Vừa đọc được câu chuyện ở Tràng An, ko phải cuộc sống hàng ngày nhưng cũng share vào cho các cụ đọc.
Bài 1: “Oan hồn quân sỹ” đưa một phó giám đốc ở Hà Nội về Tràng An tìm trận đồ trấn yểm
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tâm linh (cơ quan trực thuộc UIA), đã mời tôi về Ninh Bình, tham dự sự kiện Hội thảo quốc tế du lịch tâm linh diễn ra tại chùa Bái Đính. Khi xe chạy phăm phăm trên cao tốc, chị Hương mới tiết lộ rằng, nhân sự kiện này, tìm về đó, xem có gặp được cao nhân nào không. Câu chuyện cứ úp úp, mở mở, để rồi, mãi sau, tôi mới hiểu rằng, hóa ra, chị Hương cùng một nhân vật nữa trên xe, là Lê Thái Bình, tìm về Ninh Bình còn có mục đích khác. Ngày diễn ra sự kiện Hội thảo du lịch tâm linh cũng là ngày đẹp, là ngày linh khí hội tụ ở vùng đất Tràng An. Vào hội thảo trong chùa Bái Đính uy nghiêm dạo vài vòng, không tìm được nhân vật nào thực sự hiểu cặn kẽ phong thủy quốc gia, nên chúng tôi rời hội thảo, ngược ra Tràng An. Ở khu du lịch Tràng An có hai địa danh là Tràng An và Tràng An Cổ. Tràng An là khu vực mới được xây dựng, đẹp tráng lệ, thực là thiên đường dưới hạ giới. Khu vực khe núi này được đắp đập, trữ nước, các quả núi được đào thủng, tạo thành những dòng sông ngầm, du khách đi thuyền thưởng ngoạn cả ngày mới hết. Tràng An Cổ nằm cạnh đó, khá khiêm tốn, vắng khách hơn, nhưng đây mới thực sự là Tràng An. Người khai sinh ra cả hai khu du lịch nổi tiếng này chính là ông Nguyễn Văn Son, người con đất Tràng An. Ông khảo sát, thiết kế, rồi người em họ, là đại gia Nguyễn Xuân Trường xây dựng khu Tràng An mới, còn ông lui về làm ông chủ khu Tràng An Cổ. Tràng An Cổ đầy bí hiểm, đau thương, nơi ông xác định gắn bó cả đời. Chuyện về ông Son sẽ nói ở phần sau.
Lần về Tràng An cổ này, chị Nguyễn Thị Thu Hương, và anh Lê Thái Bình đã xem ngày kỹ lưỡng. Anh Lê Thái Bình sinh năm 1983. Chàng trai quê Hải Phòng này già dặn hơn tuổi rất nhiều. Hiện anh Bình là Phó Giám đốc Công ty Sao Phương Nam và chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt. Anh Bình là thầy giáo dạy thiền, hướng dẫn hàng trăm người tập thiền để nâng cao sức khỏe, khám phá những bí ẩn của bộ não. Anh Bình tâm sự: “Tôi tốt nghiệp đại học, có trình độ hẳn hoi, không phải người u u mê mê tin vào những chuyện dị đoan, nhưng những thứ tôi trải qua, chứng kiến thì không thể nào dùng lý luận khoa học để bác bỏ được”. Câu chuyện anh Bình kể trên hành trình tìm về Tràng An cổ quả thực khiến tôi có cảm giác như lạc vào cõi u mê, như thể mình đang lạc vào không gian đầy sự mộng mị của thời Đinh, thời Lê xa xăm, tít tắp ngàn năm trước.
Cách đây 2 năm, Lê Thái Bình bỗng nhiên bị rơi vào trạng thái lạ, mà anh gọi là “cơ đày”. Anh Bình có những biểu hiện kỳ lạ, như thể bị vong nhập, hoặc nhìn thấy vong. Anh Bình thuật lại: “Kể ra thì bảo mê tín dị đoan, nhưng tôi đang là người bình thường, tâm lý ổn định, thể chất khỏe mạnh, thậm chí là lãnh đạo trẻ của một doanh nghiệp, thì không thể nói có đầu óc mê tín dị đoan, dễ dàng tin vào chuyện ma quỷ được. Trước đó, tôi không hề đi hầu đồng, hầu bóng, áp vong, nên không thể nói bộ não bị tổn thương. Nhưng đột nhiên, như có sự mách bảo, tôi cứ thế ra đền Ngọc Sơn (đền Ngọc Sơn trên hòn đảo giữa hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội), rồi múa may ở đó. Lúc tỉnh lại, thì lại tìm đường về nhà, không có biểu hiện gì nữa. Khi ra đền Ngọc Sơn, tôi thấy quân lính nhiều, người gãy tay, gãy chân, người cụt đầu, máu me. Thấy hiện tượng lạ, nhưng lúc tỉnh táo, tôi chưa tin ngay, mà phân tích rành rẽ. Tuy nhiên, sự việc này mỗi ngày càng xuất hiện nhiều hơn, buộc tôi phải tìm đến các thầy bà. Tuy nhiên, đi nhiều nơi, đến nhiều thầy, song họ không nhìn thấy gì, không xem được gì. Thế nhưng, điều lạ lùng, là nhiều thầy giỏi bảo nhìn vào trán tôi thấy hình cái giếng rất sâu, trong giếng có quyển sách, cái kiếm và ánh trăng lồng bên trong”.
Theo anh Lê Thái Bình, thời gian đó, cảm giác như có thế lực nào đó cứ thúc giục anh phải đi đâu đó, tìm gặp ai đó, mà bản thân anh cũng không hiểu được. Một lần, đang lang thang ngoài đường, gặp một người tầm 40 tuổi. Người này chặn anh Bình lại bảo rằng: “Em liên quan đến một ông tướng ngày xưa, em phải về Ninh Bình để tìm lại gốc gác của mình”. Anh này nói xong, rồi đột nhiên giật mình, nói giọng khác. Anh ta bảo rằng, anh không phải nhà tâm linh gì cả, chỉ là người bình thường. Những gì anh ta nói với anh Bình, bản thân anh ta cũng không hiểu được.
Suốt 3 ngày, kể từ khi gặp người đàn ông lạ, anh Bình không ngủ được, cứ bị điều gì đó thôi thúc, phải đi tìm nguồn gốc của mình. Cả 3 hôm ấy, đi dạy thiền cho các học viên, anh vẫn gặp chuyện lạ. Điều kỳ cục là một số học viên của anh cũng bảo rằng, khi rơi vào trạng thái vô thức, thấy quân lính lũ lưỡi kéo về, tiếng gươm đao loảng xoảng. 3 hôm sau ngày gặp người đàn ông lạ, anh cùng một đệ tử, là một cô gái, khá giỏi tâm linh lên đường về Ninh Bình. Chuyến về Ninh Bình khi đó khá vô định, đi theo sự thôi thúc, chứ không có chủ đích nào cả. Về đến một ngôi đình, rồi một ngôi đền ở Hoa Lư, chỉ mới đến cổng, cô đệ tử này đã bảo với anh Bình: “Sao toàn quân lính đứng hai bên đường thế kia”. Bản thân anh Bình khi đó cũng nhìn thấy quân lính đứng hai bên, cờ xí phấp phới, trống chiêng vang vọng, tuy nhiên, anh không kể, mà lắng nghe lời của cô đệ tử. Việc cả anh Bình và cô học viên nhìn thấy là khớp nhau, nên khó có thể nói đây là hiện tượng ảo giác.
Thấy quân lính đón mình như vị tướng, nên anh Bình biết phải làm gì. Anh cùng đệ tử đến chùa Bái Đính cổ để bái Phật, xin được chỉ dẫn. Lúc bái Phật, được truyền mấy câu thơ vào tai. Anh Bình chủ quan không ghi lại, nên lúc sau quên mất. Tuy nhiên, nội dung bài thơ chỉ anh phải đi về hướng Tràng An. Anh cùng đệ tử tiếp tục lên xe, kêu lái xe đi về hướng Tràng An. Khi xe chạy qua đường hầm xuyên núi thì thấy khắp hai bên đường, kéo dài lên tận đỉnh núi là quân lính, với giáo mác uy nghiêm, xếp hàng ngay ngắn, trùng trùng điệp điệp, như thể sắp ra trận. Đến khu vực Tràng An Cổ, như thể có thế lực vô hình, kéo anh vào, nên anh bảo lái xe rẽ vào cái cổng có dòng chữ “Tràng An Cổ” dưới chân núi. Vừa bước chân qua cổng, thì gặp ông Nguyễn Văn Son, người đàn ông tưởng như khắc khổ, nhưng vẫn toát lên dáng vẻ của một thi sĩ. Vừa gặp anh Bình, ông Son đã niềm nở bắt tay bảo: “Đúng là anh rồi. Đêm qua tôi nằm trằn trọc không ngủ được, cứ nhắm mắt là mơ thấy một người nào đó về tâm linh sẽ về gặp tôi. Chắc đúng là anh rồi”. Ông Son vừa nói xong, thì anh Bình bảo: “Ông ơi, ở đây có cái giếng nào sâu lắm, sâu không có đáy không ông?”. Ông Son gật đầu bảo có cái giếng rất sâu trên núi, gọi là giếng Trời.
Anh Bình cứ thế rảo bước phăm phăm, như thể có thế lực nào đó kéo đi. Vào đến ngôi đền thờ vua Đinh cùng các quân, tướng trên vách đá, anh Bình tự dưng khóc rống lên. Anh thấy linh hồn của mình chít khăn, đóng khố. Linh hồn bay lên, nhưng anh thì cứ đứng khóc. Đêm xuống, ông Son giữ lại ăn nghỉ, để xem có chuyện gì xảy ra tiếp. Bóng đêm xuống, ông Son bật hết điện ở khu Tràng An Cổ lên. Ánh điện chiếu xuống dòng Sào Khê lấp lánh. Đứng trên đền, nhìn xuống sông Sào Khê anh Bình thấy hàng ngàn quân lính khóc ai oán. Nhìn về phía hang Luồn, anh thấy trận pháp bày dưới sông rõ mồn một. Anh Bình nhớ lại: “Lúc tôi nhìn về hang Luồn, thì tự dưng nguyên thần của tôi bay đến, tìm cách phá trận pháp đó. Tuy nhiên, có người đến chặn và bảo: “Tướng quân không được vào đây. Đây là trận pháp trấn yểm, không được phá”. Khi người này ngăn chặn, thì nguyên thần của tôi lại trở về. Lúc nguyên thần bay đi, tôi nhìn rõ, nhưng toàn thân cứng đờ, không chuyển động được. Khi nguyên thần trở về với cơ thể, thì tôi trở lại bình thường, nhưng trong lòng thấy nỗi buồn tràn ngập tâm can, buồn vô hạn. Tôi tỉnh táo lại, thì thấy cô đệ tử khóc to lắm. Linh hồn một người lính đã nhập vào cô ấy bảo tôi mang họ Nguyễn, xưa là tướng quân, xưng là chủ tướng. “Người lính” ấy cứ khóc, kêu khổ lắm, đói lắm, phải ở đây làm lính, canh giữ long mạch đất nước. “Người lính” ấy còn bảo tôi đi tu hành bao năm, giờ mới quay lại, nhận lại tiền kiếp. “Người lính” còn bảo, khi nào có ấn tín của “chủ tướng”, tức tiền kiếp của tôi, thì họ mới về được”. Lúc ấy, tôi vỡ vạc ra nhiều điều, hiểu được tiền kiếp của mình. Suốt hai ngày, hai đêm, tôi ngồi đọc chú đại bi, hồi hướng cho quân lính, khao quân liên tục, tiền vàng rải nhiều lắm. Tôi cho phép quân lính về lại quê hương bản xứ, nhưng cấm không được quấy phá dương gian. Nếu không có chỗ dung thì quay lại với chúng tôi, tôi tu cái gì thì tu theo cái ấy. Xong việc, tôi đốt hết kinh. Sau khi thực hiện xong những việc tâm linh ấy, thì tôi gặp lại ông Son, bảo ông phải làm đàn tế thật to, để giúp các oan hồn nơi đây siêu thoát. Tôi sẽ hỗ trợ cùng ông Son làm việc ấy”.
Câu chuyện của anh chàng Lê Thái Bình quả thực quá kỳ dị, như thể câu chuyện ở một thế giới xa xăm nào đó. Tuy nhiên, khi gặp ông Son, ông bảo rằng, lần đầu tiên gặp Bình, ông đã có cảm giác rất lạ, như thể là người sẽ giải đáp cho ông nhiều điều khó hiểu ở Tràng An Cổ, nơi ông đã gắn bó, xây dựng nhiều năm nay, và gặp vô số điều lạ lùng, kỳ bí, mà bản thân ông không thể giải thích được. Những tiếng binh đao hàng đêm vẫn văng vẳng từ dưới sông. Những tiếng khóc ai oán của thiếu nữ. Những oan hồn vẫn đây đó, mà nhiều lúc rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ, ông vẫn cảm nhận thấy được. Vô số điều kỳ lạ tập trung ở cửa hang Luồn, là điểm nhấn của khu du lịch Tràng An Cổ, là điểm nhấn của toàn bộ vùng đất Tràng An, mà ông chỉ có thể bó tay, không sao giải thích. Ông đã moi lên hàng đống xương người, ông đã lập cả một nghĩa địa để thờ cúng chu đáo. Nhưng, tại sao lại có nhiều xương đến vậy. Rồi còn hàng đống tiền cổ, hàng tạ cổ vật kỳ lạ. Còn xương hổ, xương voi nữa chứ. Những thứ đó, vì sao tập trung ở một địa điểm dưới dòng Sào Khê? Những câu hỏi bao năm nay không có lời giải, đã thêm một lần nữa, được chàng trai Lê Thái Bình gợi mở, khiến ông Nguyễn Văn Son càng tin tưởng hơn vào một huyệt mạch kỳ lạ, một trận đồ trấn yểm có thể nói là cực kỳ quan trọng từ cả ngàn năm trước.
Lần này, trở lại Tràng An Cổ, cùng cả chị Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm truyền thông Tâm Linh, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Son đón tiếp chu đáo. Chúng tôi rẽ vào Tràng An Cổ, mà không hề báo trước với ông Son. Lê Thái Bình bảo rằng, cứ tự đi, tự đến, có nhân duyên thì gặp, không có nhân duyên, thì có gặp cũng không mang lại kết quả. Tràng An Cổ những ngày đông giá rét, khách tham quan vắng. Cả hai khu Tràng An đều chìm trong màn sương bàng bạc, buồn tẻ. Từ trên vách núi, tôi thấy con chim kỳ lạ, thân màu đen, có chút sọc đỏ, sọc trắng, cái mỏ to tướng như mỏ bồ nông đậu trên một chạc cây soi bóng xuống dòng Sào Khê. Tôi hỏi chị lái đò, rằng con chim gì mà lạ lùng thế. Chị lái đò nhìn theo hướng tay tôi chỉ, rồi rú lên ra vẻ kinh ngạc lắm. Hóa ra, đó là chim phượng hoàng đất, loài chim cực kỳ quý hiếm, tưởng như tuyệt chủng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thi thoảng loài chim này vẫn xuất hiện ở khu vực Tràng An. Rất hiếm người ghi lại được hình ảnh loài chim này. Đồn rằng, phượng hoàng đất thường xuất hiện vào những dịp trọng đại, và chỉ có những người may mắn lắm mới được chiêm ngưỡng loài chim này. Khi chúng tôi đang bàn tán, thì con phượng hoàng đất nhào ra phía dòng Sào Khê, rồi vỗ cánh phành phạch bay mất hút vào trong núi.
Từ phía vách núi, nơi ngôi đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc và ba quân tướng sĩ, phát ra tiếng đàn bầu não nuột. Cảnh mùa đông lạnh giá, vắng vẻ, thi thoảng chỉ có tiếng chim kêu, rừng núi âm u, nghe tiếng đàn bầu mà buồn. Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Son, thì chị lái đò bảo: “Trưa nay, ăn xong, bác Son gọi em đến bảo chiều nay sẽ có khách tâm linh đến. Bác dặn em ngồi đây đợi, rồi có gì chèo đò đưa khách đi. Mùa này không có khách thăm quan đâu. Chắc đúng là đoàn mình rồi”. Một lần nữa tôi kinh ngạc. Chẳng lẽ ông Son có khả năng dự báo, biết trước khách đến? Anh chàng Lê Thái Bình thì cho rằng chuyện đó rất bình thường. Khi đã có sự giao lưu của thần thức, thì sẽ được báo mộng. Chúng tôi đang leo đến lưng chừng núi, thì tiếng đàn bầu im bặt. Ông Nguyễn Văn Son, dáng cao, gầy, mái tóc vuốt ngược, vầng trán cao, dáng vẻ thi sĩ ra bắt tay. Trà nóng ông đã pha sẵn. Ông bảo, đêm trước không ngủ được, cứ nhắm mắt là thấy ba quân tướng sĩ, cờ xí rập rờn đón tướng quân. Lúc thì được báo mộng hôm nay sẽ có khách quan trọng đến. Vậy nên, cả ngày ông Son không đi đâu, không làm gì, chỉ ra quẩn vào quanh, hết gảy đàn, lại pha trà thưởng thức. Gặp lại anh chàng Lê Văn Bình, ông Son rất vui. Có thêm tôi và chị Thu Hương, ông Son hào hứng kể nhiều chuyện. Ông dẫn chúng tôi thăm quan một vòng khu Tràng An cổ. Đích thân ông chèo thuyền dọc sông Sào Khê, rồi kể tỉ mỉ, cặn kẽ từng thứ. Biết bao câu chuyện mà ông xới lên từ những trang sách, từ lời kể dân gian, từ những lớp sâu bùn đất mà ông đào bới, khai quật lên. Tôi có cảm giác, ông Son là nhà văn hóa, nhà sử học, nhà tâm linh, là một thi sĩ, với bộ óc dường như được khai sáng, chứ không phải là một ông nông dân, một ông trưởng thôn, ông chủ nhiệm hợp tác xã đóng gạch, ngói ở vùng đất này. Riêng Lê Văn Bình từ chối ngồi thuyền dưới dòng Sào Khê. Anh Bình bảo, anh sợ cảm giác nhìn thấy hình ảnh quân lính đói khát, bi thương, nên anh chỉ luẩn quẩn ở chỗ nhà khách, hoặc đi lại ngó nghiêng dưới chân núi.
Đi một vòng dọc sông Sào Khê, vào hang Luồn, chúng tôi trở ra. Anh Lê Thái Bình yêu cầu ông Son dẫn anh cùng chúng tôi thắp hương ở đền, rồi lên giếng trời. Cái giếng đó nằm trên lưng chừng núi, nhìn nghiêng xuống hang Luồn, nơi có dòng Sào Khê. Tôi nhặt hòn đá nhỏ, ném xuống, nhưng chẳng thấy tiếng dội lại. Ông Son bảo, giếng này không đáy. Ông đã nhiều lần thử thám hiểm, ròng dây trèo xuống, đeo cả bình ô xi, nhưng không đến đáy. Thế nên, người Tràng An mới gọi là giếng Trời. Có truyền thuyết về cuốn sách và thanh kiếm trong giếng, đúng như lời những ông thầy tướng nói vào thời điểm anh Bình bị “cơ đày”. Thế nhưng, anh Lê Thái Bình vừa đến cửa giếng Trời, đã quay ra, không dám đến gần. Anh Bình bảo rằng, âm khí ở giếng nhiều quá. Oan hồn tụ ở giếng này quá nhiều, nên những người nhạy cảm với khí âm không đến gần được.
Sau khi tham quan một vòng, anh Bình trình bày với ông Son rằng, lần này về Tràng An, anh có cảm giác nhẹ nhõm hơn lần trước. Nỗi oan trái cũng ít hơn, các oan hồn vất vưởng của tướng sĩ cũng không còn nhiều như lần trước nữa. Ông Son bảo rằng, cảm nhận của anh Bình là hoàn toàn chính xác. Sau lần anh Bình về đây, thì có một ông thầy bí ẩn, theo phái Mật Tông, đã cùng cả trăm đệ tử từ Hà Nội tìm về, lập đàn giải oan cho các oan hồn. Ông thầy bí ẩn này đã thực hiện lễ giải oan hai lần, nên việc các oan hồn vất vưởng ở Tràng An, cũng như trận pháp dưới dòng Sào Khê đã được giải phần nào. Ông Nguyễn Văn Son bảo: “Hai năm trước cậu về đây khóc lóc ầm ĩ, rồi yêu cầu tôi làm đàn tế giải oan, tuy nhiên, tôi chưa tin lắm, với lại điều kiện chưa cho phép để làm đàn tế lớn. Một thời gian sau, thì thầy Hiếu cùng đoàn đệ tử về đây. Ông ấy bảo đây là huyệt mạch quốc gia, có một trận pháp trấn yểm quan trọng. Ông ấy tự làm đàn tế giải oan cho các oan hồn những hai lần. Có lẽ, đàn tế giải oan của ông ấy có tác dụng, nên lần này cậu cảm nhận khác hơn”.
(Còn tiếp…)