Cái chết của một anh hùng
Trong cuộc đời ta, đã có bao lần ta được xem những film hành động mà nhân vật chính là những anh hùng. Và ta đã thần tượng chính những người hùng ấy, thậm chí, có những người còn thần tượng đến độ cuồng si. Có những người hùng trong các cuốn film đã không thể đi trọn sứ mệnh của mình...
Theo đúng kịch bản, hoặc theo câu chuyện thực ngoài đời, những người hùng ấy phải chết. Tất nhiên, sẽ có những giọt nước mắt dành cho cái chết của người hùng trên màn bạc, nước mắt tiếc nuối cho một phận người.
Nhưng có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi rằng “Giữa ba quân tướng sĩ, đại cảnh đánh đấm hoành tráng kia, tại sao cái chết của những người hùng lại đẹp đến thế, dáng chết cũng đẹp đến thế trong khi những người thầm lặng khác thì hi sinh theo kiểu quá thông thường?”. Điển hình như cái chết của Leonidas ở 300, hay của Miller trong Giải cứu binh nhì Ryan vậy. À, đơn giản, họ là người hùng mà, là ngôi sao mà, là nhân vật chính mà. Thế nên, đến cái chết họ cũng được quyền ưu tiên chết đẹp hơn những con người bình thường.
Cái ưu việt của ngôi sao so với người thường nằm ở chỗ đó. Sống đã sung sướng hơn người rồi, chết cũng phải bi tráng hơn người.
Thế nên, chả trách gì, thiên hạ ùn ùn đổ xô nhau đi tìm giấc mộng trở thành ngôi sao.
Rồi ngay cả khi đã “hơi sao sao” rồi, người ta lại càng thấy giá trị của thứ hạng tên tuổi quan trọng đến mức nào. Điển hình như âm nhạc vậy. Sao hạng A bây giờ có thể hát một show với cát sê lên tới trăm triệu; sao hạng B cát sê một show cũng phải vài ‘chục chai’; sao hạng C, D, E thì thấp hơn và có những người mòn mỏi đi hát phòng trà hàng đêm với mức lương chỉ 200 đến 300 ngàn cho mỗi tụ điểm. Tên tuổi càng to, cát sê càng to mà. Chân lý ấy, sự tỷ lệ thuận ấy khiến mộng nổi danh càng ám ảnh hơn bao giờ. Ai cũng biết càng làm ngôi sao lớn thì càng sung sướng mà chẳng ai hình dung ra rằng làm ngôi sao đâu có khổ sở bao giờ.
Ấy mà làm ngôi sao cũng có cái khổ, khổ đến tê người. Đó là khi chuyện riêng bỗng dưng biến thành chuyện chung cho cả thiên hạ đổ xô vào đàm tiếu. Và cái khổ còn nhân đôi khi chuyện riêng là chuyện tận khổ, như chuyện ông Nguyễn Chánh Tín sắp mất nhà gần đây.
Làm ăn không phải là cuộc chơi. Và rõ ràng, ông Tín đâu có chơi. Ông làm ăn mà. Thua lỗ-thắng lợi là chuyện thường tình. Trước một giấc mộng thắng lợi lớn, ông cũng phải tỉnh táo hiểu là nguy cơ thua lỗ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. HIểu để làm gì? Để đối diện nó một cách thanh thản nhất. Nhưng xem ra, ông Tín không chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống ấy, nên ông có vẻ không thanh thản với thất bại của mình. Đó không phải là mẫu hình tượng người hùng mà ông từng đóng vai. Người hùng trên màn bạc hấp dẫn người xem ở cái điểm có gan làm, có gan chịu mà. Còn người đóng vai người hùng ở ngoài đời thì lại khác hoàn toàn. Nguyễn Chánh Tín không cam chịu chấp nhận thất bại ấy.
Thế nên ông mới khóc với truyền thông, một việc quá dở đối với hình tượng đẹp như ông. Lý do của ông nghe có vẻ ‘rất nghề’ là “nạn sao chép lậu đã giết chết khả năng thu hồi vốn của dự án Dòng máu anh hùng”. Đó là một lý do ngụy biện. Đầy hãng film, đầy hãng đĩa, đầy nghệ sỹ đã mất rất nhiều vì nạn băng đĩa lậu hiện nay nhưng có ai đi khóc như ông đâu? Vả lại, lành nghề như ông Nguyễn Chánh Tín mà không thừa hiểu “thị trường băng đĩa là thị trường bất khả thu hồi vốn hiện nay” thì cũng đến lạ.
Nhưng ông Tín dở một, có những đồng nghiệp của ông dở mười. Tự nhiên lôi chuyện của ông và một mối thương cảm riêng tư vào một chương trình chung kêu gọi hảo tâm giúp đỡ. Không hiểu, đồng nghiệp của ông Tín có biết rằng mỗi ngày có biết bao nhiêu người vỡ nợ, phá sản, mất nhà như ông Tín hay không? Ai hỗ trợ họ? Ai thương xót họ? Ai quyên góp ủng hộ họ? Rồi còn chưa kể có biết bao nghệ sỹ đang sống cơ nhỡ ở các ngôi chùa giữa Sài gòn và chỉ mong hỗ trợ là những ngày cơm cũng đã ấm lòng rồi. Vậy mà người đồng nghiệp của ông Tín chẳng bao giờ biết ngó ngàng đến họ khi có dịp ghé thăm đất phương nam này. Đấy. Cái chân lý ngôi sao, người hùng thì chết đẹp hơn người thường; chân lý hạng A, hạng B, hạng C,D,E,F… nó lộ ra ở đó. Đến đi xin từ thiện mà ngôi sao có tên tuổi vẫn còn sướng hơn chán vạn những người ‘kém nổi tiếng’ hơn. Mà suy cho cùng là ông Tín có đi xin đâu. Chính đồng nghiệp ông đã thương ông mà thành ra khiến ông mang tiếng. Ông chỉ “khóc” với truyền thông thôi, khóc đến nỗi mà người đồng nghiệp kia biến ông thành người ngửa tay chờ tiền quyên góp trong mắt cộng đồng.
Lá lành đùm lá rách là đức tính đáng trọng của dân Việt mình. Nhưng lá lành có muốn đùm lá rách đi chăng nữa thì cũng phải cân nhắc kỹ chớ nên hồ đồ. Kẻo thương nhau một chút bằng mười hại nhau.
Ông Tín đã định danh là một tài từ đẹp và hào hoa đến thế rồi. Giữ nốt cho ông chút tin cuối đời trong lòng khán giả đi, những đồng nghiệp hơi ‘hào hứng’ quá. Làm vậy, tội nghiệp hơn cả là chị Bích Trâm, người đã lặng lẽ bao năm đứng sau lưng chồng, đúng như một điển hình đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Việt…
Theo ĐẹpPlus