Thực sự, ngay cả Mỹ cũng chia rẽ về việc này, có người đồng ý, cũng có người không, đặc biệt những nỗ lực cuối cùng để hủy cuộc đảo-chính.
Trang 222, từ kho lưu trữ hồ sơ của Ủy Ban Đặc Tuyển Thượng Viện Mỹ. Bản phúc trình có tựa đề “Alleged Assassination Plots Involving Foreign Leaders -An Interim Report of the Select Committee to Study Governmental Operations, November 1975 [Các Âm Mưu Ám Sát Liên Hệ Các Lãnh Tụ Ngoại Quốc -- Bản Phúc Trình Lâm Thời của Ủy Ban Đặc Tuyển để Nghiên Cứu Hoạt Động Chính Phủ, Tháng 11-1975]
Dịch:
Hoa Kỳ đã tăng áp lực lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm để điều chỉnh phương cách làm việc của ông ta. Vào ngày 17-10-1963, Tướng Richard Stillwell [Chỉ huy trưởng về hoạt động của MACV, cơ quan điều hợp viện trợ quân sự Hoa Kỳ ở VN, viết tắt của “Military Assistance Command, Vietnam] thông báo cho Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần rằng Hoa Kỳ sẽ ngưng viện trợ cho các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt đã tấn công các ngôi chùa cho tới khi nào các đơn vị này chuyển ra chiến trường và đặt dưới quyền của Tổng Tham Mưu Trưởng. [Pentagon Papers, trang 217]
Vào ngày 27 tháng 10 năm 1963, Đại sứ C. Lodge cùng với ông Diệm tới Đà Lạt, nhưng không nhận được cam kết nào từ ông Diệm để thực hiện theo yêu cầu của Mỹ. [Pentagon Papers, trang 219]
Vào ngày 28-10-1963, Conein gặp Tướng Trần Văn Đôn; Tướng này trước đó đã nhận được bảo đảm từ Đại sứ C. Lodge rằng Conein đã nói nhân danh cho Hoa Kỳ. Tướng Đôn nói rằng ông sẽ tiết lộ kế hoạch đảo chính cho Đại sứ Lodge biết bốn giờ đồng hồ trước khi xảy ra, và đề nghị rằng Đại sứ Lodge đừng đổi kế hoạch bay sang Mỹ dự kiến vào ngày 31-10-1963. [Bản phúc trình I.G. Report, phần C, trang 37; Pentagon Papers, trang 219]
Vào ngày 30 tháng 10 năm 1963, Đại sứ Lodge báo cáo về Washington rằng ông không có cách nào ngăn cản cuộc đảo chính nữa, và rằng chuyện này hoàn toàn nằm trong tay người Việt rồi. Tướng Harkins không đồng ý, và gửi điện văn bày tỏ lập trường chống đảo chánh của ông lên Tướng Maxwell Taylor [Pentagon Papers, trang 220].
Một bức điện văn từ Bundy [cố vấn an ninh] gửi cho Đại sứ Lodge đề ngày 30-10-1963 bày tỏ quan ngại của Nhà Trắng và chỉ thị rằng “Chúng ta không thể chấp nhận kết luận rằng chúng ta không có sức mạnh để trì hoãn hay khuyến cáo hủy bỏ cuộc đảo chánh.” [Điện, Bundy gửi Lodge, 30/10/63]
Một bức điện văn kế tiếp trong cùng ngày từ Washington gửi cho Đại sứ Lodge ra lệnh Lodge vận động các tướng lãnh VNCH hủy bỏ cuộc đảo chính nếu Lodge không tin là cuộc đảo chánh sẽ thành công. Chỉ thị này yêu cầu Lodge “tuyệt đối không liên hệ gì [tới đảo chánh] và giữ thái độ trung lập một cách nào đó.” [Pentagon Papers, trang 220].
Vào buổi sáng ngày 1 tháng 11 năm1963, các đơn vị đầu tiên liên quan tới cuộc đảo chính bắt đầu vây quanh Sài Gòn. Tòa Đại Sứ Mỹ chỉ được thông báo có 4 phút trước khi cuộc đảo chính khởi sự. [Điện MACV gửi Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Hoa Kỳ, ngày 1/11/63]
Một phụ tá của Tướng Đôn nói với Conein là hãy mang tiền có sẵn tới Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. Conein mang 3 triệu đồng VN [tương đương khoảng 42,000 Mỹ kim] tới Bộ Tổng Tham Mưu, trao cho Tướng Đôn để mua thực phẩm cho chiến binh và để trả tiền tử tuất cho các chiến binh hy sinh trong cuộc đảo chính. [Conein, ngày 20/6/75, trang 72]
Conein có mặt ở doanh trại của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH trong hầu hết thời gian đảo chánh. [Bản phúc trình I.G. Report, C, trang 41-42]
Vào lúc 1:40 giờ trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, các tướng lãnh đề nghị rằng ông Diệm hãy từ chức tức khắc, và hứa sẽ bảo đảm cho hai ông Diệm và Nhu an toàn ra đi [khỏi VN]. [Conein, bản phúc trình Conein After-Action, trang 15]
Dinh Tổng Thống bị bao vây liền sau đó, và vào khoảng 4:30 giờ chiều, các tướng tuyên bố đảo chính trên đài phát thanh và yêu cầu hai ông Diệm và Nhu từ chức.
Ông Diệm điện thoại cho Đại sứ Lodge và hỏi về lập trường Hoa Kỳ. Đại sứ Lodge trả lời rằng Mỹ không có quan điểm nào, và bày tỏ quan ngại về an toàn của ông Diệm. [Pentagon Papers, trang 221]
Theo bản phúc trình của Conein, Tướng Dương Văn Minh nói với ông Ngô Đình Nhu rằng nếu ông Diệm và Nhu không từ chức trong vòng 5 phút đồng hồ, Dinh Tổng Thống sẽ bị dội bom. Rồi Tướng Minh điện thoại cho ông Diệm. Ông Diệm từ chối nói chuyện với Tướng Minh, và tướng này ra lệnh dội bom vào Dinh. Chiến binh tiến vào Dinh, nhưng ông Diệm vẫn từ chối điều đình. Tướng Minh đề nghị cho ông Diệm cơ hội thứ nhì để đầu hàng nửa giờ sau đó...