http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ly-luan-tinh-giau-van-xin-gao-cuu-doi-2364425/
Lý luận tỉnh giàu vẫn xin gạo... cứu đói
(Tin tức thời sự) - Trong số 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt 2014 có khá nhiều tỉnh chịu thiệt hại của thiên tai như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An. Tuy nhiên, cũng có tỉnh khá về kinh tế nhưng vẫn xin cấp gạo cứu đói như Khánh Hòa, Phú Yên.
Theo đó Khánh Hòa - một trong những tỉnh “giàu”, tăng trưởng kinh tế cao - nhưng vẫn xin với số lượng 550 tấn gạo.
Thu ngân sách khó… xin gạo Chính phủ
Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013 của tỉnh Khánh Hòa, GDP của tỉnh tăng 8,3% so với năm 2012, thu ngân sách đạt 11.335 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2012 và bằng 108% dự toán năm 2013. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,26%, thấp hơn tỉ lệ bình quân của cả nước (7,8%)...
Tuy nhiên, trong danh sách 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt 2014 này vẫn có tên Khánh Hòa.
Không chỉ địa phương khó khăn mà cả địa phương tăng trưởng tốt cũng xin gạo cứu đói Trao đổi trên tờ Tuổi trẻ, một phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói rằng: “Tất cả cũng là lo cho dân thôi”.
Còn ông Nguyễn Hữu Thấu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Mấy năm trước Khánh Hòa tự cân đối ngân sách để cấp gạo cứu đói cho dân, nhưng năm nay lãnh đạo UBND tỉnh nói thu ngân sách khó quá nên chỉ đạo xin số gạo trên từ Chính phủ để cấp cho số hộ thiếu đói giáp hạt trên địa bàn cả tỉnh. Riêng hộ nghèo thì không cấp gạo đợt này, mà tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 250.000 đồng ăn tết”.
Trong số địa phương xin gạo lần này cũng có Phú Yên, một tỉnh từ lâu được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung”. Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên trình HĐND tỉnh tại kỳ họp vừa diễn ra tháng 12/2013, trong năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội đạt 10,67%, vượt kế hoạch năm 0,07%.
Đáng kể nhất là năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt cao nhất từ trước đến nay với 67,5 tạ/ha, còn năng suất lúa hè thu đạt 65 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng vụ năm trước. Tỉ lệ hộ nghèo của Phú Yên còn 13,03%, giảm 2,66% so với năm 2012...
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên cho thấy tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10,6%, đạt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng là như vậy nhưng Phú Yên vẫn xin Chính phủ cấp 761 tấn gạo cứu đói.
Phản ứng dữ dội vì… thoát nghèo
Liên quan đến vấn đề nghèo và cứu trợ, tại phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Mạnh Hùng nhận định các chính sách giảm nghèo khiến người dân bị động “hưởng lợi”, không muốn thoát nghèo, thậm chí phản ứng dữ dội nếu bị ra khỏi diện nghèo.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền hiện tỷ lệ hộ nghèo từ 58% dân số năm 1993, đến nay đã giảm xuống còn khoảng 7,8%.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những thách thức như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao; gần 50% hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, số hộ nghèo ở đô thị cũng tăng lên trước những cú sốc kinh tế…
Song, bà Chuyền cũng thừa nhận việc người nghèo có biểu hiện ỷ lại vào các chương trình, chính sách là có thật. Do bắt nguồn từ chính sách hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo chủ yếu là chính sách hỗ trợ trực tiếp. Người trong diện nghèo được chu cấp đất ở, học tập, bảo hiểm y tế, cho vay vốn…, gần đây mới có chính sách đào tạo việc làm cho người nghèo.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nay Bộ đang nghiên cứu giảm những chính sách hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, cũng như các chính sách, giải pháp với hộ cận nghèo.
Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để đề xuất với Chính phủ sau năm 2015 giảm 16 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo xuống còn từ 2 tới 4 chương trình.
“Các chương trình còn lại sẽ là nhiệm vụ thường xuyên của các bộ ngành, như vậy sẽ giảm đi các ban chỉ đạo, giảm biên chế, giảm sự cồng kềnh cho bộ máy, giảm kinh phí chi cho quản lý”, bà Chuyền lý giải.
Trước đó từ năm 2003, cơ quan Liên Hợp Quốc về hợp tác và phát triển (UNCTAD) đã ra thông báo, từ năm 2003 trở đi, Việt Nam sẽ không có tên trong danh sách các nước kém phát triển (LDC) do đã cải thiện được điều kiện phúc lợi xã hội cho người dân.
Khi đó thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 750 USD/năm, số dân là 80,2 triệu.
Tuy nhiên vào tháng 5/2011, tại Hội nghị Thường niên ADB lần thứ 44, một vị lãnh đạo Việt Nam cho rằng đất nước còn nghèo và tiếp tục cần hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB và các nước thành viên.
Theo đó, tuy đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.
Phương Nguyên