Cháu khuôn về tặng các cụ giải pháp cho nó nhẹ đầu:
Ý tưởng kinh doanh 2011: Bảo hiểm bia
Posted by
bientap on 9/08/11 • Categorized as
Xã hội
Cuộc thi ý tưởng kinh doanh 2011 do đại học Ngoại Thương FTU tổ chức vừa kết thúc với nhiều màn hỏi đáp gay cấn. Kết quả giải nhất đã thuộc về đề án lập bảo hiểm bia của ba bạn nam sinh viên năm thứ ba khoa Kinh tế đối ngoại.
Hưng, một trong ba sinh viên, cho hay ý tưởng xuất phát từ một nhu cầu rất giản dị đời thường của sinh viên là được đi xe máy sau khi vừa uống bia rượu xong. Hưng cho biết:
“Bọn em là sinh viên nên rất hay uống bia. Ăn lô uống, bồ đá uống, lĩnh lương gia sư uống, cua được gái uống, cuối tuần uống, mà kể cả không có việc gì buồn quá thì cũng uống. Khi uống xong chúng em thường hết tiền và phải tự lái xe máy về. Em mà say thì nhìn đường đơn thành hẳn đường đôi rộng thênh thang sao mà tai nạn được. Thế mà gần đây em đọc trên VnExpress nói tại những tuyến phố có nhiều quán bia hơi, nhà hàng, CSGT Hà Nội đã lập các chốt kiểm tra để đo nồng độ cồn của những người vừa rời quán. Nhiều người đi ôtô, xe máy đã bị phạt cả triệu đồng làm em rất hãi. Một lần phải nộp tiền cho các chú chiến sĩ cảnh sát giao thông để các chú ấy khỏi giữ cái cần câu cơm là coi như xong cả tháng lương làm thêm của em, rồi cả tháng phải gặm mì tôm khổ lắm anh ạ. Vì thế em nghĩ nếu có một công ty đứng ra bán bảo hiểm bia như bảo hiểm y tế thì hay biết mấy. Tức là, bây giờ thay vì mỗi người có khả năng mất trắng một tháng lương khi bị cảnh sát hay cơ động bắt, thì thay vào đó chúng ta đóng một khoản phí cố định hàng tháng, khi say xỉn lái xe về nhà mà bị cảnh sát bắt thì cứ trả tiền rồi nộp lại giấy tờ bảo hiểm sẽ trả, anh hiểu không ạ?”
Tài xế phồng mồm thổi để chứng tỏ mình không say
Từ ý tưởng đơn giản đó, nhóm ba bạn trẻ do Hưng chủ trì đã lập một đề án nghiên cứu khoa học, khảo sát hơn 200 sinh viên trong trường về khả năng bị cảnh sát giao thông bắt sau khi uống rượu bia, số tiền cần phải chi mỗi lần bị túm,… Theo như nghiên cứu, khả năng bị gọi vào vỉa hè sau khi uống bia xong của mỗi người chỉ là 10%, và mỗi lần nộp phạt chỉ trung bình mất 300 nghìn đồng. Như thế, một mô hình bảo hiểm bia 40 nghìn đồng một tháng thì có thể mang lại rất nhiều lợi nhuận mà khách hàng thì có thể uống say chạy xe tuỳ thích ở ngoài đường mà
“không sợ bố con thằng nào cả” — theo như lời của Hưng.
Không phải ai cũng biết thổi đúng cách
Tuy thế, nhóm cũng gặp nhiều khó khăn. Theo nhóm, khó khăn nhất là việc nhiều chiến sĩ cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động không muốn lập biên lai phạt chỉ muốn nhận tiền. Vì thế sẽ rất khó để chứng minh là một người có bị phạt thật hay
không. Do vậy phải có một mô hình chuẩn cho việc chứng thực là đã bị túm, cho ví dụ, username password mà các đồng chí cảnh sát sẽ nhập vào để chứng thực mình là cảnh sát đã nhận tiền phạt.
Hưng cũng thổ lộ về ý định tương lai của mình. Hưng phấn chấn nói:
“Bọn em có nhiều dự định lắm. Bọn em có thể sẽ liên kết với ngành cảnh sát giao thông để đưa mô hình chứng thực số thành hiện thực. Hoặc là cũng có thể có hình thức trả trước cho các chiến sĩ cảnh sát rồi phát thẻ cho khách hàng như thể là miễn tử kim bài, như thế thì mình sẽ được hưởng giá phạt ưu đãi theo giá phạt sỉ chứ không phải là giá phạt lẻ. Bọn em cũng đang thuyết phục trường em cho vào như là một thứ bảo hiểm bắt buộc, như thế thì giá có thể giảm được hơn nữa. Em đang nhắm tới giá 32 nghìn đồng một tháng.”
Các sinh viên và người dân nhậu vô cùng phấn khởi vì mô hình kinh doanh này. Bác H., công chức nhà nước, nói:
“Nhiều khi tôi uống bia say bét nhè chè đỗ đen, tôi chỉ muốn về nhà nôn vào tường thôi. Thế mà giờ có mấy cái trạm kiểm tra nồng độ cồn này làm tôi không dám về nhà nữa, chúng tôi chỉ dám cuốc bộ loạng quạng về nôn hết vào giầy, khổ lắm chú ạ. Có cái bảo hiểm như thế này thì thật là quý hoá cho chúng tôi.”
Bài viết của phóng viên Tinker Bell -tinkhotin.com