Cứ tưởng tăng thế thôi, lại tiếp tục tăng, thế này thì chết
http://docbao.vn/tin-tuc/08-05-2015/Sau-tang-soc-gia-xang-dau-co-the-sap-tang-tiep/30/296714/
Sau tăng “sốc”, giá xăng dầu có thể sắp tăng tiếp
Nhiều chuyên gia dự báo giá xăng dầu kỳ điều hành tới có thể sẽ tăng tiếp do biến động của giá xăng dầu thế giới vẫn theo xu hướng tăng và do Quỹ bình ổn giá xăng dầu dù ngày một cạn kiệt vẫn đang còn phải chi quá lớn để bù giá mặt hàng này.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong cơ cấu giá xăng bán lẻ của Việt Nam, giá nhập khẩu là một trong những yếu tố quan trọng, trong khi yếu tố này lại phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Và với cơ chế hội nhập, Việt Nam buộc phải tăng giá trong nước khi giá thế giới tăng.
Giá dầu Brent đã tăng thêm 10,62 USD/thùng, tương đương mức tăng 18,5% kể từ đầu năm đến ngày 5.5, còn dầu WTI tăng thêm 7,69 USD/thùng, tương đương mức tăng 14,4%. Trong khi đó, do được bù từ quỹ bình ổn giá, giá xăng (RON 92) của Việt Nam dù có 2 lần tăng rất mạnh là hơn 1.600 đồng/lít vào ngày 11.3 và gần 2.000 đồng/lít trong ngày 5.5, nhưng tổng mức tăng từ đầu năm đến nay mới tương đương 7,6% (từ 15.670 đồng/lít lên 19.230 đồng/lít hiện nay).
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhận định: “Giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ biến động theo giá xăng dầu thế giới. Các yếu tố cơ bản lẫn kỹ thuật đều đang hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục tăng.
Mong muốn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động này là giá xăng dầu sẽ được điều hành theo đúng nguyên tắc của thị trường là tăng giảm đúng với diễn biến của thị trường, không tăng nhiều giảm ít. Từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường xăng dầu góp phần lành mạnh hóa và có sự cạnh tranh thực sự có lợi cho người tiêu dùng” - ông Thắng nói.
Giá xăng dầu Việt Nam quá đắt đỏ
Việc điều chỉnh giá xăng Ron 92 tăng 1.950 đồng/lít từ 21 giờ hôm 5.5 lên 19.500 đồng/lít khiến cho giá xăng tại Việt Nam đang cao hơn thị trường Mỹ và Singapore tới 3.000-5.500 đồng/lít. Giá xăng dầu tại Việt Nam vẫn bị cho là quá đắt đỏ.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), do giá xăng thế giới tăng trên 14% nên nếu không sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 1.437 đồng/lít, thì giá xăng đã tăng trên 3.000 đồng/lít.
“Việc điều hành giá xăng dầu vừa qua đã có sự chia sẻ với người tiêu dùng, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã cho phép tăng sử dụng Quỹ bình ổn giá thêm 446 đồng/lít (từ 991 đồng/lít lên mức 1.437 đồng/lít), phần dư địa còn lại điều chỉnh tăng giá bán xăng tương ứng. Trường hợp không sử dụng Quỹ bình ổn giá, giá xăng đã có thể phải tăng trên 3.000 đồng/lít”- vị lãnh đạo Cục Quản lý Giá cho hay.
Cục Quản lý Giá cũng phủ nhận việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu gần 2.000 đồng/lít hôm 5.5 có sự tác động từ việc điều chỉnh tăng thuế môi trường 300% đối với mặt hàng xăng từ ngày 1.5.2015.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhận định: Thuế bảo vệ môi trường chắc chắn khiến giá xăng dầu phải tăng “sốc”. “Giá xăng dầu hiện nay vẫn bị điều hành theo kiểu “tăng nhiều, giảm ít và không phù hợp với diễn biến của giá thế giới. Tất cả là bởi các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn hoạt động đầy bất cập”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, các loại thuế phí đối với xăng dầu (sau khi có sự điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường) hiện chiếm khoảng 39% trong cơ cấu giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện gây rối rắm khi can thiệp vào giá xăng dầu khiến người dân khó có thể nắm rõ. “Tại sao giá xăng dầu không thể chỉ tăng -giảm để phù hợp với biến động của giá thế giới để người dân dễ theo dõi?!” - ông Thắng đặt câu hỏi.
Giá xăng dầu đã có thể rẻ hơn
Theo tính toán được công bố trên VnExpress, giá cơ sở xăng dầu vẫn có thể rẻ hơn từ 267-2.200 đồng so với hiện nay nếu thuế bảo vệ môi trường không tăng.
Cụ thể theo công bố này: Trong vòng 15 ngày tính tới 4.5, giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới bình quân đạt 77,67 USD một thùng, tăng 14% so với kỳ liền trước. Với thuế nhập khẩu 20% và thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng một lít, giá xăng cơ sở là 20.673 đồng một lít. Sau khi tăng xả quỹ bình ổn, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã đồng ý cho tăng giá xăng bán lẻ trong nước với mức kỷ lục gần 2.000 đồng hôm 5.5 lên 19.230 đồng.
Giả sử với phương án thuế nhập khẩu 20% và thuế bảo vệ môi trường vẫn là 1.000 đồng, với mức giá 77,67 USD một thùng nói trên, giá cơ sở sẽ là 18.473 đồng, thấp hơn hiện tại 2.200 đồng.
Còn với phương án thuế nhập khẩu 35% và thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng như trước đây, giá cơ sở xăng RON 92 rẻ hơn 267 đồng.