Nguyễn Văn Trương - Đệ nhất Ngũ hổ tướng
Ông sinh năm 1740 tại xã An Lý, huyện Lễ Dương, nay là xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Lúc nhỏ nhà nghèo phải đi giữ trâu cho người khác nhưng thiên tư về quân sự bộc lộ rất sớm. Ông tập hợp bọn chăn trâu, tổ chức thành đội ngũ, bày trận đồ, tự xưng là đại tướng, chỉ huy bọn trẻ đánh nhau.
Lớn lên vào Gia Định. Không rõ năm nào và vì sao ông vào Gia Định, chỉ biết khoảng năm Bính Thân (1776), khi Nguyễn Lữ (một trong ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn) đem quân vào Nam, lấy được thành Sài Gòn, đuổi chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy đến Trấn Biên (Biên Hòa), thì Nguyễn Văn Trương xin theo phò và được cho giữ chức Chưởng cơ cai quản binh thuyền. Ông được Nguyễn Lữ phân đóng giữ Long Xuyên, đã lập được nhiều chiến công, có lần ông truy đuổi Nguyễn Ánh chạy trối chết, may nhờ một cơn lốc, cây cối bị đổ, Nguyễn Ánh mới thoát được.
Nhận thấy sự chia rẽ của anh em nhà Tây Sơn, nghiệp lớn khó thành nên ông bỏ Nguyễn Lữ. Năm 1787, khi Nguyễn Ánh từ Xiêm (Thái Lan) về, ông đem 300 quân và 15 chiếc thuyền về hàng, được Nguyễn Ánh phong làm Khâm sai chưởng cơ, cai quản đạo tiên phong doanh thủy trung quân. Sau nhờ lập được nhiều chiến công được phong Khâm sai chưởng đạo tiền phong, Trung quân thủy dinh.Từ đây ông tham gia hàng trăm trận, trận nào cũng thắng lợi vẻ vang.Có thể kể một phần trong “nhật ký hành quân” của ông.
- Tháng 8 năm Mậu Thân (7 tháng 9 năm 1788), Nguyễn Văn Trương cùng Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Tô Văn Đoái, Hoàng Văn Khánh, Tống Phúc Ngoạn giúp Nguyễn Ánh lấy lại thành Gia Định.
- Năm Kỷ Dậu (1789), cùng Tôn Thất Hội, Võ Tánh đánh tan đạo quân của Phạm Văn Sâm ở Hố Châu (Đồng Nai) buộc Phạm Văn sâm phải đầu hàng. Sau đó tiêu diệt toàn bộ dư đảng của Ốc Nha Ốc ở Ba Thắc (Sóc Trăng).
- Năm Nhâm Tí (1792), nhân khi mùa gió Nam thổi mạnh, Nguyễn Văn Trương cùng Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Qui Nhơn), rồi quay về an toàn.
- Năm Quý Sửu (1793), cùng Võ Tánh dẫn thủy quân còn Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Huỳnh Đức đem bộ binh đánh Phan Rí (Bình Thuận). Toàn thắng quân Nguyễn tiến đánh Diên Khánh, Nha Trang và Phú Yên. Sau đó tiến đánh Qui Nhơn. Tây Sơn đưa một lực lượng lớn đến cứu viện quân Nguyễn phải rút về Diên Khánh.
- Năm Giáp Dần (1794) cùng Nguyễn Văn Thành đánh vào cửa biển Đại Cổ Lũy (Quảng Ngãi) cướp được rất nhiều binh thuyền, lương thực của Tây Sơn.
- Năm Ất Mão (1795), chỉ huy tướng sĩ 3 doanh giải vây được cho thành Diên Khánh.
- Năm Đinh Tỵ (1797) theo Nguyễn Ánh đánh Qui Nhơn, Phú Yên, Đà Nẵng, ra đến tận cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên) đánh vào đồn ở núi Phú Gia. Tất cả đều toàn thắng.
- Năm Mậu Ngọ (1798), Nguyễn Văn Trương cùng Nguyễn Hoàng Đức đem quân sang Xiêm theo lời cầu viện của vua Xiêm để chống lại cuộc xâm lăng của người Miến Điện (Myanma). Quân Miến thua trận phải rút chạy.
- Năm Kỷ Mùi (1799) đem quân đánh Quảng Ngãi đốt 5 sở đồn của Tây Sơn ở Sa Hoàng, Sa Kỳ, Mân Khê, Mỹ Ý, Thái Cần xong quay về hợp binh lấy lại Qui Nhơn rồi rút về đánh chiếm lại Diên Khánh.
- Năm Canh Thân (1800), đánh tan quân Tây Sơn ở Vân Phong (Khánh Hòa), đèo Cù Mông (Phú Yên) của biển Đề Gi, thu được rất nhiều binh thuyền, khí giới, lương thực.
Tháng Giêng năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy đem quân vào đánh cửa Thị Nại. Đây là trận “thủy chiến” dữ dội nhất của hai phía Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Phía Nguyễn Ánh chết 4000 quân trong đó có Thủy sư đô đốc Võ Di Nguy. Nhưng phía Tây Sơn thiệt hại hơn 20 000 quân, 1800 chiến thuyền và 800 đại bác.Công đầu trận này thuộc về Nguyễn Văn Trương.
Sau chiến thắng vang dội ở cửa biển Thị Nại (Qui Nhơn) ông dẫn đại quân tiến ra cửa biển Cổ Lũy (Quảng Ngãi) rồi Đại Áp, Đại Chiêm (Quảng Nam). Quân ông đến đâu quân Tây Sơn tan vỡ đến đó, ông chiếm đồn ở Hội An, La Qua, Phú Chiêm, Đại đô đốc Nguyễn văn Xuân, cùng Trấn thủ Văn Tiến Thể của Tây Sơn bỏ chạy, quân ông thu được nhiều chiến lợi phẩm. Ông tiếp tục tiến ra Đà Nẵng, lấy đồn Hải Vân, chiếm cửa biển Tư Hiền, Thuận An và tiến chiếm Phú Xuân. Thừa thắng ông tiến quân ra sông Gianh chặn đường rút lui của Tây Sơn.
Sau trận này, Nguyễn Ánh sai mang ấn và dây thao đại tướng đến giữa trại quân trao cho Nguyễn Văn Trương và phong làm Khâm sai chưởng trung quân, Bình Tây đại tướng quân quận công.
Nhưng trận thủy chiến thắng lợi trên sông Nhật Lệ mới là đóng góp lớn nhất của ông cho sự nghiệp của Nguyễn Ánh. Năm 1802, vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy trấn giữ Nghệ An, còn tự mình cầm quân định chiếm lại Phú Xuân. Đây là trận đánh có ý nghĩa quyết định cho cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
Hai bên chạm nhau ở Trấn Ninh. Đánh từ sáng đến chiều quân Tây Sơn vẫn không tiến lên được. Thấy thế trận ngày càng khốc liệt bất phân thắng bại, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Phúc Ánh đang cố thủ. Bà xua quân xung trận, tự tay thúc trống liên hồi. Quân của Nguyễn Ánh đã giao động định vượt sông Gianh mở đường máu thoát thân. Lúc quân Tây Sơn đang ở thế thắng thì thủy quân của Nguyễn Ánh do Nguyễn Văn Trương chỉ huy đánh tan thủy quân Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ tràn lên tiếp cứu. Bộ binh Tây Sơn tan vỡ. Quang Toản rút chạy, Bùi Thị Xuân buộc lòng phải phò vua ra Bắc. Từ đó quân Tây Sơn trượt dài trong thất bại.
Trong chiến dịch đánh Thăng Long, Nguyễn Văn Trương chỉ huy thủy quân tiến chiếm cửa Giồn (Hà Tĩnh), cửa Hội (Nghệ An), chiếm vùng Sơn Nam Hạ rồi tiến vào Thăng Long.
Trong suốt cuộc chiến, tham gia hàng trăm trận đánh, nhưng chưa trận nào ông bị thua. Đại Nam liệt truyện chỉ nói đến một trận thua duy nhất của quân ông vào năm 1801 ở núi Thần Đâu nhưng lại do viên phó tướng chỉ huy và vì không tuân theo chỉ dẫn của ông.
Năm 1803, Gia Long vi hành ra Thăng Long, Nguyễn Văn Trương theo phò. Khi Nguyễn Văn Thành được cử đi kinh lý các tỉnh, Nguyễn Văn Trương được cử làm quyền Tổng trấn Bắc Thành (1803-1804), sau đó về Kinh cùng Lê Chất lo việc xây đắp kinh thành Huế. Năm sau được cử vào Nam làm Lưu trấn Gia Định (1805-1808).