Báo Pháp: Xung đột Karabakh - TT Nga Putin thu phục Armenia mà "không cần nổ 1 phát súng"?
Theo nhà sử học Pháp Galia Ackerman: "Việc Armenia hay Azerbaijan kiểm soát Nagorno-Karabakh không phải là ưu tiên đối với ông Putin".
Mới đây, France 24 đã đăng tải bài phân tích nhan đề: "Haut-Karabakh: Vladimir Poutine reprend le contrôle de l'Arménie" (tạm dịch: Nagorno-Karabakh: Vladimir
Putin đã giành lại quyền kiểm soát
Armenia) của một nhà báo độc lập có bút danh Romain HOUEIX.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là từ nước Pháp nói riêng và các nước Tây Âu nói chung về xung đột Nagorno-Karabakh và thỏa thuận ngừng bắn được Nga trung gian giữa Armenia và Azerbaijan hôm 9/10, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Nga đạt mục tiêu mà "không cần nổ 1 phát súng"?
Thỏa thuận ngừng bắn được người Nga công bố vào ngày 9/11 đã kết thúc 6 tuần xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
Thỏa thuận yêu cầu Armenia chấp thuận các yêu sách của Azerbaijan trong khu vực. Đây là "ngòi nổ" cho các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn ở Armenia nhằm kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức và cáo buộc ông này là "kẻ phản bội".
Nga là đồng minh lâu đời của Armenia, điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận đã khiến nhiều người Armenia coi việc Moscow dàn xếp nó như một sự phản bội khác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân đưa ra thông báo về thỏa thuận vào lúc nửa đêm ngày 9/10, nhấn mạnh rằng nó bao gồm "một lệnh ngừng bắn hoàn toàn" và "chấm dứt các hành động thù địch quân sự" ở Nagorno-Karabakh.
Khoảng 2.000 quân Nga đã được triển khai tới Nagorno-Karabakh ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Theo thỏa thuận được ký kết bởi Yerevan, Baku và Moscow, lính Nga được triển khai thay thế lực lượng Armenia rút khỏi các khu vực trong tương lai sẽ nằm sự kiểm soát của Azerbaijan - tức là 7 quận xung quanh Nagorno-Karabakh và một phần nhỏ của chính khu ly khai này.
Cộng hòa Artsakh tự xưng nay đã suy yếu và nằm dưới sự bảo vệ của binh lính Nga.
Nhóm quân này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ "hành lang Lachin", tuyến đường tiếp tế duy nhất nối Nagorno-Karabakh với Armenia.
Chiến thắng cho Azerbaijan với lời cầu chúc từ ông Putin?
Azerbaijan có vẻ như là người chiến thắng lớn nhất trong cuộc xung đột với nước láng giềng và đồng thời là địch thủ trong khu vực.
Điều đáng chú ý là các vùng lãnh thổ mà Baku giành được bao gồm thị trấn lịch sử và chiến lược Shushi (Shusha), nằm trên con đường nối Armenia với thủ đô Stepanakert của phe ly khai.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tuyên bố chiến thắng, nhấn mạnh việc Armenia đã phải "đầu hàng" và gọi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan là "kẻ hèn nhát" vì không ký thỏa thuận trước ống kính máy quay.
Ông Aliyev thậm chí còn nói thêm rằng
"chúng tôi đã nói rằng sẽ đuổi họ khỏi đất của chúng tôi như những con chó, và chúng tôi đã làm điều đó".
Bình luận với France 24, bà Galia Ackerman, một nhà sử học ở Paris chuyên về Đông Âu và là tác giả của "Régiment Immortel: La Guerre sacrée de Poutine" (Trung đoàn bất tử: Cuộc chiến thiêng liêng của Putin), cho rằng Azerbaijan đã được hưởng sự ủng hộ "ngầm" của ông Putin:
"Việc Armenia hay Azerbaijan kiểm soát Nagorno-Karabakh không phải là ưu tiên đối với ông Putin.
Theo cách ông ta nhìn nhận, để mặc cho chiến tranh diễn ra là một dạng phương tiện trong nỗ lực loại bỏ ông Pashinyan và thay đổi tình hình chính trị ở Armenia".
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
"Ông Pashinyan đã được bầu sau một cuộc nổi dậy vào năm 2018 và bắt đầu có vẻ hơi quá độc lập, theo như lo ngại của Moscow" bà Ackerman nói thêm.
"Điều đáng chú ý, là ông ấy (Pashinyan) đã loại bỏ một số nhân vật thân Nga khỏi các cơ quan an ninh (Armenia)".
Ai cũng có phần, chỉ trừ Armenia!
Bất chấp sự xuất hiện của các nhà ngoại giao Pháp và Mỹ tại Moscow vào ngày 12/11, Paris và Washington đã không đóng một vai trò nào trong thỏa thuận ngừng bắn.
Pháp và Mỹ cùng với Nga đồng chủ trì Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), được giao nhiệm vụ đảm bảo hòa bình ở Nagorno-Karabakh.
Alexander Gabuev, một nhà phân tích cao cấp của Trung tâm Carnegie Moscow nói với AFP:
"Điều vô cùng quan trọng đối với Điện Kremlin là vai trò của phương Tây đang bị giảm sút, vốn chủ yếu là tự gây ra bởi sự thiếu tập trung".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng là một người chiến thắng lớn khác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh.
Là một đồng minh thân cận của Azerbaijan, Ankara sẽ giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn bằng cách sử dụng một trung tâm quan sát chung với người Nga.
Ông Gabuev bình luận trên mạng xã hội Twitter:
"Có một trật tự khu vực mới đang được hình thành, với người Nga vẫn không thể thiếu, vai trò của người Thổ ngày càng tăng và mức độ liên quan của phương Tây đang giảm dần".
Ankara đã tham gia ở tất cả các cấp - đặc biệt là ở cấp độ quân sự - và bây giờ chúng ta có thể thấy Azerbaijan đặt tầm quan trọng lớn hơn vào mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ so với quan hệ với Nga".
Bà Ackerman kết luận:
"Nga giành lại quyền kiểm soát đối với Armenia và đứng chân trên mặt đất ở Nagorno-Karabakh.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường liên kết với Azerbaijan còn Azerbaijan thì rất vui mừng vì họ đã thu hồi được lãnh thổ mà quân ly khai đã chiếm đóng trong hơn một phần tư thế kỷ.
Trong số tất cả các "tay chơi" tham gia vào cuộc xung đột này, tất cả đều thu lợi ngoại trừ Armenia".