Sáng nay đọc facebook Song Hà, em tha về đây góp vui:
CÁI MÁNG LỢN
Thằng Kiệt phò mới ra tù. Cái tin ấy như sét đánh bên tai dân làng . Người ta bàn tán ghê lắm và tránh mặt hắn như tránh hủi. Buổi sáng hắn ngật ngưỡng trên đường, tay cầm chai rượu, vừa đi vừa chửi. Giọng hắn gầm gừ trong cổ. Mẹ cha chúng mày! Ông méo thèm ở cái làng này nữa! Mẹ cha chúng mày!
Thì gặp ngay Thị Hẹ đang ra sông gánh nước. Thị õng ẹo hỏi,
“Thế lớp này đằng ấy định bỏ đi đâu?”.
Hắn cười khành khạch, vác cái mặt cô hồn lên khệnh khạng bảo “Ông lên thành phố startup! Méo chơi với lũ khố rách áo ôm nữa”. Hẹ chau mày hỏi.
“ Đi tù về tiếng Anh nổ ghê quá cơ, thế sờ ta ắp là cái gì?”.
Hắn bẹo một cái rất nhanh vào vếu thị rồi cười ré lên “Là khởi nghiệp, hiểu chưa?”. Thị Hẹ hỏi tiếp, tức là đánh giậm, câu lươn, trộm vặt hay làm nghề gì khác. Hắn đưa ngón trỏ dí vào mạng bờ mông chắc nịch của thị, bảo.
“Trông xinh như này mà hỏi câu ngu thế! Ông lên thành phố làm nghề… từ thiện. Nghe nói nghề này đang triển vọng. Sau này công thành danh toại đằng ấy lên hít bóng cười với tớ cho vui nhé!”. Hẹ đẩy hắn ra, mắng yêu “Nỡm ạ!” rồi cười hi hi rất gợi tình.
Thế là hắn đi thật. Hắn ra đi trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của dân làng.
Lên thành phố 3 tháng, nhờ sự khôn khéo cộng với cái tâm, cái tình của một bậc lưu manh 5 tiền án, hắn đã thuyết phục chủ đất cho thuê lại và dựng lên được một khu ổ chuột gồm mấy chục phòng trọ giá rẻ ở ngay cổng viện. Những ngày đầu chưa có khách, hắn thuê người viết tờ rơi, in quảng cáo cho rải khắp nơi. Ở đầu lối vào, hắn dán mấy tờ giấy chào mời, ghi cả biểu giá hẳn hoi “Phòng trọ Anh Kiệt giả rẻ, chỉ 15 xu/người, đầy đủ tiện nghi”. Dưới cùng đề thêm câu slogan mà hắn rất lấy làm tâm đắc “Hay thì ở, dở thì chào”.
Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc khu trọ ổ chuộc của hắn càng ngày càng tấp nập. Mỗi khi tiếp thị với khách trọ, hắn luôn miệng bảo.
- Mình chủ yếu phục vụ người nghèo vì cái tâm, cái tình thôi, chứ 15 xu có đáng là bao. Chỗ đấy cũng chỉ đủ trang trải tiền điện, tiền nước, tiền mặt bằng , chưa tính công phục vụ. Quần chúng đáng thương hãy hiểu cho tấm chân tình của mình.
Người ta tin lời hắn thật, với lại giá cũng có vẻ rẻ nữa, có 15 xu một chỗ nằm. 15 xu chưa mua nổi một bát phở bình dân đầu ngõ. Mà lại được nằm ườn ra, điều hòa mát rượi trên đầu, quạt phe phẩy thổi dưới chân. Thế thì đích thị rất xứng đáng cho cái giá rẻ mạt đã bỏ ra.
Nhưng hắn thì luôn cười thầm trong bụng vì biết bài toán startup hướng vào đối tượng là những khách hàng ít tiền của mình đã thành công mỹ mãn. Lác đác đã có phóng viên báo đài về tìm hiểu viết bài gương người tốt, việc tốt, thậm chí hôm nọ hắn còn được lên hẳn vô tuyến truyền hình trong chuyên mục “Việc tử tế” mới kinh. Người ta gắn cho hắn cái mác từ thiện, “ông già khùng làm từ thiện luôn hết lòng với những mảnh đời cơ cực, khó khăn”... Hắn đọc xong co cẳng lên ghế, bắn điếu thuốc lào, úp tờ báo lên mặt cười hềnh hệch. Thiện thiện con *** , hehe! Đời bố mày đã từng khổ như chó, đến tợp rượu cũng phải dọa lên dọa xuống , thiếu nước xòe diêm đốt cả cái quán chúng nó mới cho nợ. Những lúc cơ hàn như thế ai từ thiện cho bố mày được 5 xu?
Mặc cho đám báo chí vẫn hay ca ngợi hắn như một vị cứu tinh của người nghèo, mấy con mẹ đầu ngõ vẫn kiên quyết gọi hắn bằng hỗn danh không mấy lịch lãm: Kiệt phò. Tổ sư bọn nó chứ! Bọn chúng thay nhau viết đơn thư tố cáo khu ổ chuột của hắn lên phường. Phường đưa quân đến, hắn bắc ghế ngồi chặn ngay giữa ngõ rồi hét um lên:
"Bớ làng nước ơi, ra mà xem chính quyền ức hiếp người tử tế này!”.
Đội tuần đinh thì không sợ gì hắn, nhưng lại sợ những tờ báo hắn cầm trên tay. Những tờ báo từng viết về hắn lập tức trở thành những tấm thẻ kim bài lợi hại. Đám tuần đinh tản ra dần. Viên đội trưởng len lén liếc nhìn tấm biển to đùng treo trước cổng, mồ hôi túa ra lấm tấm. Trên tấm biển in dòng chữ tráng lệ “Anh Kiệt, việc tử tế phát trên vô tuyến truyền hình”.
Ngó thấy đám tuần đinh đã lục tục kéo nhau về hết, hắn khoan khoái vớ lấy điếu cày bắn thông liền 3 bi. Oanh liệt như nghi thức bắn đại bác vào những thời khắc trọng đại. Chiều ấy ăn cơm xong hắn đạp xe ghé qua mấy tòa soạn để đưa chút phong bì gọi là bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những phóng viên đã viết bài ca ngợi mình. Trên đường về hắn suy nghĩ mãi.
Thật ra mối quan hệ giữa hắn với báo chí là mối quan hệ cộng sinh, hai bên cùng có lợi. Hắn cần khuếch trương thanh thế, các phóng viên cần bài. Trong một xã hội mà những điều tốt đẹp đang trở nên hiếm hoi, hắn cho rằng báo đài cũng rất cần những đứa như hắn để quay tay, kích dục niềm tin và lòng từ bi cho đám đông (những người cực kỳ nhạy cảm và dễ mủi lòng với vô số mỹ từ được dẫn dắt bởi những ngòi bút sa lông ngộ chữ).
Gần về đến nhà, vội sực nhớ đến người tình, hắn ghé vào bưu điện nhờ người ta đánh dây thép cho Thị Hẹ.
Thư có đoạn viết “Hẹ em yêu! Anh lên trên này đã lâu, mọi việc kinh doanh đều thuận lợi, các nhà hảo tâm vẫn gửi tiền và quà đều, anh em báo chí đều ủng hộ, chính quyền không sờ đến, phòng trọ vì thế luôn full khách. Đận này anh cất được ít vốn để sau này lo cho chuyện của chúng mình. Hẹ ạ! Sống ở đời này chỉ cần có một tấm lòng thôi. Để làm gì Hẹ biết không? Để gió cuốn đi, gió cuốn đi… “
Mấy câu đạo lý hay ho này ấy là hắn học lỏm được trên báo (mặc dù suy từ mình ra, hắn vẫn biết tỏng đa số những đứa hay nói đạo lý thường sống như l.)
Vừa đạp xe về đâu ngõ thì hắn phát hiện ra đám cháy. Tiếng người la hét. Những bước chân huỳnh huỵch. Tiếng còi xe cứu hỏa tò te, tò te. Lửa bốc lên cao, khói đen, khói trắng mù mịt trời đất. Ai đó gào lên thảm thiết “Cháy nhà lão Kiệt phò rồi!”. Hắn nghe mà như sét đánh ngang tai. Bỏ xe đạp xuống, hắn chạy nhanh vào ngõ. Đứng ngẩn ngơ như mất hồn một lúc, chợt hắn vùng lên xông thẳng vào đám lửa đang bùng lên dữ dội. Hắn cuống cuồng trong đám cháy một cách tuyệt vọng.
Khi biết không thể cứu vãn, hắn lủi thủi quay ra đường. Ghé quán nước gọi cốc trà đá, bắn điếu thuốc lào, thở dài cái thượt. Hắn đủng đỉnh rút điện thoại ra gọi cho đám nhà báo thân tình. Giọng hắn trong điện thoại trở nên nức nở và bi tráng một cách lạ kỳ.
- Bác Kiệt khùng đây! Gọi hộ bác đám hảo tâm với cả từ thiện cái, nhà bác cháy hết rồi cháu ơi!
Rồi hắn dựa vào gốc cây xà cừ thiếp đi một lúc. Trong cơn mê hắn thấy trước mặt chập chờn hình ảnh của một cái máng lợn đã cũ.