Vườn chùa Huyền Không Sơn thượng
Từ cầu Trường Tiền đi lên phía chùa Thiên Mụ, băng ngang qua khỏi Văn Miếu Huế theo con đường nhỏ ngược lên mãi dọc theo triền núi sẽ đến vùng núi Chằm, nơi có ngôi chùa Thiền Huyền không Sơn Thượng nằm ở lưng chừng núi với vẻ đẹp kỳ lạ, huyền ảo.
Tượng Phật Thích Ca (bên cạnh Yên Hà Các)
Nếu như Thiền viện Trúc Lâm Bạch mã ẩn hiện giữa lòng hồ Truồi rộng mênh mang thì Chùa Thiền Huyền Không Sơn Thượng lại thu gọn mình trong một thung lũng, giữa những triền đồi, những dãy núi cao và một rừng thông bạt ngàn hàng vạn cây được gọi là Vạn tùng sơn trên độ cao hơn 300m so với mực nước biển. Đây là một ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông
được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989.
Trung tâm thung lũng mở ra tả Thanh Long là một triền đồi thoai thoải, hữu Bạch Hổ là một dãy núi cao liền với khối núi mẹ cây cối um tùm. Hướng tây nam có một mỏm núi với cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá gọi là Độc Thụ sơn. Dưới gốc cây cổ thụ là bức tượng đá mang dáng vẻ ưu tư của thiền sư trong bóng núi mây ngàn. Những am cốc ẩn cư nằm rải rác sâu trong rừng thông hay quanh quẩn bên sườn núi tạo ra một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp.
Những thảo am nhỏ nằm trên lưng chừng núi
Hơn chục năm về trước con đường lên Huyền Không Sơn Thượng mới chỉ là con đường dất nhỏ bé, chạy ngoằn nghèo giữa những khu rừng thông với đá núi gập ghềnh. Lúc đó khi đến đây, tôi đã rất thán phục công sức của các nhà sư chỉ bằng những chiếc xe kéo nhỏ đã đưa được vật liệu lên đây để xây dựng nên ngôi chùa. Bây giờ thì con đường nhỏ ngày xưa đã trở thành một con đường bê –tông khá lớn, ô tô có thể vào được, trong chùa còn có cả nơi để xe ô tô và xe máy dành cho khách tham quan đến thăm chùa.
Cổng vào chùa Huyền Không sơn thượng
Từ cổng chùa bạn đã thấy sự khác biệt của Huyền Không Sơn thượng so với các ngôi chùa khác. Ở đây không có cổng Tam quan to lớn, cổng chùa chỉ như cổng của một ngôi nhà theo kiểu kiến trúc sân vườn Huế. Bước vào phía trong là một khu vườn xanh ngắt với những cảnh quan kỳ ảo, đẹp như trong chuyện cổ tích. Một cây cầu gỗ bắc qua dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím ngát đưa khách bước vào Thanh tâm viên, sân trước toà Phật điện.
Cây cầu dẫn vào Thanh Tâm viên
Khác hẳn với chính điện của những ngôi chùa khác, chính điện ở đây là ngôi nhà nhỏ nhưng thoáng đãng, giản dị mái thấp và đơn sơ vách gió lùa. Chính giữa thờ duy nhất Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni như bất cứ ngôi chùa nào khác thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông.
Cổng vào Thanh tâm viên
"Cửa không mây níu áo hiền nhân
Ngõ trúc sương len hồn trí giả"
Chính điện
Tượng thờ trong chính điện
Bên phải Phật điện là Yên Hà Các, với những đường nét kiến trúc uyển chuyển, được dùng làm nơi đón khách. Đó đây, dưới bóng những cây tre ngà lao xao hay trong khu rừng trúc um tùm là những bộ bàn ghế giả gỗ để khách ngồi nghỉ, tận hưởng sự yên ả thanh bình nơi cửa Phật. Nếu muốn bạn cũng có thể xốc ba lô lên vai, men theo những con đường mòn nhỏ leo lên những sườn núi xung quanh để từ đó thỏa thích ngắm nhìn toàn bộ thung lũng dưới tầm mắt của mình.
Yên Hà Các
Thanh Tâm viên
Nếu biết rằng vị sư trụ trì chùa, Thượng tọa Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng là một nhà thơ, một nhà thư pháp tài hoa thì bạn sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy thư pháp hiện diện khắp nơi, khắc trên đá trong vườn, chạm trên gỗ, trang trọng treo trên tường, ghi trên cột cổng …Đó là những lời Phật dạy, những điều hay lẽ phải răn đời và răn người, là những cảm xúc bất chợt của các cây bút, là những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng.
Nội quy cũng là một bài thơ
Nhà thủy tạ cũng là nơi trưng bày thư pháp
Về Huyền Không Sơn Thượng, giữa đất trời bao la, được trải lòng mình ra với thiên nhiên, để một phút sống thật với chính mình… là những cảm xúc không dễ gì bạn bắt gặp nơi ồn ào, náo nhiệt của chốn thị thành…
Thay cho lời tạm biệt
(Photo : Anh Phương)