Giá cổ phiếu bắt đầu giảm trong tháng 9 và đầu tháng 10 năm 1929, và đến ngày 18 tháng 10 thì cơn sụp đổ xuất hiện. Tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư đã khiến họ bán tháo 12.894.650 cổ phiếu, một con số kỷ lục. Các công ty đầu tư và các ngân hàng hàng đầu đã cố gắng ổn định thị trường bằng cách mua vào nhiều khối chứng khoán lớn, khiến giá cổ phiếu tăng nhẹ vào thứ Sáu. Nhưng đến thứ Hai của tuần sau đó, cơn bão lại ập đến, khiến thị trường rơi tự do. Sau ngày thứ Hai đen tối là ngày thứ Ba đen tối, khi giá cổ phiếu sụp đổ hoàn toàn.
Sau ngày 29 tháng 10, giá cổ phiếu do đã chạm đáy nên bắt đầu có sự phục hồi đáng kể trong những tuần kế tiếp. Tuy nhiên, giá cả nói chung vẫn tiếp tục giảm do nước Mỹ đã chìm vào cơn Đại suy thoái, và đến năm 1932 thị trường cổ phiếu chỉ còn khoảng 20% giá trị so với mùa hè năm 1929. Cơn sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 tuy không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra Đại suy thoái, nhưng đã đẩy nhanh sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu mà trong đó bản thân nó cũng là một triệu chứng.
Đến năm 1933, gần một nửa số ngân hàng ở Mỹ đã phá sản, gần 15 triệu người thất nghiệp, tương đương 30% lực lượng lao động. Chỉ có Thế chiến II cùng sản lượng sản xuất vũ khí khổng lồ của Hoa Kỳ trong chiến tranh cuối cùng mới đưa được đất nước này ra khỏi cơn Suy thoái sau một thập niên thất bát.