Em ít khi trích bài của trang khác nhưng có lẽ nên trích bài này để các bác hiểu thêm:
TT - Tình cờ, tôi gặp cô gái ấy giữa nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Giữa tháng bảy, trời Quảng Trị nắng như đổ lửa, cô gái lê chiếc ghế inox đi thắp nhang trên những nấm mồ vô danh.
Chưa từng được đến trường, không nói - không đi - không cầm nắm được như người bình thường, cô gái ấy có giấc mơ và cái tên thật dịu dàng: Trà My (ảnh).
“Mỗi khi cả nhà ngủ hết, tôi lại rón rén ngồi dậy để cầu mong ông bụt hay bà tiên xuất hiện. Cứ như thế, rất nhiều đêm tôi đã khóc vì đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy thần thánh nào xuất hiện. Sự non nớt của một cô bé 6-7 tuổi luôn tin vào những câu chuyện cổ tích. Suốt thời thơ ấu tôi luôn tin vào những điều như thế.
Lúc đó, tôi đã làm quen với bảng chữ cái qua những bộ trò chơi xếp hình. Tôi đã biết đánh vần tên ba mẹ và những người thân trong nhà. Tôi còn biết xem đồng hồ nữa. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao mình lại không được đi học như những đứa trẻ quanh đó!”.
Nhật ký của một người mạnh mẽ
“Năm tôi lên 9 tuổi, em gái tôi đã học lớp 1. Cứ mỗi chiều, khi em gái và mấy đứa trong xóm đi học về, tôi lại chạy ra hỏi: “Thế hôm ni học được bài gì? Cho chị xem với”. Em gái tôi và mấy đứa trong xóm lại kể cho tôi nghe về chuyện bài vở, bạn bè, trường lớp. Tối, khi em gái tôi ngồi học bài, tôi lại ngồi kế bên. Tôi bắt chước như một bản năng để sinh tồn.
Và cứ bắt chước như thế cho tới khi có gì không hiểu thì hỏi đứa này đứa kia. Rất nhiều lần bị tụi nó đánh vì cái tội dạy mãi mà vẫn không hiểu. Biết chữ, biết viết, biết làm toán, với tôi và mọi người trong nhà đó là một kỳ tích, chỉ đơn giản vậy thôi chứ chả có ai nghĩ về tương lai sau này tôi sẽ...
Không hiểu sao khi ấy tôi lại có thói quen là thường ký tên mình vào bất kỳ đâu. Từ tờ lịch đến tờ giấy vụn, thậm chí ngay cả sách vở em tôi, tôi cũng ký lên. Rất nhiều lần bị mắng vì chuyện này. Lúc đó tôi rất thích đọc chuyện cổ tích và lại mơ mộng một ngày nào đó sẽ có ông bụt hay bà tiên xuất hiện để tôi chỉ xin duy nhất một điều ước. Ước cho tôi có được giọng nói bình thường để được đi học, để sau này trở thành nhà tâm lý học”.
My viết, như một chú kiến tha từng hạt bụi để xây ước mơ của đời mình - Ảnh: Y.T.
“Ba năm nữa. Cố lên...”
Trong căn phòng nhỏ đầy những hạc giấy, ngôi sao và hoa vải, hằng ngày Trà My ngồi vào chiếc máy vi tính. Phía trước mặt, cô dán một tờ giấy: “Ba năm nữa. Cố lên Trà My nhé!”. Từ ngày dán tờ giấy ấy, Trà My ngồi vào máy viết nhiều hơn. My mong sớm đủ tác phẩm để gửi Nhà xuất bản Kim Đồng, cộng tác viên của nhiều báo, viết kịch bản talk show gửi đài truyền hình, rồi dự án mở shop bán quà lưu niệm... Lãnh tiền nhuận bút, My lén đi duỗi tóc thẳng ra cho con nít hết sợ. 5g sáng, My bắt đầu dậy, không đi xe lăn mà lọc cọc lê chiếc ghế inox đi tập thể dục. Có lúc té ngoài đường, My gượng dậy đi tiếp.
Những dòng chữ da diết trên được trích từ nhật ký của Trần Trà My - cô gái bị nhiễm dioxin, sinh ra tại vùng gió Lào cát trắng, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Từ trong bụng mẹ, My đã không thể chòi đạp như những bào thai khác. Hai mươi mốt năm qua, cô gái ấy vẫn chưa một lần đứng được vì đôi chân bại liệt; chưa đủ sức siết tay thật chặt một người mình yêu mến; chưa phát âm một câu như người bình thường.
Nhưng cô gái ấy có một sức sống và khát khao mãnh liệt: “Cứ thế tôi lớn lên... Tôi nhớ có lần vô tình nghe được ba và mẹ ngồi nói chuyện với nhau rằng: người ta khuyên ba mẹ nên đem tôi đi cắt buồng trứng để sau này mẹ tôi không phải lo chuyện kinh nguyệt hằng tháng của tôi và lỡ tôi có bị ai đó quấy rối thì chẳng sợ để lại hậu quả gì. Tim tôi nhói đau khi vô tình nghe điều đó. Tôi biết rằng nếu làm chuyện đó thì sau này nếu tôi lấy chồng sẽ không có khả năng làm mẹ! Và tôi khóc... khóc nguyên một tối. Tôi luôn tự nhủ: Chẳng lẽ sau này mình sẽ không tìm được hạnh phúc như những người phụ nữ khác ư? Tôi hãi hùng! Hơn ai hết tôi vẫn muốn mình giống một cô gái bình thường. Tôi vẫn là một người con gái luôn khao khát được yêu thương chăm sóc, luôn muốn một bờ vai mạnh mẽ cho tôi dựa vào để khóc...”.
May thay, ba mẹ quyết định không làm theo lời khuyên ấy...
Ươm ước mơ trên gió Lào, cát trắng
Ước mơ trở thành nhà tâm lý học khép lại. Cô gái đủ lớn để thôi trông chờ vào giấc mơ bà tiên, ông bụt. “Khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”, nghĩ vậy, Trà My bắt đầu viết. Văn của My được viết ra từ những con chữ học lóm, rướm máu từ bàn tay cong queo. Văn của My viết ra từ những mùa gió Lào phần phật về lùa ngược chiếc xe mẹ đang đạp trên đường, từ những hình ảnh phát trên truyền hình về trẻ em miền Trung phơi sách vở đi học sau cơn lũ dữ, từ những đêm dài thao thức của cô gái tật nguyền mơ về một tình yêu đôi lứa. Và văn của My còn có hình ảnh cây xương rồng vẫn lặng lẽ nở hoa trên sỏi đá.
Sau năm năm cầm bút, niềm tin đã mỉm cười với cô gái nhỏ bằng giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật năm 2006 do Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức. Một tấm giấy khen được đặt trang trọng trong phòng khách nhà My với dòng chữ: “... tặng sinh viên Trần Trà My”. Khi chấm giải, cả ban giám khảo đều nghĩ đây là tác phẩm của một sinh viên. Cho đến khi liên lạc với gia đình, mời tác giả phát biểu trong lễ nhận giải, hiệu trưởng mới vỡ lẽ: đó là một cô gái không nói được như người bình thường, và cô chưa bao giờ được đến trường! Những khi giao tiếp với người lạ, cô phải khó nhọc viết lên giấy hoặc soạn tin nhắn trên điện thoại di động.
Với nhiều người, truyện của My chưa xuất sắc, đôi chỗ còn sai chính tả. Năm 16 tuổi, trong truyện ngắn đầu tay Cuộc gặp gỡ bất ngờ, cô gái nhỏ nhắn này đã gửi đi thông điệp: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt của người hạnh phúc. Đừng bao giờ nhìn đời bằng con mắt của kẻ bất hạnh”.
So với người bình thường cùng lứa tuổi, Trà My đủ sâu sắc và bản lĩnh để tự an ủi chính mình, ngay cả khi nghịch cảnh dồn con người vào góc khuất: “Mình đang sống chứ không phải đang tồn tại! Vì sống là phải biết đối đầu với những nghịch cảnh khắc nghiệt của số phận. Còn tồn tại chỉ là để ăn, ngủ, hít thở không khí mà thôi!”. Đó chính là những khi trẻ con sợ phát khóc lên trước cái đầu tóc lúc nào cũng xù lên của My. Đó là khi người bảo vệ ở đài truyền hình không cho My vào gửi bài cộng tác. Đó là lúc có người ném cái nhìn coi thường và từ chối giúp My gửi email cộng tác cho các báo...
Cô gái bé bỏng ấy như một con kiến đang cõng từng hạt bụi xây ước mơ. Ước mơ hiện tại của My là để dành nhuận bút đến khi nào đủ tiền vào TP.HCM chữa cho giọng nói chuẩn hơn. Và như Trà My đã bộc bạch trên nhật ký điện tử: “Ước mơ sẽ thành công bằng chính khả năng của mình. Ước mơ có được ai đó có đủ bản lĩnh và giàu sự đồng cảm để dám đứng cạnh tôi. Và tôi đang nỗ lực từng ngày vươn đến những ước mơ đó”.
YẾN TRINH (Tuoitreonline)