Chưa biết bác Lãng Du có cho phép không. Nhưng "quần chúng" thì đã đồng ý rồi. Vậy tôi nhặt nhạnh dăm ba bức chụp được trong lúc lãng du gửi ké vào đây. Chia sẻ cùng các bác những ấn tượng của chuyến đi.
Bên dòng Nậm Na. Các bác nào đi Tây Bắc thì đã biết chỗ này rồi. Vực sâu thăm thẳm
Trúng một phiên chợ Tam Đường. Mầu sắc thật là rực rỡ và vui mắt. Có những tộc người phụ nữ mặc váy, cũng có tộc họ mặc quần. Váy thì rất cầu kì và đẹp, khi đi váy đánh sang hai bên theo chân bước. Còn những người mặc quần thì mầu chủ đạo là đen, từ khăn đội đầu trở xuống. Nhưng cổ thì lại đeo một chùm sợi mầu đỏ. Trang phục này không đẹp. Tiếc là không có thời gian để hỏi biết rõ hơn về các tộc này.
Một ngôi đình cổ ở Yên Hưng đang được tháo dỡ để trùng tu. Mật độ chạm trổ dầy đặc của ngôi đình này thật đáng ngạc nhiên, tôi chưa thấy ở đâu như vậy. Nhưng những người tháo dỡ hình như không í thức được chuyện phải bảo vệ những chi tiết này thật cẩn thận. Khi chúng tôi đi qua họ đang xô ngói trên nóc ào ào đổ xuống.
Một đêm nghỉ lại Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An. Ăn cá sông Giăng, ăn canh đọt mây và uống rượu cùng cha chú của những đứa trẻ này. Chúng thật đẹp, có thua gì bọn trẻ con thành phố đâu.
Nghĩa trang Quốc gia Liệt sĩ Đường 9. Ba năm liên tục tôi có dịp qua Quảng Trị và ghé Nghĩa trang Quốc gia Liệt sĩ Trường Sơn. Nhưng năm nay là lần đầu tiên tôi vào NTLS Đường 9. Mới biết một điều rằng NTLS Đường 9 là nghĩa trang quy tập hài cốt của những người lính chiến trên các mặt trận, các quân binh chủng hi sinh tại Quảng Trị. Vì thế ở đây trùng điệp những ngôi mộ "chưa biết tên". Khi tôi qua đây năm nay, họ vừa hoàn thành một ngôi mộ tập thể cho hơn 150 người. Bởi không thể phân biệt từng bộ hài cốt từ một ngôi mộ tập thể, tất cả họ đều chưa biết tên. Ai có đi qua Quảng Trị, nếu có dịp, hãy thăm thêm những liệt sĩ ở nghĩa trang này.
Nói thêm về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đó là nghĩa trang của riêng Đoàn Vận tải 559. Chỉ riêng Đoàn 559 mà sự hi sinh thật lớn lao. Họ hi sinh trên chiến trường vận tải nên có điều kiện để lại danh tính. Số mộ chưa biết tên rất ít. Vì thế nghĩa trang này thường xuyên có người nhà thăm viếng. Truyền thông còn làm cho nghĩa trang này nổi tiếng, vì thế nó không hiu quạnh vắng vẻ như nghĩa trang Đường 9.
Sông Hương, nơi gặp của dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, chụp từ trên cầu Tuần.
Cù lao Chàm, Bãi Ông, nơi ngày xưa có con cá voi (Ông) chết dạt vào. Người dân mai táng, sau đưa cốt vào miếu thờ.
Bến thuyền trên sông Cà Ty, Phan Thiết.
Trường Dục Thanh của thầy Nguyễn Tất Thành, bên sông Cà Ty.
Thác DRay Nur, cùng một dòng với thác Gia Long (DRay Sap) ở thượng nguồn.
DRay Sap
Hoàng hôn Tây Nguyên, nhìn xuống hạ lưu của DRay Sap
Phòng máy thuỷ điện Ialy. Máy có đèn trắng là máy nghỉ, máy có đèn đỏ là phát điện còn máy có đèn tím là tiêu điện. Sông này chảy sang Campuchia, phải đảm bảo một lưu lượng nước chảy xuống nên không cần phát điện vẫn phải cho nước chảy qua máy (không có cửa xả đáy?). Nước chảy qua máy thì điện phát ra, mà không dùng thì phải dí vào hai cái máy tím, chúng khi này thành mô-tơ tiêu điện. Nhà máy điện này cho vào thăm thoải mái, gọi là dịch vụ tham quan, có hướng dẫn hẳn hoi.
Nhà thờ bằng gỗ ở Kon Tum.