt nhiên, không có một nét bi quan nào hiện lên trên khuôn mặt họ. Những người mẹ vẫn yêu con, những đứa trẻ vẫn nghịch ngợm, trèo leo và láu lỉnh vô cùng.
Đón những món quà từ tay chúng tôi, ngoài lòng biết ơn, trân trọng, trong mắt họ ánh lên niềm tự hào và sung sướng.
Marilynmonroe