Cho Chủ đề Mùa Thu Hà Nội, buổi Tasting tối nay, chúng ta sẽ được quay trở lại với 7 dòng Single Malt đặc sắc, matching rất hài hòa với thời tiết, không khí, khung cảnh mùa thu, mang lại hương vị và cảm xúc mùa thu. Thực ra thì chúng ta còn có thể lựa chọn ra được nhiều dòng Autumn Dram nữa, tuy nhiên, cho một buổi Tasting có chủ đề, thì chúng ta không nên lựa chọn quá nhiều dòng. Số lượng tối ưu, có lẽ là từ 5 đến 7 dòng.
Trong các dòng mà chúng ta sẽ Tasting, đa phần là những chai có sẵn trên thị trường VN, trong đó có những chai đã xuất hiện từ rất lâu ở VN như Glenfiddich 18yo Small Batch, có những chai thuộc dạng "đâu đâu cũng thấy" như Nectar D'Or và Signet của Glenmorangie. Duy chỉ có 1 chai thuộc hàng Limited Edition, rồi đây, chẳng bao lâu nữa, sẽ hồ như chỉ nằm yên trong các bộ sưu tập, và đối với một số người, nó sẽ chỉ còn trong hoài niệm. Đó là Octomre 4.2. Việc em nó về đến VN với tư cách là một dòng hàng được nhập khẩu chính thức cũng là một dạng "kỳ tích" vì em này thuộc nhóm hàng khó bán, kén khách và luôn luôn dễ rơi vào "nhóm nguy cơ cao" vì đọng hàng.
Các dòng SM còn lại như Benromach, Old Pulteney, Tomatin, cho dù được đưa vè VN đã lâu, hay mới xuất hiện trên thị trường, dù bán ra chậm, hay bán chạy, thì đều là những dòng rất xuất sắc, đẳng cấp, và có style hương vị rõ ràng, hấp dẫn và quyến rũ.
Ngược về những năm sau khi VN ta bắt đầu đổi mới, Blended Scotch Whisky bắt đầu bán phổ biến trên thị trường vào đầu những năm 1990s, với các nhãn hấp dẫn khi đó là Johnnie Walker Red Label NAS và Black Label 12yo. Nó mang lại cho người tiêu dùng VN những cảm giác mới mẻ, sảng khoái, mạnh mẽ, khác biệt với những mẫu rượu Tây ít ỏi, quen mắt thời kỳ đó là dòng Brandy giá rẻ của Pháp như St. Remy, Raynal, hay cao cấp hơn một chút thì có mấy nhãn Cognac sang trọng: Hennessy, Martell, Remy Martin, Courvoisier. Nhớ thời kỳ đầu những năm 1990s, khi đi hát Karaoke, giữa mùa đông Hà Nội giá lạnh, bên nàng thiếu nữ Hà Thành mịn màng và ấm áp, thì chúng ta còn cảm nhận thấy sảng khoái vô cùng với sự nồng ấm râm ran, vị khói cay cay mạnh mẽ, lan tỏa của em Black Label. Thời kỳ đó, với nhiều người, như thế cũng đã là... đế vương, còn Black Label cũng đã là... đỉnh cao tiên tửu.
Nhắc lại một chút chuyện quá khứ, ngồi giữa mùa thu Hà Nội để hoài niệm về những mùa đông đã xa, đã cách đây khoảng 20 năm, để thấy rằng văn hóa thưởng thức rượu, lịch sử dùng rượu ngoại trong vài chục năm gần đây của dân Việt ta cũng đã đã có sự thay đổi nhanh chóng và phần nhiều là theo hướng tích cực.
Công đầu trong việc đưa các dòng rượu Blended Scotch Whisky đẳng cấp thế giới như JW, Chivas Regal, Ballantine's về Việt Nam thuộc về các Tập đoàn hùng mạnh trên thế giới như Diageo, Pernod Ricard. Họ đưa các sản phẩm này về VN hoặc thông qua con đường gián tiếp, hoặc thông qua các kênh trực tiếp.
Tuy nhiên, vì chú tâm làm thị trường để đẩy mạnh doanh số của các dòng rượu có tính thương mại cao, có lợi nhuận cao và dễ nhận diện như 3 nhãn kể trên, họ đã dường như cố tình "bỏ quên" việc đưa về VN các dòng Single Malt đẳng cấp mà họ đang sở hữu. Phải chăng vì việc có quá nhiều nhãn rượu, họ sẽ khó làm thị trường, làm thị trường sẽ vất vả hơn, tốn kém hơn? Phải chăng vì họ nghĩ rằng người VN vẫn chưa đủ kiến thức, trải nghiệm, chưa đủ tầm để thưởng thức những dòng SM đẳng cấp cao đúng cách? Phải chăng...?
Trong khi chúng ta đang chưa rõ vì lý do gì với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, thì chợt nhận ra, một ngày kia, một số nhãn SM đình đám, song hành cùng với một số nhãn Cognac, Armagnac, Calvados... cũng rất đình đám đã bày bán trên thị trường Việt. Và thật ngạc nhiên, các em này xuất hiện ở VN hoàn toàn nhờ vào công của các Công ty thuần Việt, chứ không hề có bàn tay hay bất cứ cú hích nào của các Tập đoàn kinh doanh đồ uống có cồn quốc tế. Và ngày qua ngày, số nhãn hàng đình đám trong lĩnh vực đồ uống thế giới đã lần lượt có mặt tại VN với giá bán hợp lý đã ngày càng tăng thêm. Họ đã mang các dòng đồ uống tốt về VN với một sự chịu đựng bền bỉ và niềm đam mê đầy cảm hứng, cũng như cả một niềm tin bao la.
Vâng, đành rằng kinh doanh là phải hướng tới lợi nhuận, hướng tới làm giàu, nhưng nếu không có đủ đam mê và hy vọng (đôi khi là "ảo vọng"
) rằng một ngày kia dân VN (với số đông) sẽ sành rượu hơn, sẽ làm quen rồi đam mê văn hóa thưởng thức và hiểu biết nhiều hơn và doanh số sẽ dần tăng lên nhiều hơn, thì chắc chắn nhiều người đã không thể nào kham nổi. Trên thực tế, nhiều công ty bé nhỏ của người Việt của chúng ta đã gục ngã trên chặng đường dài này. Nhiều người đã chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực khác dễ thở hơn, lợi nhuận tốt hơn, nhưng vẫn đau đáu với niềm đam mê ẩm thực, trong đó, đồ uống có cồn của phương Tây vẫn luôn là món hấp dẫn cả "ẩm khách" lẫn thực khách xưa nay.
Qua đó, có thể thấy, công lớn nhất để đưa các dòng Single Malt về VN thuộc về các gã đam mê xứ Việt, chứ không phải là những tay Khổng lồ quốc tế lắm tiền, nhiều của. Việc Diageo vác vào VN một dòng Singleton, Pernod Ricard vác về một dòng Glenlivet, hay Hennessy chú trọng đến Glenmorangie vẫn là những bước đi sau, dường như thấy rằng không thể chậm chân hơn. Tuy nhiên, với sức mạnh tài chính hùng hậu, với kinh nghiệm kinh doanh hàng trăm năm, họ đang tỏ ra lấn át thị trường với những dòng rượu mà có nếm trải, có thưởng thức, có hiểu biết, "ẩm khách" mới có thể thấy rằng phẩm cấp của chúng có lẽ vẫn còn kém xa nhiều dòng SM có tên có tuổi ở phương Tây nhưng hãy còn xa lạ với dân Việt.