Cũng tùy vào chủ kho báu (đôi khi là chủ mộ) thuộc tầng lớp nào, quy mô, giá trị của kho báu ra sao nữa ạ
Em bị cuốn hút với câu chuyện về Thần giữ của từ nhỏ. Quê em ở đồng bằng sông Hồng, mỗi lần về quê hoặc bà lên ở nhà em, là lại những đêm đèn dầu (hồi 8x giữa mất điện tối thường xuyên và ở quê thì hoàn toàn không có điện), bà và mẹ em rì rầm, cậu dì em thì thầm về những câu chuyện làng, tất nhiên có trong đó rất nhiều chuyện liêu trai, truyền thuyết làng quê: miếu thờ Cô bị hổ vồ, Đền thờ Thánh là Tướng đánh trận tử thương cưỡi ngựa về đến đó uống nước xong thì hóa, tiếng Vọng khóc, tiếng cú đêm ...rồi rùng rợn bí hiểm hơn cả là Mả Tàu, Gò Tàu, Gò Mả - những tên gọi của những gò đất khum khum rải rác trong vùng mà dân tình bao đời truyền miệng lại là Mộ của Tàu, có cực nhiều vàng nhưng có Thần giữ của
Em đã bị lôi cuốn từ những câu chuyện như thế, và những năm 8x cuối, 9x đầu, với làn sóng tạp chí, sách mới sau mở cửa, em háo hức tìm, ngấu nghiến đọc tất cả những gì em thích ...từ các tạp chí Thế giới mới, Kiến thức ngày nay, KCT ...các tác phẩm truyện của các cụ Thế Lữ, Tchya ...
Hơn 20 năm sau, khi Ma Thổi đèn làm mưa làm gió dòng truyện trộm mộ Trung quốc (các Cụ mợ chắc không lạ gì chuyện này), thì những hình ảnh hình dung, những mảnh ghép của em về câu chuyện Thần giữ của - Bảo vệ mộ đã được hoàn thiện rõ ràng hơn
Nay và mai, em nghỉ sẽ tranh thủ chia sẻ những kiến thức chủ quan, nông cạn của em về mảnh này
Kính xin các Cụ, Mợ thâm uyên phân tích và chỉ rõ thêm cho em ạ