Nguyễn Tuấn – Mạc Tư Khoa, 28 năm trước và hôm nay
Một ngày cuối tháng 8 đầu những năm 80, chúng tôi rời Hà Nội đi Mạc Tư Khoa, trước khi tỏa đi tiếp các thành phố của Liên Xô và Đông Âu. Thời đó Nội Bài còn là một phi trường sơ sài, nhìn ra duy nhất một chiếc IL62 của Aeroflot trên phi đạo. Đối với tôi đó là một chuyến đi lớn, cả đời tôi chưa đi máy bay bao giờ. Ngồi ăn chiếc kẹo lạc và uống cốc nước chè cuối cùng trong một quán cóc, bà hàng quán nói với tôi, cậu sướng thật, được đi Tây, cưỡi máy bay như ông Tề Thiên, chết cũng sướng. Bà bác của tôi không ngừng nhắc, cháu nhớ đưa cái quần bò cho anh M. ngay nhé, lúc xuống sân bay. Thời đó tiêu chuẩn đi Tây (không hiểu sao người ta gọi là đi Tây, mặc dầu Liên Xô và Đông Âu chằng có dính gì tới Tây) mỗi người được mang theo 2 cái quần bò, vài chục hộp dầu cù là Sao Vàng. Tôi nhường tiêu chuẩn một cái cho bà bác gởi ông anh họ đang học ở Lomonosov, cái quần dành cho người Nga mặc, to đùng. Hải quan Nội Bài chăm sóc chúng tôi rất kỹ, hai cái quần bò là hai cái, vali đứa nào cũng bị mở tung. Nhưng cửa bên cạnh dành cho chuyên gia Liên Xô, họ tha hồ mang, những kiện hàng to chẳng ai dám mở. Nhìn qua rất nhiều quạt máy Sanyo và máy hát của Nhật, còn nguyên hộp. Hễ Liên Xô là chuyên gia, mà chuyên gia thì bố thằng nào dám sờ, đem về bao nhiêu quần bò không được. Tôi tự hỏi tại sao ai giới hạn cho chúng tôi hai cái và tại sao người Liên Xô mang vô tội vạ mà chằng ai dám hỏi, ngông ngênh đầy những thùng hàng như chỗ không người.
Mạc Tư Khoa là một sức hấp dẫn rất lớn đối với chúng tôi, một thế hệ lớn lên không có một bài nhạc tình nào ngoài những bài như “Cây thùy dương” và “Chiều Mạc Tư Khoa”. Trong quyển vở lưu niệm trước lúc tốt nghiệp, một cô bạn gái còn viết cho tôi, bạn ơi chia tay nhé, khi nào gởi về cho tớ một chút hương bạch dương của Mạc Tư Khoa!
Bồng bềnh trong chiếc IL62 với máy lạnh, sau một trạm dừng ở Bombay rồi một trạm nửa ở Karachi, tôi đến phi trường Seremetevo vào buổi sáng sớm. Seremetevo trong mắt tôi lúc đó sao hoàng tráng, những thang máy cuốn và đèn rực rỡ, nhừng người lính hải quan Nga, cao lớn, tóc ngắn, mắt xanh, đi ủng, nhìn như muốn xoáy vào mặt mình.
Một nhân viên của sứ quán đón chúng tôi để chuyển về nhà trọ, anh M. đứng chờ tôi cùng với người nhân viên. Trên xa lộ vào Mạc Tư Khoa, tôi cứ dán mắt vào những khu rừng cạnh đường, cố tìm xem cây bạch dương là cây gì. Mười tám tuổi, chằng có giấc mơ nào không đẹp!
Về nhà trọ khoảng 10 giờ sáng, anh M. xin phép cho tôi được đi với anh, cuối ngày về lại. Anh M. là một niềm tự hào cho dòng họ chúng tôi, anh học siêu giỏi, lại học ở Lomonosov, đối với tôi anh là một thần tượng, cái bưu ảnh Mạc Tư Khoa anh gởi cho tôi chẳng là niềm thôi thúc cho tôi học cho được đủ điểm đi Tây đó ư. Chân tôi như có cánh trên những con đường buổi sáng hôm đấy. Chúng tôi đến Hồng Trường, màu đỏ rực rỡ, sắp hàng cả tiếng đồng hồ đề vào thăm Lăng Lenin. Những trạm metro vĩ đại với những tượng đài bằng đồng về những người lính cầm súng máy và những chị công nhân mắt ngời sáng. Lần đầu tiên tôi được uống Fanta từ những cái máy tự động gần trạm metro, anh M. bỏ mấy kopeck vào và một cái ly giấy rớt ra, rồi một dòng nước cam vàng chảy vào. Đi vòng vòng ở gần Hồng Trường, anh M. chỉ cho tôi một tòa nhà màu vàng và nói, mày có biết thế nào là bạo lực cách mạng không? Tôi chưa kịp nói thì anh tiếp, trụ sở của KGB đấy, rồi cười cười. Chúng tôi đi qua khu mua bán GUM, đối diện với Lăng Lenin, tôi hỏi anh M. sao nhiều cửa hàng chẳng có gì. Anh trả lời, bây giờ mày hiểu tại sao chuyên gia Liên Xô về nước với những kiện hàng đầy đồ Nhật.
Tòa nhà nổi tiếng KGB cũ (giờ là Cơ quan An ninh Nga)
Xế chiều chúng tôi đến Công viên Maxim Gorki, tôi nhớ hai anh em ăn kem, lúc vào nhà toilet trong công viên tôi bỗng khựng lại, như muốn nôn, toilet bẩn một cách kinh khủng, thối khủng khiếp và mấy cửa toilet không còn khiến tôi thấy mấy bác Nga đang ngồi chồm hổm. Lúc trở ra, anh M. hỏi tôi, mày bị gì đấy mà mặt mày xám ngắt.
Trước lúc kết thúc một ngày, anh M. dẫn tôi về khu nhà chính của Trường Lomonosov, anh ở trong đó. Một khu nhà đồ sộ khủng khiếp đã trở thành một biểu tượng kiến trúc của Mạc Tư Khoa. Anh M. không dẫn tôi vào cổng mà dẫn vòng qua bên hông khu nhà, nơi hàng rào cao ngất, tới một chỗ, anh bảo, mày thóp bụng chui qua hai chấn song đi. Tôi chui qua dễ dàng, đến lượt anh M. cũng thế. Anh giải thích, công an gác bốn cừa ra vào, mày không phải là sinh viên thì đừng hòng, cho nên một thằng mới nghĩ ra, nống một chút thôi hai chấn song hàng rào thì người Việt mình nhỏ bé có thể lọt qua, nhìn không ai biết là song sắt bị nống thêm mấy phân. Lên phòng của anh, dưới giường toàn bàn là Liên Xô và quạt tai voi. Anh nói, cái quần bò tôi đem qua bán ra có thể mua được cả 50 cái bàn là, sang năm anh về rồi, mẹ anh bảo phải có chút vốn. Ôi ông bà của chúng tôi có nghĩ rằng hậu duệ xuất sắc của dòng họ, một sinh viên giỏi của Lomonosov, đang tích lũy từng cái bàn là cho ngày về nước? Anh M. dẫn tôi đi ăn ở nhà ăn của trường: một miếng thịt nhỏ chút, một vài lát bánh mì đen, một ly kvac (thứ nước rất phổ thông ở Nga, làm bằng bánh mì đen). Tôi nhớ một khẩu hiệu băng ngang chỗ vào, đập vào mắt: Slava Sovetski Nauke (Vinh quang cho khoa học Sô-viết). Lúc trở ra, anh M. mượn thẻ sinh viên của một người bạn cho tôi ra cửa, ở mỗi cửa có hai cảnh sát, anh M. bảo, cho bọn trí thức biết thế nào là bạo lực cách mạng!
Trở về chỗ tập trung đã trễ, đáng lẽ tôi sẽ thức để viết lá thư đầu tiên cho cô bạn gái về sự huyền hoặc của buổi chiều Mạc Tư Khoa mà chúng tôi đã vẽ trong tâm trí, một Mạc Tư Khoa bình yên và thiên đường, nhưng tôi thấy chán nản và nhọc nhằn chìm trong giấc ngủ, những cái bàn là của anh M. cứ ám ảnh tôi cả trong giấc mơ.
*
28 năm sau, tôi quay lại Mạc Tư Khoa, tới Seremetevo vào buổi sáng như lần đầu tiên. Liên Xô sụp đổ đã 18 năm. Seremetevo không còn cái hào quang quyến rũ cũng như xa lộ vào Mạc Tư Khoa thấy bé chút với hai làn xe mỗi bên. Nước Nga đi qua sự đổi thay, mang đến bao nhiêu xung đột và tranh cãi. Trung tâm thành phố vẫn thế, có hơn là những chiếc xe đắt tiền khắp nơi. Tòa nhà KGB vẫn chễm chệ với màu vàng cố hữu, bây giờ là Cơ quan An ninh Nga. Người ta vẫn xếp hàng vào Lăng Lenin và phía sau lăng, dưới tượng của Stalin, Brezhnev và những công thần Sô-viết vẫn có hoa tươi. Một chủ nghĩa toàn trị mới với đảng của Putin thay cho *************. Nguồn lợi khổng lồ từ dầu hỏa mang lại nhiều tỉ phú và một giai cấp thượng lưu mới. Mạc Tư Khoa nhiều năm xếp hạng đắt đỏ nhất thế giới, cái gì cũng có nhưng với giá trên trời. Cái oái ăm là lương một người lao động bình thường ở Mạc Tư Khoa chỉ hơn 500 đô/tháng thì thử tưởng tượng sự khó khăn của những người bình thường lên đến ngần nào. Tôi đến làm việc với những người Nga trong một xí nghiệp vừa được tư hữu hóa. Không thể tưởng tượng được là người ta có thể làm việc trong những tòa nhà như thế, những tường vôi lở loét, những ống dẫn ga hen rỉ, những cầu thang sạt lở, cửa sổ không còn kính. Một người Nga chỉ cho tôi một cơ phận đã được sử dụng trên những chiếc vệ tinh đầu tiên của Liên Xô, giờ nằm trong một tủ kính đầy bụi, trong một tòa nhà có thể sập nay mai. Trong cuộc chơi này, kẻ thắng không biết có lấy hết không nhưng người thua chẳng còn gì. Ra khỏi Mạc Tư Khoa, bao nhiêu xí nghiệp thời Sô-viết bỏ hoang, cỏ cây liếm dần. Người Nga tự hỏi, tiền tỉ, tỉ từ dầu hỏa đi về đâu?
Một khu sản xuất “hi-tech”, giờ với những ống khí rỉ rét
Nhiều người Nga sẽ tìm đến tượng đài của Lenin, Stalin để thổn thức hoài niệm của một quá khứ vinh quang, khi 20 cái bàn là Nga ở Hà Nội có thể mua được một đầu máy nhạc Nhật, và khi một thằng nát rượu cũng được mang danh chuyên gia đi qua Nội Bài khỏi phải thủ tục hải quan. Nhiều người Nga, kể cả nhiều người cộng sản Nga sẽ thức thời đi theo đảng của Putin, kiếm một cuộc sống sung túc từ những bòn rút hợp pháp từ tài sản quốc gia. Nhưng đa số thầm lặng vẫn sống và nhẫn nhục.
Một nhà máy bỏ hoang
Khi rời Mạc Tư Khoa, người bạn Nga đưa tôi chạy một vòng quanh Lomonosov, những song sắt hàng rào quanh tòa nhà vẫn như xưa. Tôi mường tượng nghĩ rằng, 28 năm trước, khi ép người để đi qua những song sắt ấy, tôi đã bước qua được niềm tin rằng Mạc Tư Khoa không phải là thiên đường như người ta vẫn dạy tôi và các bạn tôi. Ngắn hơn một đời người, sự sụp đổ của dối trá nhanh hơn chúng ta tưởng!
Tôi cũng muốn nói với cô bạn gái của tôi rằng mùi hương bạch dương mà chúng ta huyền thoại lúc còn trẻ chẳng có gì là thật. Thế nhưng bao cuộc đời đã mất đi để đi tìm cái hư ảo ấy.
.....
Em cũng ở Nga giai đoạn 1999-2000 và cũng có 1 thời để nhớ nhưng em lại tìm thấy cái này... :^):^):^)