Hưởng ứng phong trào của Cụ chủ em có bài sau:
THỂ THAO THỜI HỌC TRÒ
Với thế hệ học trò 7x chúng tôi thì thể thao là một phần của cuộc sống. Thời đấy môn thể thao phổ biến nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn. Trước hêt xin được kể về bóng bàn.
Từ hồi học cấp 2 trường chúng tôi được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) viện trợ cho một ngôi nhà khung thép lợp tôn hai tầng, mà chúng thôi vẫn thường gọi là nhà UNICEF. Trong ngôi trường này được trang bị bàn ghế đồng bộ, bàn học bọc formica với hoa văn rất đẹp. Chúng tôi ghép 6 bàn học là được bàn bóng bàn với độ nẩy vượt quá tiêu chuẩn. Lên đến cấp 3 thì không có bàn bóng bàn UNICEF này nữa, chúng tôi phải dùng bảng đen để làm bàn bóng bàn. Bảng đen là loại bảng bằng gỗ có hai chân và dựa vào tường, vì vậy tự nhiên bàn bóng bàn của chúng tôi có hai chân chìa ra một bên hạn chế di chuyển cho cả hai đội. Cả hai loại bàn bóng bàn này đều được đặt hai nửa viên gạch và gác lên đó một thanh tre làm lưới. Với cơ sở hạ tầng như vậy nhưng chúng tôi vẫn hăng say "bạt", "giật', "cắt", 've", ... một cách hào hứng quên cả giờ về nhà. Thông thường thì một đội thi đấu còn phải có cả một đội cảnh giới thầy Hiệu trưởng vì chúng tôi đang sử dụng cơ sở hạ tầng sai mục đích.
Còn môn thê thao "vua" thì phải nói rằng cho dù rằng đây là giai đoạn khó khăn của đất nước nhưng xét về cơ sở hạ tầng thì chúng tôi từ cấp I, cấp II cho đến cấp III đều có sân bóng đá riêng mà chắc đến bây giờ cũng rất khó mà có được. Đặc biệt là sân bóng đá thời cấp II là một sân tiêu chuẩn cao mà ngày đó chúng tôi đã được xem các đội hạng nhất Quốc gia như CLB Quân đội, CA Hà Nội đá giao hữu với đội Quân khu IV. Cảm giác được xem các đội hạng nhất Quốc gia thi đấu hồi đó giống như được xem trực tiếp Word Cup bây giờ.
"Tuổi thơ tôi cũng thả diều, đánh đáo
Mong mưa rào để cởi áo tắm mưa
Bắt rắn mối nướng lên chấm muối ớt
Quả bưởi non làm bóng đá mỗi chiều"
Khó khăn duy nhất để có trận bóng ngày đó chính là quả bóng. Có thể nói đấy là cả quá trình phát triển từ quả bưởi, quần áo rách quấn lại, bóng cao su rồi đến bóng da tiêu chuẩn.
" Áo may ô trổ bìa in số
Cởi áo ra số vẫn in lưng"
Để có được chiếc áo có số chúng tôi phải trổ các số và chữ lên bìa. Sau đó dùng sơn pha với dầu hỏa in lên áo. Với "sáng kiến" này chúng tôi có được những chiếc áo để thi đấu nhưng khi cởi ra thì nó còn in cả lên người và phải đến nhiều ngày sau thì mới sạch được.
Có thể nói trò chơi vui nhất, sôi nổi nhất khi đó là được đá bóng. Chúng tôi đá bóng buổi sáng, đá bóng buổi trưa, đá bóng buổi chiều, đá bóng trời nắng, đá bóng trời mưa và cả đá bóng dưới ánh trăng. Nếu phải so sánh thì chắc "giờ bay" của chúng tôi hồi đó chỉ thua các cầu thủ chuyên nghiệp bây giờ. Do có "giờ bay" nhiều mà kỹ thuật đá bóng của chúng tôi hồi đó rất tốt. Lớp A chúng tôi có một đội bóng không có những cầu thủ xuất sắc, nhưng là một tập thể mà tất cả các lớp khác phải sợ khi thi đấu với chúng tôi.
"Lớp A đá với lớp Cê
Gái trai cổ vũ đam mê bóng tròn"
Hồi đó lớp C có rất nhiều cầu thủ có kỹ thuật cá nhân cực kỳ tốt và sau này có mấy bạn được khoác áo đội SLNA.
Đến năm cuối cấp III vì lo lắng kết quả học tập của chúng tôi mà Thầy chủ nhiệm đã ra lệnh cấm chúng tôi đá bóng. Tuy lệnh cấm được ban ra nhưng chúng tôi vẫn có mặt ở trường lúc 11.30 để đá đến 12.30 mới vào lớp. Thầy chủ nhiệm biết được nên phải đạp xe đến sớm để ngăn cấm chúng tôi. Nhưng có một chi tiết mà gần đây tôi mới biết được, đó là có hôm Thầy đạp xe đến để xua chúng tôi vào lớp. Trước khi giơ "thẻ đỏ" để đuổi chúng tôi vào lớp thì thầy chứng kiến trận đấu căng thẳng và rất hay. Thầy đã phải tự thốt lên "đá hay thật" và quyết định riêng hôm đó không dùng đến "thẻ đỏ" mà lặng lẽ đạp xe về nhà.
Thể thao là tất cả!