Tôi chưa tìm hiểu đủ để biết có hay không chuyện UNESCO kỉ niệm ngày sinh cả 3 cụ, 2 cụ, 1 cụ, hay không cụ nào trong 3 cụ.
Nhưng trong 3 cụ, thì cụ Nguyễn Trãi thật là một nhân cách vĩ đại mà cá nhân tôi có tìm hiểu sự nghiệp nên khâm phục nhất. Tuy nhiên, tôi chỉ là người bình thường, tôi khâm phục hay không, không có giá trị gì. Nhưng những danh nhân, những bác học, những đầu óc vĩ đại của thời đại, như Lê Quý Đôn, Lê Thánh Tông, Phan Huy Chú, những sử quan Lê, Mạc, Nguyễn đánh giá thì hẳn là họ có đủ tầm để đánh giá của họ có giá trị, không lẽ họ ngu tối hơn mấy ông chém gió, loạn ngôn trên of.
Một số vị trên of chỉ bằng suy luận vớ vẩn, thiếu khoa học, thiếu hệ thống, dám tự mình đưa ra đánh giá, không sao, nhưng dựa vào đấy để miệt thị tiền nhân thì họ thật không biết xấu hổ, đặc biệt, khi họ bôi nhọ cả nhân cách Nguyễn Trãi, thì họ đã tự mình xếp mình vào hạng người đê mạt. Đáng buồn là có nhiều kẻ thích chửi bới tiền nhân, coi đấy là trí tuệ, một loại quái thai về nhân cách.
Còn công lao Nguyễn Trãi, như các sử gia phong kiến đã nhắc tới, là người dâng lên Lê Lợi chiến lược tâm công (Bình Ngô sách), nó quyết định đường lối kháng chiến. Thực tế kháng chiến đã diễn ra theo đường lối đó. Với nhân dân, lấy khoan hòa, giữ sức làm trọng. Với kẻ địch, lấy nhân nghĩa kết hợp với sức mạnh, vừa đánh vừa đàm. Bản thân Nguyễn Trãi tích cực tham gia vào thực hiện và thực hiện hiệu quả chiến lược ấy. Thư từ của ông có sức mạnh như gươm đao, thuyết hàng nhiều thành giặc, khiến giặc tin vào sự phi nghĩa của cuộc chiếm đóng và sự chính nghĩa của ta, khiến chúng tin tưởng vào sự chân thành hòa hiếu của Lê Lợi, và đi đến hội thề Đông Quan, an tâm rút về nước, giảm bớt xương máu cho nhân dân. Việc giữ được nền hòa bình mấy trăm năm giữa hai nước có công lao to lớn của ông (lúc ấy, bọn võ tướng căm thù giặc Minh, muốn nhân chúng kéo quân về mà đổ ra đánh, duy chỉ có ông phản đối, và Lê Lợi may thay nghe theo ông, cấp thuyền cấp lương cho chúng yên ổn rút về nước).
Việc định công phong thưởng của Lê Lợi dĩ nhiên phải coi trọng võ tướng, coi trọng gia tộc, chuyện ấy không lạ, lấy đấy làm chuẩn mực đánh giá công lao thì thật không hiểu gì về chính trị. Với người như Trãi - người TRÍ THỨC đích thực, thì quan trọng là được dùng, được đem tài năng ra giúp nước, chứ đâu phải được ghi công. Lê Lợi hiểu điều ấy. Lê Lợi vĩ đại vì biết dùng Nguyễn Trãi, nghe theo kế sách Nguyễn Trãi, tin vào kế sách ấy. Dùng người là tài của người thủ lĩnh. Hậu sinh đem bụng tiểu nhân sao hiểu nối điều ấy.
Sau khi bị thất sủng một thời gian dài, người có tâm nguyện đem chút tài năng giúp nước như Trãi khi được Lê Thái Tông, theo lời dặn của Thái Tổ, tin cậy vời ra làm việc, thì như một bài thơ ông để lại, ví mình với con ngựa già chỉ lấy cúc cung tận tụy để đền đáp sự tri kỉ. Kẻ hậu sinh quen đầu óc hám danh hám lợi sao hiểu được lòng người vĩ nhân.
Tầm văn hóa của ông đến nay vẫn khiến người hiện đại phải ngả mũ: Có lẽ ông là người đầu tiên trên thế giới định nghĩa về một nền độc lập dân tộc bao gồm không chỉ độc lập về cương giới lãnh thổ (núi sông bờ cõi đã chia), mà cả độc lập về văn hóa (phong tục Bắc Nam cũng khác), về nguyên khí quốc gia - người hiền ("song hào kiệt đời nào cũng có"). Ông không chỉ nói lý thuyết mà thực hành điều ấy trong thực tế: ông đấu tranh với bọn Lương Đăng để giữ cho lễ, nhạc cung đình của ta không bị tàu hóa, bất chấp điều ấy khiến ông bị lũ quan lại trong triều căm ghét.
Đường lối cai trị của ông cũng rất tích cực, lấy việc "yên dân", giản dị hóa, tránh "chính sự phiền hà", "để nhân dân được nghỉ sức" làm nòng cốt, thay vì trừng phạt hà khắc, lấy việc nhân đạo, giáo dục làm chính. Bản thân ông thân chinh xin giảm án tử hình cho những kẻ vì hoàn cảnh mà trộm cướp. Mong muốn đạt được của người cai trị, theo ông, là "sao cho trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng kêu oan".
Trong một triều đình đang trên đường xa dân, quan liêu... Nguyễn Trãi liêm khiết, tài năng, thẳng thắn, lúc nào, làm gì cũng nghĩ đến dân, là cái gai trong mắt chúng. Tai họa của ông là không tránh khỏi. Nếu biết ngậm miệng, nhịn nhục, khôn ngoan để tồn tại thì đã không có một Nguyễn Trãi vĩ nhân. Con người ấy, nhân cách ấy, tất yếu phải sống như thế và tất yếu phải chết như thế.
Các sử gia đời sau có người chê ông không biết "tri túc" nên chuốc họa, là đem bụng mình đo bụng một nhân cách vượt lên người bình thường để trở thành vĩ nhân của muôn đời.
Tôi muốn viết mấy dòng này với những bạn còn chưa có thì giờ tìm hiểu về sự vĩ đại của Nguyễn Trãi, chứ không muốn mất thời gian với những người cả đời chưa làm nổi cái tăm cho xã hội, nhưng lấy cái u tối trong đầu óc họ để chửi bới một vĩ nhân tầm lớn nhất của dân tộc.