Mùa hè tới rồi. Hi vọng các cụ có thêm chút thông tin để lựa chọn phim cách nhiệt cho kính lái sao cho hiệu quả.
Kính lái là nơi nhiệt truyền qua nhiều nhất do có diện tích rộng và nằm nghiêng. Kính lái là nơi để quan sát nên không thể lắp thêm rèm, tấm chắn nắng khi di chuyển. Khi nắng chiếu qua kính lái vào vị trí người lái, người lái cũng không thể tránh nắng vì đây là vị trí bắt buộc khi xe vận hành. Vì vậy việc chống nắng cho kính lái là quan trọng nhất so với các vị trí kính còn lại của xe.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn cho chất lượng phim và thi công cho kính lái lại đòi hòi rất cao và đặc biệt. Nếu sử dụng phim kém chất lượng không những không mạng lại hiệu quả mà còn mang lại nhiều tác hại.
Trên thực tế, rất nhiều người dán phải phim cho kính lái chất lượng đảm bảo thì có hiệu quả rõ rệt. Cũng rất nhiều người dán phải phim chất lượng chưa tốt nên gặp nhiều tác hại không mong muốn dẫn tới mất niềm tin với phim cách nhiệt.
Vì vậy đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Có nên dán phim cách nhiệt không? Có nên dán kính lái?
Sau đây là những tiêu chuẩn quan trọng để chọn phim cách nhiệt cho kính lái ô tô: Không gây lóa vào buổi tối, độ xuyên sáng, độ phản gương, khả năng cách nhiệt, tính ổn định sản phẩm.
1/ Tiêu chuẩn không gây lóa vào buổi tối: Đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất.
Đây là hiện tượng mà vùng sáng của nguồn phát sáng như đèn pha, đèn cốt, đèn cao áp bị biến dạng vào buổi tối khi nhìn qua kính lái ô tô do dán phim cách nhiệt. Xem chi tiết thêm về “Những hiện tượng lóa của phim cách nhiệt cho kính lái ô tô vào buổi tối”
tại đây. Phim gây lóa sẽ mang lại những tác hại như:
- Làm giảm tầm nhìn gây mất an toàn cho người lái.
- Làm người lái khó chịu, nhức mắt, hoa mắt, về lâu về dài có thể làm mắt mắc các tật khúc xạ.
Mức độ gây lóa của phim càng cao thì tác hại mạng lại càng nhiều. Vì vậy, nên chọn những loại phim không gây lóa vào buổi tối. Để nhận biết phim có bị lóa hay không, có thể thử quan sát đèn ngược chiều vào buổi tối qua kính lái.
2/ Độ xuyên sáng: Được ký hiệu là VLT (Visible Light Transmittance)
Hệ số này càng cao cho ta tầm nhìn càng tốt. Nhưng độ xuyên sáng cao quá thì hiệu quả cách nhiệt cũng ít. VLT của kính lái chưa dán phim khoảng 90%. Phim cho kính lái nên có độ xuyên sáng từ 70% – 75% để đảm bảo an toàn. Ở những nước có quy định về độ xuyên sáng cho kính lái, mức áp dụng thường ở mức này. Không nên chọn những loại phim có độ xuyên sáng dưới 65% cho kính lái.
3/ Độ phản gương: Được ký hiệu là VLR (Visible Light Reflectance)
Đây là hệ số % ánh sáng tới bề mặt phim bị phản ngược trở lại. VLR của kính chưa dán phim thường là 8-9%. Phim có độ phản gương càng lớn thì mức độ tạo ảnh từ táp lô lên kính lái càng rõ. Điều này gây giảm tầm nhìn, nhức mắt cho người lái vào ban ngày, đặc biệt là những hôm đi ngược nắng.
Vì vậy, không chọn những loại phim có độ phản gương (VLR) lớn hơn 15%. Nên chọn những loại phim có độ phản gương dưới 10%. Nhìn bằng mắt thường, phim có độ phản gương cao sẽ có ánh gương (bóng) hơn.
4/ Khả năng cách nhiệt:
Phim dán cho kính lái thường có độ xuyên sáng khoảng 70 – 75%, mức độ chênh lệch không nhiều nên khả năng loại bỏ nhiệt phụ thuộc chính vào khả năng loại bỏ tia hồng ngoại. Phim cho kính lái nên có hệ số loại bỏ tia hồng ngoại (IRR) trên 70%. Dùng đèn hồng ngoại thử cũng là một phương pháp khá hiệu quả để tham khảo khả năng loại bỏ tia hồng ngoại của phim.
5/ Tính ổn định của sản phẩm:
Phim cần có tính ổn định như không bị bong, rộp, bạc màu. Vì vậy nên chọn những loại phim có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế độ bảo hành đảm bảo.