YÊN TỬ
Đất nước ta có nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích, nhưng ít nơi tập hợp cả hai loại đó vào cùng một chỗ như Yên Tử. Chẳng những Yên Tử là di tích của phái thiền Trúc Lâm mà còn là một cảnh đẹp thần tiên hùng vĩ.
Cánh đồng bằng Bắc Bộ phẳng lì trước khi chạy xoải ra bờ biển, ở rìa đông bắc có một dãy núi chặn đứng như một tấm bình phong thiên nhiên, giữa đám núi lô xô, đột khởi một ngọn núi cao vút, sừng sững, cây cối xanh rì, mây phủ hầu như suốt quanh năm ngày tháng, đó là núi Yên Tử ở nơi giáp giới Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Yên (cũ), được coi là danh sơn của miền Hải Đông xưa.
Núi Yên Tử cao 1.068 mét nay thuộc thị xã Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cách trung tâm thị xã 14km về phía Tây Bắc. Chặng đường hành hương từ chân núi lên ngôi chùa cao nhất ở khu Yên Tử dài gần 30km. Trước hết, khi tới chân núi theo một lối mòn bạn rẽ tay phải, đang còn trong cảnh rậm rạp đã nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, đó là suối Giải Oan trong veo chảy ngoằn ngoèo trên nền đá cuội và sỏi trắng. Vào mùa xuân sau Tết khi tiết trời dịu mát, rừng Yên Tử nảy lộc đơm hoa, khách thập phương thuộc nhiều lứa tuổi, trong nước và ngoài nước rộn ràng đổ về Yên Tử trẩy hội, nhắm đỉnh núi mờ sương hăm hở bước tới.
Cảnh thiên nhiên đẹp mắt quyện với cảnh chùa am cổ kính có từ thời Ngô Quyền là một trong những lý do thu hút vua Trần Nhân Tông ở thế kỷ XIII, sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, tìm tới đây tu hành và sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm, từ đó Yên Tử trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng cả nước.
Hệ thống chùa tháp Yên Tử gồm 20 công trình lớn nhỏ tập trung trên sườn phía đông của ngọn núi trong khu vực giới hạn bởi suối Vàng phía tây và thác Tử phía đông. Suối và thác đều xuất phát từ độ cao 700m cạnh chùa Vân Tiêu, chảy quanh co xuống chân núi rồi hợp dòng với nhau dưới gốc cây sung cổ thụ và đổ vào suối Giải Oan. Đường đi qua hệ thống chùa tháp là đi trong rừng trúc, dưới bóng tùng, với âm hưởng róc rách không cùng của suối Vàng, thác Tử. Vãng cảnh Yên Tử thật sự là một cuộc leo núi đầy thú vị. Nơi đầu tiên ta đến là chùa Giải Oan với con suối Giải Oan chảy qua trước chùa, nước trong như pha lê. Trước sân chùa sum suê từng khóm loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông , hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang, tổ thứ hai và thứ ba của phái thiền Trúc Lâm.
Men theo bờ suối Giải Oan đi một đoạn tới thác Long Khê (khe Rồng), nước từ trên núi cao đổ xuống ầm ầm, toé lên trắng xóa như những hạt lưu ly, tạo ra một luồng gió mạnh mang theo bụi nước mờ mờ như sương, du khách thấy mình xiết bao nhẹ nhõm, thoải mái với cái cảm giác mơn man, tươi mát này. Vòng ra sau về phía trái chùa, ta theo con đường xếp bậc đá quanh co dọc theo sườn núi, hai bên lối đi là hai hàng tùng cổ thụ. Đây là những cây tùng được trồng từ khi Trần Nhân Tông đến Yên Tử, càng già càng vươn cao khỏe khoắn, thân cành uốn lượn khúc khuỷu với những dáng độc đáo, rễ bám chắc vào vách núi, tàn lá mềm mại xanh thẫm tỏa rộng như những chiếc lọng khổng lồ che rợp con đường núi. Tùng cổ thụ ở Yên Tử này còn khoảng 270 cây, với 3 loại : thanh tùng, thủy tùng và xích tùng trong đó xích tùng là loại quý hơn cả, vân gỗ đỏ như hoa dâm bụt, ở nước ta ngoài Yên Tử không nơi nào có. Trên mặt đường đi rễ tùng trồi lên như sống trâu đan xoắn xuýt vào nhau, tạo nên bậc chắc chắn. Ở độ cao 400m là Hòn Ngọc còn gọi là núi Hạ Kiệu có mặt rộng và phẳng, nơi đây nhấp nhô hơn chục ngọn tháp, hình trụ tứ giác cao từ 1m đến 1,80m, tường mái rêu phong cổ kính, đó là mộ của các nhà sư tu hành ở Yên Tử từ thời Hậu Lê đến đầu thời Nguyễn. Dưới tán tùng râm mát, tháp đứng chon von lặng lẽ trông xa giống như các phật tử trong tư thế trang nghiêm tụng niệm.
Cao hơn Hòn ngọc 100m là khu tháp Tổ tức Huệ Quang Kim tháp. Con đường lên tháp Tổ xếp bậc đá dẫn thẳng đến trước cửa khu tháp dưới bóng một cây thông già gần ngàn tuổi, cây thẳng đứng, thân to tròn ba người ôm không xuể, cành đan vào nhau tạo nên cái tán hình tròn xương xẩu đứng cách xa chân núi hàng chục kilomét cũng nhìn thấy. Nền khu tháp Tổ cao 4m, trên mặt nền rộng khoảng 300m² là 45 ngọn tháp với nhiều kích thước và kiểu dáng khác nhau, tùng và đại vươn cành tỏa bóng xuống các đỉnh tháp nhọn. Chính giữa khu tháp là lăng Quy Đức nơi đặt mộ vua Trần Nhân Tông, ở giữa lăng nổi lên một ngọn tháp lớn, bốn mặt có tường vây. Đấy chính là tháp Tổ, nơi chôn tro xương của vị tổ thứ nhất phái thiền Trúc Lâm. Trần Nhân Tông tịch tại am Ngọa Vân,vị tổ thứ hai là sư Pháp Loa đem xác nhà vua hỏa thiêu và chôn nơi đây. Tháp Tổ có 6 tầng, cao 10m, mỗi tầng là một khối đá xanh vuông vức, càng lên cao càng thu nhỏ lại, ở tầng thứ hai có đặt pho tượng Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch cao 65cm ngồi xếp bằng trên bệ đá trạm rồng, vẻ mặt thanh thản. Quanh tháp có tường dày xây bằng gạch có lợp ngói mũi hài. Đây là một di tích thời Trần còn lại hầu như nguyên vẹn.
Con đường từ cửa tổ tò vò sau tháp Tổ lên chùa Hoa Yên lát loại gạch vuông lớn in hình hoa cúc phổ biến thời Trần (ngày nay còn được 84 viên). Chùa Hoa Yên xây phía sau khu tháp Tổ trên độ cao 8m so với nền tháp. Cúc vạn thọ sum suê, hoa chen hoa vàng rực sườn núi, cây đại 700 tuổi vỏ sù sì, cành cong veo đứng chênh vênh bên tường đá nổi bật lên chùm hoa trắng dịu, dọc theo chân tường đá là hàng dong lá tía, hoa đỏ rực như những ngọn lửa nhỏ khiến cho cảnh vật trước cửa chùa thêm ấm áp.
Chùa Hoa Yên và các chùa xung quanh tạo nên quần thể kiến trúc chính của khu Yên Tử. Chùa có quy mô lớn nhất và đẹp nhất cho nên còn có tên là chùa Cả, được xây dựng trên dải đất hình cánh sen bao quanh sườn núi gồm hai phần : tiền sảnh và hậu cung rộng khoảng 150 m² thờ hàng chục pho tượng lớn toàn bằng đồng, lớn nhất là tượng Trần Nhân Tông đặt ở chính giữa hậu cung, ngồi xếp bằng trên đài sen, vẻ mặt không gợn chút trần tục. Gian bên trái chùa, trước tiền sảnh treo một quả chuông lớn đúc thời Lê mạt có khắc bài minh hàng ngàn chữ nói về lịch sử phái thiền Trúc Lâm. Xưa kia trên mặt bằng chùa Trúc Lâm có lầu chuông, lầu trống, am Thiền định, nhà dưỡng tăng, nhà khách nay không còn. Bên phải chùa là suối Ngự Dội (nơi vua tắm), một đoạn của suối Vàng chảy ngầm trong núi đến đây vọt ra thành một đường cong lắp lánh ánh bạc.
Đến chùa Hoa Yên vào buổi chiều tà, du khách đã qua nửa chặng đường leo núi Yên Tử, được mời nghỉ chân qua đêm tại chùa để lấy lại sức sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. Đêm ở chùa thật kỳ ảo, trong không gian mênh mông, văng vẳng tiếng suối róc rách, tiếng trúc rì rào, tiếng tắc kè thảng thốt, đâu đây thoang thoảng mùi hương phong lan, mộc miên, trứng gà, hoa dẻ...
Phía sau chùa Hoa Yên là chùa Phổ Đà, gần đó là tháp Độ Nhân bằng gạch cao 1,5m, bệ tháp ghép bằng gạch chạm nổi đầu rồng, đầu lân hoặc hoa sen và tráng men xanh, bốn cây tùng cổ thụ đứng bốn góc tháp cành đan vào nhau tạo nên mái lá dày che rợp đỉnh tháp. Rời chùa Phổ Đà men theo con đường vắt qua sườn núi sẽ đến am Ngọa Vân (am trong mây), trước mặt là thác Tử từ trên lèn đá cao 10m đổ xuống sôi réo trong các khe đá rồi tràn qua mặt đường, lao xuống vực. Am Ngọa Vân tựa vào sườn núi, dưới tán hai cây tùng lớn, hơi nước từ biển Đông theo gió bay vào Yên Tử gặp khí lạnh của núi biến thành màn mây mỏng bàng bạc như khói, lùa vào am vương vấn trên tán tùng, bồng bềnh trong rừng trúc, cảnh núi rừng hòa tan trong làn mây mỏng nhẹ rồi lại từ từ hiện ra từng mảng đậm nhạt, chỗ xanh, chỗ trắng như một bức tranh thủy mạc kỳ diệu. Trước cửa am Ngọa Vân phía trước sườn núi có am Thung (am giã thuốc) và am Dược (am chế thuốc). Đến Yên Tử tu hành, Trần Nhân Tông cũng đã từng là một thầy thuốc.
Từ am Ngọa Vân đi lên con đường gần như dựng đứng. Sen đất mọc thành bồn trong những kẽ đá ven đường, lá hoe vàng, ram rám và tròn xoe, hoa năm cánh, hồng tươi và mỏng, tỏa mùi hương dịu nhẹ, lan trắng, lan tía mọc chen trong khóm trúc, hoa loa kèn nở rộ, phong lan buông từng chùm vàng hay trắng, dọc đường trên mỗi quãng ngắn có một cây vạn tuế lá xanh thắm bốn mùa. Ở một vị trí cheo leo hiện ra chùa Bảo Sái với các tượng đồng của ba vị tổ Trúc Lâm, phía sau chùa là am Ngộ Ngữ với bệ đá hình chữ nhật, tương truyền đây là nơi Trần Nhân Tông hàng ngày nằm giảng đạo cho sư Pháp Loa, cạnh am là giếng Thiêng nước trong vắt và cây gạo lớn thân tròn cao và thẳng vút mọc bên giếng, tàn xòe rộng, mùa hè gạo nở hoa, tàn cây đỏ như vầng lửa bùng lên mái am, dưới gốc gạo một con cọp đá cao 60cm quỳ hai chân trước nhìn vào am hiền lành và chăm chú như đang nghe kinh.
Cách chùa Bảo Sái vài trăm mét là chùa Vân Tiêu (chùa trên mây). Chùa đã bị cháy từ cuối thế kỷ trước, nay chỉ còn nền gạch và bệ thờ Phật, năm ngọn tháp trước cửa chùa vươn lên dưới mấy gốc tùng cháy. Khu tháp này được gọi là Vọng Tiên Cung, tháp cao nhất 7m hình bát giác với 9 tầng cân đối là một trong những tháp độc đáo nhất của khu Yên Tử. Bên phải chùa Vân Tiêu là suối Hàm Long, khúc thượng lưu của suối Vàng, dòng nước trong veo, lưu lượng lớn, đều đặn, bốn mùa không thay đổi, tục truyền rằng du khách nào dừng chân tắm suối này thì da sẽ mịn hơn, người sẽ khỏe thêm.
Từ chùa Giải Oan đến chùa Bảo Sái là đường rừng, trúc, mai, giang bạt ngàn, mọc ken dày, thẳng tắp, mái lá rậm rạp, mượt mà phủ quanh các mái chùa, đỉnh tháp và rủ xuống hai bên lối đi. Ở đây ngoài nhiều loại trúc thường thấy có loại trúc hóa rồng thân vàng đậm, đốt chỗ thưa chỗ mau, gốc trồi lên mặt đất uốn cong với bộ rễ dày và xoăn tựa đầu rồng. Về mùa xuân, dưới những cơn mưa bụi, các loại măng bật lên từ lớp đất ẩm ướt phủ đầy lá mục : măng giang mập mạp, măng trúc vàng ánh, măng mai mảnh dẻ, tất cả đều mọc thẳng, nhọn hoắt làm cho rừng Yên Tử trẻ lại, đầy sức sống sau mùa khô hanh lạnh lẽo. Rừng trúc là sản phẩm vô tận của Yên Tử, tượng trưng cho sinh lực dẻo dai và vẻ đẹp thanh bạch của thiên nhiên, có lẽ vì vậy Trần Nhân Tông đã lấy tên Trúc Lâm đặt tên cho phái thiền do ông sáng lập. Làm bạn với trúc, mai, giang là các loài chim. Chiều chiều khi hoàng hôn xuống, vô vàn cu xanh, cu đất, chào mào, cà cưỡng,cò lửa, chích chòe... bay về ngủ, đậu rợp rừng trúc, kêu chao chác, inh ỏi.
Từ chùa Bảo Sái con đường dốc khúc khuỷu quanh co dẫn tới chùa Đồng. Hai bên lối đi, những khóm mẫu đơn đơm đầy hoa trắng, hoa đỏ, từng đàn bướm rừng to bằng bàn tay mang sắc cầu vồng loang loáng trên cánh, vờn quanh.
Cổng Trời, Chợ Trời, Hồ Sen (bằng đá) nằm chênh vênh dọc đường. Cổng trời là nơi con đường luồn qua giữa hai vách đá, đi tiếp vài trăm mét, trên sườn núi lúp súp cây dại thấy đột ngột hiện lên trong màn sương mờ ảo một nhà sư mặc áo thâm hai tay chắp trước ngực đứng lặng lẽ nhìn ra lối đi như đang cầu nguyện. Đó là một mảng đá cao 3,5m tương truyền là tượng sư An Kỳ Sanh tu hành đắc đạo và hóa thành phật đã nhập vào mảng đá này. Dưới chân tượng có am nhỏ. Vùng chóp núi Yên Tử là một sàn đá nguyên khối hình cánh quạt, nghiêng từ tây sang đông. Chùa Đồng ở trên mô đá cao nhất và khá bằng phẳng như cái chốt của chiếc quạt. Cạnh chùa có một phiến đá rộng phẳng phiu, đó là Bàn cờ tiên. Điều kỳ lạ làm cho ta sửng sốt khi đặt chân lên sàn đá khổng lồ của vùng chóp núi ấy là sự hiện diện của một rừng sú lộng nguyên sinh và những khối đá in ngấn sóng, lác đác trong một số hốc đá có vỏ hà, vỏ sò. Như thế là ở độ cao 1.068m của chóp núi chon von ta lại gặp hình ảnh của biển cả ! Rừng sú lộng chiếm trên 2/3 bề mặt của sàn đá với diện tích hàng ngàn mét vuông. Sú ở đây cũng giống loại sú mọc ven bãi biển, nhưng là sú cổ thụ cao chừng 2m gốc to tròn, sụn xuống, ngọn thắt lại, cong queo, cành sần sùi, lưa thưa vài chiếc lá cứng nhỏ, chim vẹt mỏ đỏ đuôi xanh từ trong rừng sú bay vút ra kêu cheo chét. Cạnh mép rừng sú dọc theo lối lên chùa có nhiều khối đá lạ, vuông vức như được ghè đẽo, xếp nối tiếp cạnh nhau. Ở các khối đá này đều có những đường lõm nông, rộng, nhẵn thẳng tắp và đều cách mặt trên một quãng bằng nhau, đó là những ngấn sóng. Ngấn sóng trên các khối đá và rừng sú lộng ở trên chóp núi Yên Tử cho thấy rằng cách đây hàng trăm triệu năm nơi này còn là mặt bằng ven biển.
Đứng sừng sững cạnh rừng sú lộng và trước cửa chùa Đồng là bia Phật, một vách đá thiên nhiên cao 3,5m, rộng 2m có khắc chữ « Phật » cao 60cm.
Chùa Đồng (còn gọi là chùa Thiên Trúc) vốn là một khối đồng hình trụ, đến thời Nguyễn được dựng lại bằng xi-măng cốt sắt. Đứng ở chùa Đồng là đứng trong biển mây, trời thoắt nắng, thoắt râm, ngọn sú, mái chùa, bia Phật chợt hiện ra lờ mờ, chợt lại biến mất. Lúc gió ngừng thổi, mây đột ngột buông xuống vây quanh chóp núi trắng xóa. Lúc trời quang mây, đứng ở chùa Đồng, tầm mắt có thể bao quát cả không gian bao la hùng vĩ của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Phía đông là vịnh Hạ Long mênh mông với hàng ngàn đảo đá xúm xít như chuỗi ngọc, phía đông nam là Thành phố - cảng Hải Phòng chạy dài bên bờ sông Cấm, ngày đêm tấp nập tàu thuyền, phía nam và tây nam bát ngát những cánh đồng lúa, rau, tiếp mùa thay nhanh áo mới, phía bắc là cánh rừng bạt ngàn, xa xa những ngọn đồi đất nâu sẫm nhấp nhô in trên nền xanh lam của những rặng núi đá trùng điệp. Chính không gian bao la mà đỉnh núi Yên Tử có thể bao quát được đã khiến Trần Nhân Tông chọn nơi này để dựng chùa, truyền đạo, nhưng thực sự để làm vọng gác tiền tiêu phía bắc Tổ quốc. Đứng trước cảnh núi non hùng vĩ ấy ta mới thấy hết được ngọn bút xảo diệu của đại văn hào Nguyễn Trãi đề vịnh Yên Tử (tạm dịch) :
Trên non Yên Tử chòm cao nhất
Trời mới canh năm đã sáng tinh
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả
Nói cười người ở giữa mây xanh
Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa
Bao dải tua châu đá rủ mành...
Rời chùa Đồng để xuống núi, du khách còn ngẩn ngơ tiếc mãi cảnh trí thần tiên với dàn nhạc thiên nhiên vĩ đại và nhạc cụ là đá núi, và nhạc công là gió biển...
Lê Văn Hảo