Thành phố Nam Định được hình thành năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Nhà vua cho xây thành gạch, có kỳ đài (cột cờ) và 5 cửa ở 4 phía. Phía Đông thành, trên bờ sông Vị Hoàng là phố xá buôn bán mặt hàng thủ công và lâm thổ sản khá sầm uất. Ở Bắc kỳ khi ấy, Thành Nam có vị trí khá quan trọng. Nhiều mặt chỉ đứng sau Hà Nội. Riêng về địa danh, Long Thành (Hà Nội) có 36 phố phường với chữ đầu tên phố là “Hàng”: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Tre… Nam Thành (Nam Định) cũng có 25 phố “Hàng”: Hàng Rượu, Hàng Đàn, Hàng Đường, Hàng Quỳ, Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Lọng, Hàng Giấy, Hàng Mũ, Hàng Giầy, Hàng Nón, Hàng Dầu, Hàng Thao, Hàng Cau, Hàng Nồi, Hàng Thiếc, Hàng Sứ, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Song, Hàng Mâm, Hàng Bát, Hàng Nâu, Hàng Cót... Và có những phố bán vật liệu mà chữ “Hàng” ẩn đi: Bến Gỗ, Bến Củi, Giá Nứa, Vải Màn…
Khi đặt tên phố, tên làng, người xưa thường gửi gắm vào đó những tình cảm, nguyện vọng, ước mơ về cuộc sống của mình. Có khi cả những điều mang ý nghĩa tâm linh. Nên chăng trong quá trình xây dựng, chỉnh trang để Thành Nam trở thành đô thị loại I, chúng ta cần sớm xác lập quy hoạch tên đường phố và “trả lại tên” những đường phố gợi nhớ một Thành Nam xưa văn minh, thanh lịch?
Nguồn sưu tầm.